Lương tăng - vẫn chưa đủ sống

09:00 | 17/08/2016

Hiện nay, trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa, các DN không thể dựa mãi vào ưu thế giá nhân công rẻ làm bàn đạp phát triển và gia tăng lợi nhuận. Đồng thời, nếu không có chính sách đãi ngộ hợp lý thì nguồn nhân lực sẽ tiếp tục có sự dịch chuyển nhanh chóng sang các khu vực khác.

Chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3%
Luẩn quẩn trong chính sách lao động
Tiền lương của Việt Nam vẫn ở ngưỡng thấp trong khu vực
luong tang van chua du song
Ảnh minh họa

Sau khi biết thông tin, Hội đồng tiền lương Quốc gia vừa chốt phương án tăng lương năm 2017 để trình Chính phủ xem xét, thông qua trong thời gian tới với mức đề xuất tăng 7,3% so với năm 2016, tương đương 213.000 đồng (trung bình mức tăng lương sẽ dao động từ 180.000 đồng - 250.000 đồng/tháng tùy theo từng vùng), nhiều công nhân làm việc tại KCX Linh Trung (Q. Thủ Đức) cho biết, họ không quá vui mừng bởi mức tăng chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng đặt ra trong bối cảnh nguồn thu chính từ tiền công, tiền lương của phần lớn người lao động đang khá eo hẹp.

Nhưng với tâm lý “có còn hơn không”, hay “thêm đồng nào đỡ chật vật đồng ấy” nên nhiều người vẫn hy vọng dù ít nhưng mức tăng này sẽ giúp cải thiện một phần cho các chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.

Chị Vũ Thị Ngân, công nhân nhà máy K.T chuyên sản xuất giày dép thuộc KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) phân trần, đối với công nhân, khi đời sống, thu nhập còn thấp thì tăng lương dù là 100.000đ - 200.000đ/tháng cũng đáng quý lắm rồi.

Nhưng lo nhất là lương chưa tăng thì bao nhiêu chi phí khác đã ầm ầm lên theo. Hơn nữa người thuê lao động, chủ DN có thể vì lý do này mà thậm chí cắt giảm, cho công nhân nghỉ việc với lý do phải cân đối nguồn chi...

Lo ngại này của chị Ngân cũng như nhiều công nhân khác không phải là không có lý, bởi thực tế ở những lần điều chỉnh, tăng lương trước, cũng đã từng diễn ra thực trạng này. Phó tổng giám đốc một DN dệt may tại TP. HCM tính toán, trong bối cảnh kinh tế, lạm phát hiện nay nếu mức tăng trưởng của DN chỉ tương đương 10%/năm, sau khi trừ các khoản chi phí thì DN lời lãi chẳng được bao nhiêu.

Nếu lại phải tiếp tục cõng thêm các khoản tăng từ tiền lương, bảo hiểm y tế, tai nạn, thất nghiệp, phúc lợi xã hội... thì DN đành phải tìm cách cắt giảm bớt nhân công để tiếp tục duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, nếu tính theo hướng đó thì DN mới chỉ nhìn trước mắt mà chưa thấy lợi ích lâu dài. Bởi thực tế từ trước tới nay, lương cơ bản vẫn được coi là yếu tố tiên quyết để “giữ chân” người lao động gắn bó với công việc, và làm giảm bớt tình trạng một số DN tìm cách ép người lao động, công nhân làm thêm ngoài giờ, tăng ca qúa mức để có thêm thu nhập.

Nếu đem mức lương hiện tại của người lao động Việt Nam so sánh với lạm phát, chi phí sinh hoạt hàng ngày, các khoản bắt buộc phải trả thì tiền lương chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Cụ thể, khảo sát mới nhất của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy tiền lương, thu nhập thực tế của đa số công nhân hiện nay mới chỉ đáp ứng được 70% - 80% mức sống tối thiểu. Lương thấp nên gần 90% công nhân phải làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Ngoài ra, gần 80% công nhân không có tích lũy, 70% không có nhà cửa ổn định bởi thực tế giá nhà tại Việt Nam cao hơn đến vài chục lần so với thu nhập thông thường của người dân... Thực trạng này cho thấy đời sống của đại bộ phận người lao động còn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Nhìn ở khía cạnh khác, một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng lương của Chính phủ đã có lộ trình rõ ràng, mức tăng 7,3% năm 2017 đã thấp hơn so với đề xuất dự kiến ban đầu và thấp hơn mức tăng 12% của các năm 2015, 2016, cũng như phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế và mức độ tăng trưởng của các DN.

Vấn đề quan trọng là các DN sản xuất kinh doanh trong nước cần phải hoạch định cho mình chiến lược cụ thể, thúc đẩy gia tăng năng suất lao động thay vì chỉ ngồi đó than khó.

Hiện nay, trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa, các DN không thể dựa mãi vào ưu thế giá nhân công rẻ làm bàn đạp phát triển và gia tăng lợi nhuận. Đồng thời, nếu không có chính sách đãi ngộ hợp lý thì nguồn nhân lực sẽ tiếp tục có sự dịch chuyển nhanh chóng sang các khu vực khác.

Tuyết Anh

Tin đọc nhiều