Logistics nỗ lực rút ngắn thời gian hội nhập

12:00 | 16/08/2019

Để đến năm 2025, dịch vụ logistics sẽ đóng góp từ 8-10% GDP, tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 14-20%, đứng thứ 50 trong chỉ số cạnh tranh của thế giới trở lên, cần Bộ Công thương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa.

Việt Nam có vị trí địa lý tốt để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á với cơ sở hạ tầng kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không... Đây chính là những lợi thế để phát triển ngành vận tải và logistics. Ở chiều ngược lại, sự phát triển của ngành logistics sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có tiềm lực và năng lực để đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo công bố mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang xếp ở vị trí 39/160 nước với điểm số LPI (Chỉ số Năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể (3,27 điểm) - xếp thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32). Việt Nam được đánh giá có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.

logistics no luc rut ngan thoi gian hoi nhap
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển logistics Việt Nam của Bộ Công thương vừa trình Chính phủ cho biết, trong số 4.000 DN hoạt động trong lĩnh vực này, có tới 90% DN khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, thấp hơn mức vốn đăng ký bình quân DN cả nước. Đặc biệt, trong số 4.000 DN này lại chỉ có gần 400 DN tham gia Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA). Những DN hội viên đại diện trên 60% thị phần cả nước, bao gồm nhiều DN hàng đầu trong ngành. Các DN logistics hàng đầu như SNP, Gemadept, Transimex, IndoTrans, TBS Logistics, Tân Cảng Sài Gòn, Delta, U&I Logistics, Sotrans, Minh Phương Logistics... hiện đều là hội viên của VLA, cung cấp dịch vụ tới tất cả các thị trường chiến lược của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam có khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia. Để mở rộng quy mô, một số DN Việt Nam đã tăng cường liên doanh, liên kết giữa các DN trong nước và hợp tác với các công ty logistics quốc tế. Điều này cho thấy, DN lớn có thị phần tốt có xu hướng chú trọng tới liên kết mạng lưới hơn các DN nhỏ.

Báo cáo trên cũng là báo cáo đầu tiên của Bộ Công thương về các DN logistics, cung cấp những dữ liệu quan trọng được thực hiện theo yêu cầu của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ để giúp Chính phủ nhận định tổng quan về lĩnh vực này tại Việt Nam hiện nay, từ đó đề ra những giải pháp phát triển ngành này, góp phần thúc đẩy thương mại trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa.

Cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, trị giá bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và hạ tầng giao thông, trong thời gian vừa qua, dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 12-14%; tỷ lệ DN thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhân lực trong ngành logistics đang vừa thiếu lại vừa yếu, nhất là về ngoại ngữ, năng lực quản lý. Trong khi giai đoạn 2015- 2030, cả nước cần tới 200.000 nhân sự, song các bộ đang đào tạo nhân sự logistics ở 3 cấp độ đại học, cao đẳng và trung cấp, chủ yếu là cao đẳng và trung cấp, chỉ có quy mô hàng năm từ 3.500 - 5.000 học viên và khoảng 10.000 - 15.000 lượt người ở các trình độ sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới 1 tháng.

Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các DN ngành logistics cũng là điều đáng ngẫm vì hiện còn ở mức rất nhỏ, và mới chủ yếu tập trung phục vụ khai báo hải quan và theo dõi, giám sát phương tiện. Một điểm đáng lưu ý khác là cả nước có 45 trung tâm logistics tại 9 tỉnh, thành phố, nhưng đa phần là các trung tâm logistics hạng II (cấp vùng), chưa phát triển đúng định hướng tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg là phát triển các trung tâm cấp I (cấp quốc gia) để trên cơ sở đó phát triển các trung tâm hạng II. Thực tế, các DN, trung tâm logistics đang nỗ lực để đổi mới hoạt động, Bộ Công thương nhìn nhận.

Việc kết nối giữa các phương thức vận tải cũng được Bộ Công thương đặt ra nhằm hạn chế tăng chi phí logistics, trong đó trọng tâm là kết nối đường sắt, đường thủy nội địa với cảng biển, với các trung tâm đô thị, các trung tâm sản xuất-tiêu thụ hàng hoá chính. Hệ thống đường bộ có nhiều cải tiến, tuy nhiên số lượng phương tiện chạy rỗng còn nhiều làm giảm hiệu suất khai thác, tăng chi phí.

Bên cạnh đầu tư phát triển các trung tâm logistics, hệ thống kho tổng hợp, kho lạnh và kho mát, một số DN còn đẩy mạnh các hoạt động mua lại và sáp nhập nhằm tăng vốn, kinh nghiệm quản trị và nguồn khách hàng, hướng ra thị trường khu vực và toàn cầu. Một số DN đã có văn phòng đại diện ở Lào, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, thành lập liên doanh kinh doanh ICD tại Bỉ.

Để đến năm 2025, dịch vụ logistics sẽ đóng góp từ 8-10% GDP, tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 14-20%, đứng thứ 50 trong chỉ số cạnh tranh của thế giới trở lên, cần Bộ Công thương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa.

Nguyễn Dũng

Tin đọc nhiều