Luật hóa hộ kinh doanh để minh bạch và hỗ trợ tốt hơn

17:38 | 20/11/2019

Với việc đưa 5 triệu hộ kinh doanh (trước hết là 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký) vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp, thì cả bộ Luật Lao động và Luật Doanh nghiệp đều được sửa đổi theo quan điểm phát triển bền vững, bao trùm để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Thảo luận ở hội trường về Dự án Luật DN (sửa đổi) chiều nay 20/11, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhất trí với dự thảo Luật bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Do vậy, ông cho rằng, việc hoàn thiện các khung khổ pháp lý để thúc đẩy sự phát triển các DN siêu nhỏ đang trở thành yêu cầu đối với mọi mọi quốc gia. Trong tinh thần phát triển của chúng ta cũng phải hướng tới yêu cầu đó.

luat hoa ho kinh doanh de minh bach va ho tro tot hon
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc

“Theo số liệu thống kê trong khu vực tư nhân, các loại hình DN tư nhân chỉ chiếm khoảng 10%, còn khu vực hộ kinh doanh chiếm tới 30 % GDP. Một khu vực lớn như vậy nhưng hiện nay quy định pháp lý đối với khu vực này chỉ dừng lại ở tầm nghị định là chưa đúng với tinh thần của Hiến pháp là quyền, nghĩa vụ của công dân, trong đó có quyền tự do kinh doanh phải được quy định trong luật chứ không phải nghị định”, ông Lộc cho biết.

Sở dĩ đại biểu Quốc hội và đồng thời là Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc muốn luật hóa các hộ này còn vì hiện nay các quy định tại nghị định về hộ kinh doanh đưa ra rất nhiều hạn chế về quyền kinh doanh, trong khi các quyền này chỉ bị hạn chế nếu được quy định trong Luật do Quốc hội quyết định chứ không phải Chính phủ.

Hơn nữa theo ông Lộc, bản chất hộ kinh doanh chính là một loại hình DN. Luật DN đã quy định về DN tư nhân. Đây chính là DN một chủ, một cá nhân kinh doanh và chúng ta cũng gọi là DN. Hộ kinh doanh có thể là một cá nhân hoặc hoặc một nhóm người kinh doanh thì không lý gì chúng ta không gọi là DN.

“Họ là DN hay không là do pháp luật của chúng ta quy định. Với các nước trên thế giới thì các hộ kinh doanh đều được coi là DN”, ông Lộc phân tích.

Từ lập luận này, đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Thái Bình cho biết, đây là khu vực đóng góp đến 30 % GDP của đất nước, là nơi sinh kế của hàng chục triệu gia đình, là nơi mà quyền và nghĩa vụ của công dân trong quyền kinh doanh của công dân được thể hiện thì nó phải được quy định trong luật. Để không chỉ quản lý minh bạch mà còn phải thiết kế các chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy họ lớn mạnh hơn để vươn ra biển lớn.

Cũng theo đại biểu Lộc, với việc đưa 5 triệu hộ kinh doanh (trước hết là 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký) vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp, thì cả bộ Luật Lao động và Luật Doanh nghiệp đều được sửa đổi theo quan điểm phát triển bền vững, bao trùm để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Nêu về những ý kiến băn khoăn đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp liệu có khiên cưỡng, liệu hộ kinh doanh có bị thui chột hay không khi được chính danh trong Luật doanh nghiệp và tại sao lại không trình ra Quốc hội ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp đã để lại một hậu quả pháp lý là trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân, và các cá nhân kinh doanh, đóng góp chưa đầy 10% GDP, thì được quy định trong Luật doanh nghiệp còn quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh, nơi sinh kế của hàng chục triệu người và đóng góp hơn 30% GDP của đất nước, mà bản chất cũng là doanh nghiệp, thì chỉ được chế định trong một Nghị định do Chính phủ ban hành.

Theo Nghị định này thì hộ kinh doanh chỉ được hoạt động trong phạm vi địa phương là quận, huyện nơi đăng ký và bị hàng loạt các hạn chế về quyền kinh doanh. Điều này trái với nguyên tắc hiến định là việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân, chỉ có thể được quy định trong văn bản luật do Quốc hội ban hành.

Phân tích về cái lợi được chính danh trong Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này, theo ông Lộc, hộ kinh doanh sẽ có thêm nhiều thuận lợi như vị trí pháp lý của hộ kinh doanh được quy định rõ ràng, hộ kinh doanh được đứng tên trong các giao dịch kinh doanh, xin giấy phép và được bảo hộ theo các quy định pháp luật. Hộ kinh doanh được gỡ bỏ các hạn chế về quyền kinh doanh, về phạm vi và quy mô hoạt động...

"Về phía quản lý Nhà nước, đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp cũng không phát sinh thêm chi phí và bộ máy quản lý: vì vẫn duy trì phân cấp đăng ký và quản lý hộ kinh doanh như hiện nay. Thu ngân sách Nhà nước lại có thể tăng thêm khi các hộ kinh doanh hoạt động bài bản hơn, minh bạch hơn thì sẽ giảm thiểu sự thoả thuận thuế giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế, giảm được sự nhũng nhiễu và tham những vặt…", ông Lộc cho hay.

Dương Công Chiến

Tin đọc nhiều