Lớn mạnh cùng đất mỏ

16:05 | 12/01/2018

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quảng Ninh, trước đây là chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Hồng Quảng, tự hào đã góp phần đồng hành xây dựng vùng đất mỏ với truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng ngày càng bề thế hơn, hiện đại và văn minh hơn.

Là 1 trong số 11 chi nhánh đầu tiên trong hệ thống Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, ra đời chỉ đúng 1 tháng sau ngày thành lập Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Hồng Quảng có sứ mệnh cấp phát tín dụng và giám sát việc khôi phục, cải tạo hàng trăm công trình trọng điểm của vùng than lớn nhất đất nước, sau khi thực dân Pháp rút đi.

lon manh cung dat mo
BIDV chi nhánh Quảng Ninh tự hào đã góp phần đồng hành xây dựng vùng đất mỏ

Với tinh thần quyết liệt và sáng tạo, trong các năm từ 1957 đến 1960, chi nhánh Hồng Quảng đã làm tốt nhiệm vụ của mình, góp phần đắc lực khôi phục và mở rộng các mỏ than Mạo Khê, Hà Lầm, Đèo Nai.

Bên cạnh các công trình trọng điểm của ngành than, Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Hồng Quảng còn cấp phát vốn cho nhiều công trình lớn của tỉnh Quảng Ninh như phục hồi nhà máy cơ khí Hòn Gai, Mạo Khê, Nồi hơi Ba Lan, Lò đúc gang Cột 5...; khôi phục hệ thống điện đến tận Móng Cái; mở rộng quốc lộ 18 từ Đông Triều đến Hòn Gai và các huyết mạch giao thông khác; cải tạo nâng cấp Bến phà Bãi Cháy, Phà Rừng; xây dựng trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Nhà nghỉ Công đoàn Quảng Ninh; đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là tuyến đê biển Hà Nam ở Quảng Yên; cùng với đó là cấp vốn cải tạo, xây dựng trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa công cộng phục vụ nhân dân trong khu Hồng Quảng.

Tập thể lãnh đạo chi nhánh với giám đốc đầu tiên là ông Trần Tường đã có sáng kiến đề xuất với cấp trên thay cách thanh toán “thực chi, thực thanh” bằng phương pháp thanh toán theo khối lượng hoàn thành. Nhờ vậy mà công tác thanh toán rút ngắn được từ 10 ngày đến 1 tháng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Đó là cống hiến tiêu biểu cho ngành Ngân hàng của lớp cán bộ BIDV đầu tiên của Quảng Ninh.

Năm 1963, tỉnh Quảng Ninh được thành lập, Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Hồng Quảng được đổi tên là Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Quảng Ninh và có những đóng góp to lớn trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của tỉnh với các công trình then chốt về ngành than và điện, đặc biệt là nhà máy Nhiệt điện Uông Bí với quy mô 4 tổ máy, lớn nhất Đông Nam Á hồi đó.

Cùng với đó, là các công trình xây dựng tuyến đường sắt Đông Triều - Hạ Long; nhà máy cơ khí trung tâm Cẩm Phả, hồ chứa nước Yên Lập, đê Tiên Yên, cống Ngư Ngọa và nhiều nông, lâm trường khác...

Năm 1964, đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Quảng Ninh hoạt động trong chế độ thời chiến, vừa sơ tán vừa cắt cử bộ phận bám trụ ngày đêm tại các trọng điểm để cấp phát vốn kịp thời, đảm bảo cho hoạt động liên tục của ngành than, hoạt động của đường sắt, đường bộ, đường thủy, bến phà thông suốt sau mỗi lần bị đánh phá. Nhờ đó, ngay cả khi Nhà máy điện Uông Bí bị máy bay Mỹ thường xuyên bắn phá ác liệt nhưng nguồn điện phục cho sản xuất và chiến đấu không bao giờ bị ngưng...

Cùng với tuổi trẻ cả nước, nhiều lớp cán bộ của Chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết Quảng Ninh đã xung phong nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Các anh Trần Minh Ro, Lê Sĩ Tụng, Đoàn Chính, Đặng Trung Tá, Nguyễ̃n Văn Chi... là những tấm gương tiêu biểu. Anh Đặng Trung Tá trở thành Đảng viên từ năm 18 tuổi và đã hy sinh khi ở tuổi đôi mươi. Anh là tấm gương sáng trong số 18 liệt sĩ của Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ khác của Ngân hàng Kiến thiết Quảng Ninh cũng vào Nam phục vụ công tác tài chính tín dụng cho Chính phủ Cách mạng lâm thời trước ngày giải phóng như ông Nguyễn Chư, Đào Tùng Hiếu, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Bi... Khi nước nhà thống nhất, Ngân hàng Kiến thiết Quảng Ninh còn tiếp tục chi viện cho hệ thống tài chính ngân hàng phía Nam hàng chục cán bộ.

Năm 1981, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam. Chi nhánh ngân hàng Kiến thiết Quảng Ninh cũng được đổi tên thành Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Quảng Ninh.

Giai đoạn này, chi nhánh tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng mỏ với các công trình tiêu biểu: Mỏ than Khe Chàm, Khe Tam, Núi Béo, Cọc 6, Thống Nhất, Mạo Khê, Vàng Danh...

Cùng đó, là nhà máy cơ khí Vườn Cam, nhà máy cơ khí trung tâm Cẩm Phả, nhà máy Hóa chất Hòn Gai, mỏ cát Vân Hải, xí nghiệp Gạch Đông Triều, mỏ Cao lanh Tấn Mài, nhà máy gạch Giếng Đáy I,II,III, khách sạn Hạ Long, khu Du lịch Bãi Cháy, Nhà máy bia Quảng Ninh...

Ngày 14/11/1990, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, và chi nhánh cũng được mang tên mới là chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Ninh.

Bên cạnh việc cùng toàn hệ thống BIDV giải ngân thành công món cho vay 300 tỷ đồng để “vực sản xuất lên” theo Nghị định 1300 của Chính phủ, BIDV Quảng Ninh đã đề xuất với Lãnh đạo Chi nhánh NHNN tỉnh và BIDV Trung ương cho phép hoạt động của Phòng Tiền mặt kho quỹ đi vào nền nếp theo hướng năng động, hiệu quả.

Được Lãnh đạo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp ủng hộ, Chi nhánh BIDV Quảng Ninh gần như đã đảm bảo được 100% nhu cầu chi tiêu tiền mặt hàng ngày, giải tỏa hoàn toàn tình hình căng thẳng khan hiếm tiền mặt trên thị trường vốn của địa bàn lúc đó. Mô hình này được lãnh đạo BIDV biểu dương và cho nhân rộng ra toàn hệ thống.

Ngay sau đó, một hệ thống quỹ tiết kiệm tại các khu dân cư đông người, khu du lịch, khu thương mại cũng được thành lập. Khái niệm “đi vay để cho vay”, “khách hàng là đối tượng phục vụ của ngân hàng” đã đi vào đời sống. BIDV Quảng Ninh trở thành một trong những ngọn cờ đầu của BIDV trong giai đoạn 1990-1994, và năm 1993 chi nhánh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Từ 1/1/1995, cùng với toàn hệ thống, BIDV Quảng Ninh chuyển sang hoạt động kinh doanh như một NHTM. Từ chỉ đạo của Hội sở BIDV, Ban Giám đốc BIDV Quảng Ninh triển khai trong toàn chi nhánh nhiệm vụ cấp thiết, phải nhanh chóng tăng trưởng nguồn vốn, giữ vững và phát triển nền khách hàng, đặc biệt là các khách hàng đã gắn bó thủy chung với chi nhánh trong các thập niên qua.

Đến hết năm 1995, số vốn chi nhánh huy động được cao gấp gần 17 lần năm 1990, và đến năm 1999 đạt 451 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn trên địa bàn. Thành tích này đóng góp vào thành tựu chung của toàn Ngành để BIDV là ngân hàng chuyên doanh đầu tiên trong hệ thống được Đảng và Nhà nước vinh danh Đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Thực hiện chủ trương chung của hệ thống, bên cạnh các khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, những năm gần đây, BIDV Quảng Ninh chuyển mạnh sang hoạt động bán lẻ, hướng đến các khách hàng cá nhân với nhiều sản phẩm dịch vụ hiện đại như: Thanh toán hóa đơn online tiền điện cho khách hàng; Dịch vụ nộp thuế điện tử và các dịch vụ hiện đại tiện dụng khác. Các sản phẩm đa dạng này ngày càng được đông đảo khách hàng tin cậy.

Trong 60 năm qua, dù hoạt động với những cái tên khác nhau, song ở thời kỳ nào chi nhánh cũng đồng hành và phát triển với sự nghiệp xây dựng kinh tế - xã hội văn hóa an ninh quốc phòng của tỉnh nhà.

Bề dày lịch sử đó đã giúp BIDV Quảng Ninh luôn được đánh giá là ngân hàng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh và Khu vực Đông Bắc đất nước. BIDV Quảng Ninh đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba (đang đề nghị phong tặng Huân chương Lao động hạng Nhất) và nhiều cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh Quảng Ninh...

Hiện tại, BIDV Quảng Ninh có trụ sở chính khang trang tại đại lộ Lê Thánh Tông, thành phố Hạ Long và mạng lưới 9 phòng giao dịch tại: Bãi Cháy, Giếng Đáy, Hồng Hải, Hồng Hà, Bạch Đằng, Hà Lầm, Vườn Đào, Hoành Bồ̀. 136 cán bộ nhân viên của chi nhánh đang đứng trước nhiều vận hội mới và thách thức mới. Và tất cả đều cùng một niềm tin: “Tâm sáng, chí sáng, ắt thành công!”.

Trung Thắng

Tin đọc nhiều