Liên kết để tự tin hội nhập

14:39 | 16/12/2015

Thách thức lớn nhất của các DN Việt Nam là tính liên kết yếu, vì vậy điều quan trọng nhất lúc này là làm sao khắc phục điều này, trong đó, có vai trò đặc biệt của các hiệp hội DN.

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực thi hành. Trước sức ép cạnh tranh của thị trường 650 triệu dân, các DN Việt không còn cách nào khác, phải liên kết để đón nhận cơ hội cũng như đương đầu với thách thức.

Ghi nhận từ thực tế tại An Giang, nơi có 6.000 DN đang hoạt động, và trên 60.000 hộ kinh doanh cá thể, cho thấy, sự liên kết giữa các DN, cũng như giữa DN với các đơn vị có liên quan đang ngày càng chặt chẽ hơn.

lien ket de tu tin hoi nhap

“Các DN nhỏ tại An Giang hiện nay đã biết sự lợi hại của hội nhập, và họ đã có sự chuẩn bị”, bà Trần Thị Đẹp, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh An Giang nói và đưa ra ví dụ, các DN đã đầu tư, thay đổi máy móc, thiết bị công nghệ, hoặc xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng; xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu; thay đổi về bao bì, mẫu mã sản phẩm; tiết kiệm trong các hoạt động để giảm chi phí, giá thành sản phẩm đủ sức cạnh tranh.

Dù chuẩn bị là vậy, song bà Đẹp vẫn phải thừa nhận rằng, DN nhỏ nói chung, sắp tới để vươn ra thị trường bên ngoài thì chắc chắn cần phải có sự liên kết.

Và bà cũng hiểu hơn ai hết những thiệt thòi của DN tỉnh lẻ như ở An Giang. Thông thường, DN đặt nhà máy tại An Giang sẽ phải vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu từ TP. Hồ Chí Minh về An Giang sản xuất, sau đó quay trở về TP. Hồ Chí Minh đi qua các cảng để xuất khẩu. “Đó cũng là một chi phí mà DN cũng phải tính toán, có sự hợp tác liên kết để đảm bảo chi phí sản xuất rẻ hơn, giá thành cạnh tranh hơn”, bà Đẹp nói.

Thực tế, chỉ còn 2 tuần nữa AEC chính thức hình thành, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho DN Việt Nam có thể khai thác thị trường với tổng sản lượng GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, khi phát biểu tại Diễn đàn DN Việt Nam hướng tới AEC 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Ngoại giao tổ chức vừa qua, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc không khỏi lo lắng khi cho rằng, thách thức lớn nhất của các DN Việt Nam là tính liên kết yếu, vì vậy điều quan trọng nhất lúc này là làm sao khắc phục điều này, trong đó, có vai trò đặc biệt của các hiệp hội DN…

Trở lại với câu chuyện liên kết của các DN tại An Giang, bà Trần Thị Đẹp cho hay, cái khó nhất để các DNNVV có thể liên kết, đó là việc xác định mục tiêu chung để cùng nhau thực hiện. Trong đó, có thể mỗi người làm một khâu, để cùng nhau hỗ trợ qua lại, thực hiện tốt hơn đơn hàng.

Ngay tại An Giang, trong chuỗi liên kết về lúa gạo, hoặc thủy sản, các DN cũng đang thực hiện việc này. DN tiếp cận ngay từ người nông dân sản xuất trên đồng ruộng; các DN ký hợp đồng hợp tác, sau đó DN cung cấp các vật tư, thiết bị, giống để hỗ trợ người sản xuất.

Tiếp đến, là hỗ trợ về mặt kỹ thuật để sản phẩm có thể đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng mà DN yêu cầu, từ đó các DN thu mua, chế biến. Nhờ đó, hàng hoá dễ dàng đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của khách hàng khó tính ở nước ngoài, cũng như có thể truy xuất nguồn gốc để vượt qua được các hàng rào kỹ thuật.

Có thể nói, đây là lúc cộng đồng DN cần đẩy mạnh liên kết với nhau, bằng nhiều hình thức khác nhau, cũng như cần sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức hỗ trợ. Bởi làm tốt điều này sẽ giúp các DN Việt tự tin bước vào hội nhập.

Thanh Vũ

Tags: #liên kết
Tin đọc nhiều