Mạng lưới phải gắn với thị trường

16:00 | 26/04/2018

Mở rộng mạng lưới tiếp tục nóng lên trong những tháng đầu năm nay khi hầu như các NHTM đều có nội dung mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch trong các tờ trình đại hội cổ đông.

HDBank được mở mới 45 chi nhánh, phòng giao dịch trong năm 2018
Mỗi chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã không quản lý quá 3 phòng giao dịch
Maritime Bank tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động

10 chi nhánh nội đô có phù hợp?

Khoảng 6 năm trước chỉ trong một tháng Agribank đã sắp xếp lại hàng trăm phòng giao dịch “lạc lối” sang các địa bàn khác hoạt động gây chồng chéo trong chính nội bộ ngân hàng. Hàng hoạt các cuộc chuyển giao, chẳng hạn: một phòng giao dịch Agribank của chi nhánh Sài Gòn nhưng lại nằm ở khu vực quận 5 được giao trả về cho chi nhánh Chợ Lớn quản lý đúng địa bàn và những phòng giao dịch nằm ở khu vực quận 1 chi nhánh Chợ Lớn giao lại cho chi nhánh Sài Gòn…

mang luoi phai gan voi thi truong
Theo nguyên lý thông thường, mở rộng mạng lưới do nhu cầu kinh doanh

Các NHTM có vốn nhà nước chi phối khác cũng đã vào cuộc sắp xếp lại mạng lưới sau một thời gian phát triển nóng. Đặc biệt, nhiều NHTM mạng lưới phình to, trong khi nợ xấu tăng cao đặt ra một nhu cầu phải sắp xếp mạng lưới để đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hệ thống. Ngay sau đó Thông tư 21/2013/TT-NHNN đã ra đời quy định về mạng lưới của NHTM, trong đó có những tiêu chí cứng như một chi nhánh NHTM ngoài những điều kiện về vốn bao nhiêu mới được mở số lượng phòng giao dịch tương ứng. Thì có một điều kiện cứng nữa là một NHTM không được mở quá 10 chi nhánh ở nội đô hai thành phố là Hà Nội và TP.HCM.

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank nêu ví dụ: Trên địa bàn TP.HCM đến nay Vietcombank có 17 chi nhánh, 75 phòng giao dịch như vậy tổng cộng có 92 điểm giao dịch ngân hàng đang hoạt động ở thành phố lớn nhất nước. Theo lô-gic thông thường một địa bàn chiếm 1/5 tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam, hàng năm thu ngân sách chiếm đến trên 31% cả nước, với một quy mô kinh tế như vậy. Nhưng không may thời gian qua lại bị vướng các quy định về giới hạn mạng lưới ở TP.HCM và Hà Nội, nên Vietcombank không thể mở rộng kinh doanh. Trong khi phạm vi giới hạn mở mới mạng lưới ở hai đô thị lớn này trước đây nhằm mục đích kiểm soát sự phát triển quá nóng của các TCTD.

“Với quy mô kinh tế thành phố lớn, đáng lẽ ra Vietcombank phải có ít nhất hơn 20 chi nhánh trên địa bàn TP.HCM. Tôi rất mong NHNN không nên giới hạn mỗi ngân hàng không được mở quá 10 chi nhánh ở nội ô hai thành phố lớn TP.HCM và Hà Nội, nhất là những TCTD có độ an toàn cao”, ông Dũng đề nghị. Theo thông tin của Vietcombank, đến cuối tháng 2/2018 tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh Vietcombank trên địa bàn TP.HCM đạt 132 ngàn tỷ đồng. Các chi nhánh ở đây trong giai đoạn 2014-2017 cũng có tổng huy động vốn tăng trưởng khoảng 23%, dư nợ tăng bình quân 18% toàn hệ thống Vietcombank.

Kinh doanh đến đâu mạng lưới tới đó

Mở rộng mạng lưới tiếp tục nóng lên trong những tháng đầu năm nay khi hầu như các NHTM đều có nội dung mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch trong các tờ trình đại hội cổ đông. Điển hình như HDBank muốn mở thêm 45 điểm để nâng lên 285 điểm giao dịch, LienVietPostBank mặc dù đã có hệ thống mạng lưới trên 400 điểm (nhờ sáp nhập mạng lưới của bưu cục) nhưng vẫn muốn có thêm 5 điểm giao dịch, KienLong Bank dự kiến mở thêm 17 điểm để nâng lên 134 điểm giao dịch, OCB cũng có kế hoạch đề xuất mở mới 8 điểm để nâng lên 130 điểm giao dịch… Thông tin của người viết bài có được, những hồ sơ đề nghị cấp phép mở mới của các NHTM lúc nào cũng có trong trên bàn nhà điều hành, quan điểm của các vụ chức năng vẫn không thể buông lỏng mạng lưới.

Theo quy định hiện hành, chi nhánh ngân hàng được thực hiện một số chức năng của NHTM theo quy định pháp luật. Phòng giao dịch đơn vị phụ thuộc chi nhánh và không được cấp khoản vay vượt quá 2 tỷ đồng/khách hàng, không được cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế. Điều kiện mở mới một điểm giao dịch, NHTM phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ lấy dữ liệu chốt sổ tính thời điểm ngày cuối cùng trong năm liền kề. Số lượng chi nhánh một NHTM được thành lập phải đảm bảo có 300 tỷ đồng nhân với số chi nhánh đã thành lập ở nội ô hai thành phố lớn TP.HCM, Hà Nội, cộng với 50 tỷ đồng nhân với giá trị thực của vốn điều lệ ngân hàng đến thời điểm đề nghị mở mới phòng giao dịch hoặc chi nhánh…

Các lãnh đạo NHTM cho rằng, số lượng chi nhánh trên một địa bàn trong quy định hiện hành trong quá trình mở rộng mạng lưới là một yêu cầu phù hợp khi ngân hàng đang rơi vào thời điểm tăng trưởng nóng. Nhưng khi thị trường đã ổn định trở lại thì quy định này nên linh hoạt theo các tiêu chí an toàn của mỗi TCTD, để các đơn vị có thể phấn đấu trở thành ngân hàng tốt sẽ được mở rộng quy mô mạng lưới. Hơn nữa, trong kinh doanh những NHTM làm ăn bài bản sẽ phải cân nhắc thị trường để mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch chứ không phải cố gắng mở rộng mạng lưới hay thay đổi, sửa chữa trụ sở để hợp thức hóa chi phí ngân hàng.

Tuy nhiên, cũng có thực tế chủ tịch và tổng giám đốc NHTM cùng chung một lợi ích nên có nhu cầu mở rộng mạng lưới quá tay là có thực. Chưa kể, mở rộng mạng lưới không đến từ tư duy kinh tế, thay vào đó là nhu cầu sắp đặt nhân sự, cát cứ địa bàn là điều rất đáng quan ngại của nhà điều hành. Sẽ có quan điểm cho rằng, cắt quy định giới hạn cụ thể mạng lưới trong cùng một địa bàn sẽ làm cho thanh tra mất “cây gậy” nên không dễ thay đổi. Những người có quan điểm thị trường tự do lại cho rằng người kinh doanh ngân hàng thực chất sẽ biết “liệu cơm gắp mắm” khi mở rộng mạng lưới theo hướng nâng sức mạnh cạnh tranh.

Mở rộng mạng lưới để làm ăn khi đã đủ lớn mạnh là một nhu cầu thực tế. Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu (Quyết định 1058/QĐ-TTg) đã được Chính phủ nêu ra ba mục tiêu đối với các TCTD trong giai đoạn 2016-2020: Nâng cao năng lực tài chính, Nâng cao sức cạnh tranh và Nâng cao hiệu quả hoạt động. Với định hướng xây dựng ít nhất 12 NHTM hiện đại theo tiêu chuẩn Basel II. Như vậy, tư duy mạng lưới vật lý như các NHTM vẫn đang theo đuổi theo các quy định hiện hữu đã không còn ý nghĩa. Nhất là những NHTM nào đang nhanh chóng ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, giảm chi phí giao dịch để xây dựng ngân hàng điện tử, nâng cao hiệu năng trong mỗi ứng dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử sẽ có nhiều cơ hội thu lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Trong cuộc cạnh tranh ngân hàng thời “cách mạng công nghiệp 4.0” – internet kết nối vạn vật, cơ hội xây dựng nguồn vốn có chất lượng theo chuẩn quốc tế sẽ rất lớn.

Đình Hải

Tin đọc nhiều