Chính sách thuế giúp doanh nghiệp phát triển | |
Thay đổi chính sách thuế tác động đến DN | |
Chính sách thuế quyết định sự hấp dẫn thu hút đầu tư |
Bộ Tài chính dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Với nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung mới, dự thảo luật dự kiến sẽ thay đổi rất nhiều quy định về việc quản lý các loại thuế, cũng như các thủ tục từ kê khai, nộp, hoàn thu, các khoản bảo hiểm bắt buộc do cơ quan quản lý thuế thu.
Tham gia hội thảo lấy ý kiến về đề cương xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 5/12, các chuyên gia lưu ý, những quy định này sẽ có tác động toàn diện và ảnh hưởng lớn tới hoạt động của DN trong tất cả các ngành nghề sản xuất đầu tư kinh doanh.
Thay đổi lớn, tác động mạnh
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế đã trình bày sơ lược về những thay đổi quan trọng nhất của dự thảo luật. Theo đó, dự thảo kiến nghị bổ sung thêm chương về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử. Trong chương X về kiểm tra, thanh tra thuế, cơ quan soạn thảo kiến nghị bổ sung thêm quy định cơ quan thuế được tiến hành điều tra thuế; trong chương XII xử lý vi phạm pháp luật về thuế, kiến nghị bổ sung thêm “phí, lệ phí và hóa đơn”…
Áp dụng quy định không phù hợp sẽ gây thêm sức ép lên môi trường thực thi chính sách thuế |
Giải thích về đề xuất bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế, ông Lưu Đức Huy cho biết đây là vấn đề rất khó thực hiện và thực tế là Bộ Tài chính cũng đã dự kiến báo cáo Chính phủ và Quốc hội bổ sung chức năng này nhiều năm nay nhưng chưa thành công. Theo ông Huy, thực chất trong ngành tài chính thì cơ quan hải quan đã có một phần chức năng này. Cụ thể là cơ quan hải quan thực hiện điều tra trong công tác chống buôn lậu, sau đó khởi tố vụ án và chuyển sang cơ quan công an. Hiện nay cơ quan thuế cũng đã có quyền thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra nhưng chưa mạnh bằng chức năng điều tra.
Ông Huy phân tích thêm, hiện nay Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, có nhiều công ước về cạnh tranh, về thuế. Vì vậy ngoài việc bị ràng buộc theo các cam kết quốc tế, cơ quan thuế Việt Nam còn phải phối hợp với cơ quan thuế các nước để theo dõi, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, nếu chỉ có chức năng thanh kiểm tra sẽ khó thực hiện các nhiệm vụ theo cam kết quốc tế. Do đó, ban soạn thảo kiến nghị bổ sung thêm chức năng điều tra cho cơ quan thuế, tương tự như đang thực hiện với cơ quan hải quan.
Lý giải về việc bổ sung thêm chương về giao dịch điện tử trong dự thảo luật, đại diện Bộ Tài chính cho biết, ở Việt Nam mô hình kinh doanh trên mạng internet đang ngày một nở rộ với việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các phương tiện trong đó có các mạng xã hội của nước ngoài. Tuy nhiên cách quản lý thuế hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý một cách đầy đủ và chính xác đối với loại hình kinh doanh này. Vì vậy, việc bổ sung phương thức quản lý với loại hình kinh doanh mới này là rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, hiện nay Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ đề nghị xây dựng nghị định về hoá đơn với nội dung chính là hoá đơn điện tử. Tuy nhiên cho tới hiện nay tất cả các luật có liên quan tới quản lý thuế đều chưa có điều khoản hay chương nào quy định cụ thể về hoá đơn. Vì vậy việc bổ sung một chương mới quy định riêng về hoá đơn vào trong luật sẽ là nền tảng pháp lý cần thiết để ban hành nghị định về hoá đơn, trong đó có hoá đơn điện tử.
Một đề xuất đáng lưu ý khác được nêu trong dự thảo luật là để cơ quan thuế thu các khoản bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và đóng BHXH. Bộ Tài chính cho rằng phương án này sẽ giảm thủ tục hành chính cũng như chi phí quản lý của nhà nước. Cụ thể, số lượng tờ khai phải nộp cho cơ quan quản lý sẽ giảm đi, thay vì phải nộp 2 tờ khai thuế và BHXH cho 2 cơ quan khác nhau thì chỉ cần nộp 1 tờ khai về 1 đầu mối. Với phương án này, mã số thuế của cá nhân có thể dùng làm mã quản lý BHXH, sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế. Như vậy sẽ chỉ còn 1 đầu mối là cơ quan thuế thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đơn vị sử dụng lao động trong thực hiện chính sách pháp luật thuế và BHXH.
Cần nghiên cứu kỹ về tính khả thi
Đánh giá tổng quan về các đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến công tác quản lý thuế, các chuyên gia nhận định nhiều nội dung tiến bộ, đã bắt kịp với xu hướng phát triển mới về môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên vì các quy định sửa đổi quá rộng, trong khi bản dự thảo hiện nay mới ở dạng đề cương, chưa có các quy định chi tiết, nên việc đưa luật vào cuộc sống chắc chắn sẽ cần thời gian dài.
Bà Đặng Thị Bình An, Công ty tư vấn thuế C&A nhận xét, tờ trình của Tổng cục thuế viết rất cụ thể và nếu làm theo đúng tờ trình thì luật này phải tiến hành xây dựng mấy năm chứ không thể nhanh được. “Có rất nhiều vấn đề cơ bản, ví dụ cần chế độ kế toán thay đổi, các tiêu thức tính thuế… rất nhiều nội dung trong chính sách chúng ta cần làm rõ ra”, bà An góp ý.
Ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam nêu lo ngại tương tự đối với đề xuất để cơ quan thuế thực hiện thu các khoản BHXH bắt buộc. Theo ông, để thực hiện chức năng này sẽ phải sửa ít nhất 4 luật có liên quan gồm Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Lao động… Bên cạnh đó, mô hình hoạt động cũng như tính chất, đặc thù công việc của 2 cơ quan này là khác nhau. Do đó theo ông Đại, cần phải nghiên cứu các mô hình trên thế giới và đánh giá tác động chuyển đổi kỹ lưỡng để xem việc hợp nhất chức năng có thực sự mang lại hiệu quả hay không.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thu Trang, Phó tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ernst & Young Việt Nam cũng băn khoăn về việc thêm chức năng cho ngành thuế, trong đó đặc biệt là quyền điều tra và khởi tố. Bà Trang cho rằng, tại Mỹ, cơ quan thuế cũng có chức năng điều tra nhưng không có quyền khởi tố. “Chúng tôi nghĩ nếu như ngành thuế có chức năng điều tra, khởi tố thì quyền hạn rất lớn, sẽ tạo sức ép lên người nộp thuế và lên cả môi trường thực thi chính sách thuế”, đại diện Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh.
Ngọc Khanh