Luật phải sửa vì đã lỗi thời

09:25 | 22/02/2019

Dù mới qua gần 4 năm thực hiện, song Luật DN và Luật Đầu tư đã vấp phải lo ngại sẽ nhanh chóng tụt hậu, do đó cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung rất nhiều nội dung, thậm chí là “đập đi xây lại” nếu có thể. Đây là các ý kiến đóng góp vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) soạn thảo và công bố hồi tháng 1 vừa qua.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi): Chính phủ đã lấy ý kiến nhân dân
Phê duyệt dự án đầu tư công: Vẫn băn khoăn phân cấp trung ương, địa phương
luat phai sua vi da loi thoi
Nhiều ý kiến băn khoăn về sự cần thiết của Luật Đầu tư

Những nỗi lo thành hiện thực

Nhìn lại chặng đường trước khi 2 đạo luật quan trọng này được đưa vào cuộc sống, có thể thấy đây không phải lần đầu tiên có ý kiến lo ngại Luật DN và Luật Đầu tư sẽ lỗi thời do nhiều nội dung trong đó bị vênh so với các luật và văn bản dưới luật khác. Ngay từ đầu năm 2015, sau khi 2 luật được Quốc hội thông qua nhưng chưa chính thức có hiệu lực, một chuyên gia về pháp luật đầu tư - kinh doanh đã bày tỏ lo ngại, khoảng 90% nội dung tiến bộ của luật sẽ bị các văn bản pháp luật của các bộ, ngành khác nhau vô hiệu hoá. Nếu muốn thực thi các quan điểm tiến bộ, đổi mới của 2 luật, sẽ phải sửa thêm các luật khác, hoặc ít nhất phải chấp nhận có nghị định điều chỉnh luật để chờ hoàn thiện hệ thống luật hiện nay.

Tuy nhiên đến nay mong mỏi đó vẫn chưa được thực hiện. Kết quả là sau gần 4 năm thi hành luật, những lo ngại trên đang dần thành hiện thực. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã bày tỏ lo ngại về tình trạng gián tiếp vô hiệu hóa các quy định về kiểm soát điều kiện kinh doanh và vượt qua quy định về thủ tục đầu tư trong Luật Đầu tư.

Thực tế trong gần 4 năm vừa qua đã xuất hiện tình trạng nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành trong các luật ra đời sau Luật Đầu tư. Sau một thời gian, các ngành nghề này được bổ sung vào Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong luật với lý do là “đã được quy định trong Luật A...”. Với thực trạng đó thì mục tiêu quy định danh mục này trong Luật Đầu tư sẽ trở nên ít ý nghĩa.

“Hiện dự thảo Luật sửa đổi lại chưa có quy định nào để giải quyết tình trạng “gián tiếp vô hiệu hóa” Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư”, VCCI nhận định.

VCCI lý giải, về mặt pháp lý, sở dĩ tình trạng này có thể tồn tại là do quy định tại Luật Đầu tư chưa làm rõ được mối quan hệ giữa luật và các luật ban hành sau về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Cơ quan này đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo các quy định làm rõ vấn đề này.

Cần tư duy đột phá

Đó là chưa kể với kiểu cải cách “nhẩn nha” như hiện nay, cũng khó đảm bảo Luật DN và Luật Đầu tư sau sửa đổi sẽ tạo được bước tiến vượt bậc trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Bởi theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, nội dung sửa đổi qua hơn 3 năm thi hành luật là khá nhiều, song việc sửa đổi không phải là đổi mới, mà chủ yếu là sửa sai.

Ông Đức lấy ví dụ, Dự thảo Luật bổ sung giải thích “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi” là lấy lại nguyên văn quy định tại khoản 2, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” tại Luật DN năm 2005 đã bị bỏ đi trong luật năm 2014. Hoặc khái niệm DNNN từ chỗ là 100% vốn nhà nước, sang trên 50% theo Luật DN năm 2005, rồi lại đổi về 100% theo Luật DN 2014, và giờ lại định quay về trên 50% (khoản 2, Điều 2 Dự thảo Luật).

Trong khi đó, ông Đức cho rằng nhiều vấn đề bất cập từ lâu lại chưa được giải quyết trong Luật 2014, như không tập trung đăng ký kinh doanh tất cả các hoạt động kinh doanh không chỉ của DN mà của mọi pháp nhân. Ông Đức khuyến cáo, nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu, sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều nữa. Thậm chí ông khuyến nghị nên xem xét bỏ Luật Đầu tư, đồng thời chuyển Danh mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện quay lại Luật DN.

Bởi hiện nay mọi hoạt động đầu tư của tư nhân đều phải thực hiện các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy... Còn đầu tư của nhà nước thì phải theo Luật Đầu tư công. Ngoài ra, có thể thêm 1 chương về đầu tư nước ngoài trong Luật DN.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập - thành viên Văn phòng luật sư NH Quang và Cộng sự cũng cho rằng, đã đến lúc chín muồi cho một tư duy khác về quản lý đầu tư. Theo ông Lập, đầu tư là hoạt động hàng ngày của DN và các dự án chỉ là phương thức thực hiện. Bên cạnh đó, nếu một DN được thành lập chỉ để thực hiện một dự án đầu tư duy nhất thì về bản chất, đó chỉ là một giải pháp pháp lý được Luật DN cho phép.

Khi quyết định đầu tư, DN quan tâm nhất đến tiền vốn và tiếp thị sản phẩm đầu ra thì cả hai khâu này đều là vấn đề của thị trường mà không thuộc phạm vi quản lý nhà nước. Tiếp đến là việc tiếp cận đất đai, xây dựng công trình, tuyển dụng lao động, tuân thủ tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn an toàn sản phẩm... thì đã có các luật chuyên ngành điều chỉnh.

“Như vậy, một luật chuyên biệt về đầu tư nói chung cần làm gì nữa, chưa nói tới cả một bộ máy quản lý riêng đi kèm với các quy trình và thủ tục hành chính tinh vi và phức tạp để quản lý?”, ông Lập đặt vấn đề. Với tinh thần nói trên, ý tưởng và đề xuất của ông là xây dựng và ban hành một hoặc một số luật mới mà không phải là sửa Luật Đầu tư hiện hành.

Theo các chuyên gia về pháp luật, nếu không có tư duy đột phá mới trong xây dựng chính sách pháp luật về đầu tư và DN, nhiều quy phạm pháp luật có nguy cơ biến thành giải pháp chính sách tình thế và thay đổi liên tục, phá vỡ tính ổn định của môi trường thể chế và trật tự pháp luật mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều