Minh bạch phương pháp tính lãi vay tiêu dùng

11:24 | 07/04/2017

NHNN yêu cầu các TCTD phải tính toán quy về mức lãi suất theo phương pháp tính lãi do NHNN quy định và công bố nhằm đảm bảo minh bạch thông tin, bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Minh bạch hoá cho vay tiêu dùng
Quy định về vay tiêu dùng của công ty tài chính
Dự thảo cho vay tiêu dùng: Cơ hội hay thách thức?

Điểm đáng chú ý của dự thảo Thông tư quy định Phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng vừa được NHNN công bố lấy ý kiến đóng góp là yêu cầu các TCTD công bố cách tính lãi quy về mức lãi suất theo phương pháp tính lãi do NHNN quy định. Xét trên thực tế, đây là quy định cần thiết để thực hiện việc minh bạch thông tin, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, nhất là trong lĩnh vực vay tiêu dùng.

Lờ mờ lãi vay

Chị Mỹ Minh, ngụ quận 8, TP.HCM chia sẻ, năm 2016, chị tham gia mua hàng trả góp tại một trung tâm điện máy qua một CTTC. Khi trình bày nhu cầu, nhân viên CTTC hỏi về nghề nghiệp và thu nhập, giá trị sản phẩm cần mua và các loại giấy tờ có thể cung cấp. Sau đó, nhân viên này cho biết, trường hợp của chị có thể vay tối đa 9,7 triệu đồng và hàng tháng sẽ phải trả 976.000 đồng.

Do lần đầu tiếp cận vốn vay của CTTC và thấy khoản tiền trả hàng tháng cũng phù hợp nên chị đồng ý điền vào hồ sơ đăng ký vay. Chỉ trong vòng 30 phút, nhân viên này báo lại là hồ sơ vay vốn của chị đã được công ty duyệt và được nhận sản phẩm ngay.

Đến khi nhận hợp đồng vay vốn, chị mới biết thêm một số thông tin như, lãi suất vay là 2,92%/tháng, tương đương 35,04%/năm và một số loại phí như phí trả nợ trước hạn là 15% dư nợ gốc tại thời điểm trả nợ, phí phạt vi phạm do chậm thanh toán từ ngày thứ 4 sau ngày đến hạn là 150.000 đồng, từ ngày thứ 30 sau ngày đến hạn là 250.000 đồng, từ ngày thứ 60 sau ngày đến hạn là 250.000 đồng.

minh bach phuong phap tinh lai vay tieu dung
Chính sách ngày càng bảo vệ người tiêu dùng hơn trong các khoản vay

Trao đổi với nhiều khách hàng đã từng tham gia mua hàng trả góp như khách hàng nói trên, có một điểm chung là hầu hết đều chỉ quan tâm khoản tiền phải trả hàng tháng có phù hợp với khả năng của mình hay không. Về phần lãi suất và các khoản phí khác, khách hàng chỉ biết được khi cầm hợp đồng trong tay. Còn mức lãi suất áp dụng trên dư nợ giảm dần hay tính lãi trên dư nợ gốc ban đầu không được nói cụ thể.

Đồng thời, để tránh trường hợp khách hàng đóng trễ hạn, CTTC còn áp dụng quy định, hạn chót khách hàng phải đóng tiền là trước 3 ngày so với ngày ký hợp đồng vay vốn. Thí dụ ngày ký hợp đồng là ngày 27/1, trong vòng 12 tháng trả góp, hạn chót khách hàng phải đóng tiền là ngày 24. Song song đó, hiện nay, nhân viên một số CTTC thường gọi điện thoại giới thiệu các khoản vay tiền mặt dành cho khách hàng đã từng tham gia mua trả góp với các nội dung như khoản vay 50 triệu trong vòng 36 tháng, lãi suất giảm đến 39%, trả từ 3,6 triệu/tháng hay khoản vay 28 triệu trong vòng 2 năm, trả từ 2,3 triệu/tháng và được tặng 11 kỳ thanh toán...

Nhưng khi hỏi về lãi suất, các nhân viên này thường né tránh và tập trung phân tích về khoản trả hàng tháng để khách hàng thấy được đó là món tiền không lớn. Trong khi đó, nếu làm phép tính, khi vay vốn, khoản tiền tổng cộng phải trả của khách hàng gấp đôi, gấp ba khoản vay.

Tăng cường tính minh bạch

Trước những câu chuyện không rõ ràng về lãi suất vay tại CTTC, NHNN vừa công bố và lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định Phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng nhằm thay thế Quyết định 652/2001/QĐ-NHNN ngày 17/5/2001 về phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi.

Trong dự thảo có một nội dung đáng chú ý là các bên được thỏa thuận lãi suất song NHNN yêu cầu các TCTD phải tính toán quy về mức lãi suất theo phương pháp tính lãi do NHNN quy định và công bố nhằm đảm bảo minh bạch thông tin, bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Dựa trên thực tế quan hệ tín dụng của các CTTC và khách hàng, có thể nói, đây là một nội dung phù hợp và cần thiết. Liên quan đến vấn đề này, NHNN cũng nói rõ, hiện nay, thị trường tài chính Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và phát triển mạnh mẽ, các TCTD đã và đang cung ứng các sản phẩm tiền gửi/cấp tín dụng ngày càng đa dạng và phong phú.

Đối với các sản phẩm tiền gửi, hầu hết các TCTD đang áp dụng phương pháp tính lãi trên cơ sở số dư tiền gửi thực tế tại ngày tính lãi. Đối với các sản phẩm tín dụng, tùy theo từng loại sản phẩm, TCTD áp dụng phương pháp tính lãi khác nhau, phổ biến là 2 phương pháp: tính lãi trên dư nợ gốc ban đầu như một số sản phẩm cho vay trả góp, tín dụng tiêu dùng và phương pháp tính lãi trên dư nợ thực tế làm xuất hiện thực trạng có các sản phẩm tín dụng được công bố cùng mức lãi suất, số tiền vay và thời hạn vay như nhau nhưng thực tế số tiền lãi lại rất khác nhau.

Bên cạnh đó, sự mất cân đối trong thông tin về lãi suất giữa TCTD và khách hàng khi tham gia giao dịch trên thị trường tài chính dẫn đến tình trạng vướng mắc giữa khách hàng và TCTD về phương pháp tính lãi.

Cũng theo NHNN, các nước phát triển như Mỹ và châu Âu đều có các quy định về minh bạch trong hoạt động cho vay để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi vay vốn từ các tổ chức tài chính. Chẳng hạn như Đạo luật Trung thực trong cho vay của Mỹ ban hành năm 1969 và Sắc lệnh của Liên minh châu Âu về cấp tín dụng ban hành năm 2008 đều quy định, bên cho vay phải cung cấp cho khách hàng thông tin về chi phí tín dụng (được thể hiện dưới hình thức lãi suất % năm) để người tiêu dùng có thể so sánh được các sản phẩm tài chính khác nhau.

Đồng thời, Sắc lệnh của Liên minh châu Âu đưa ra mẫu công bố thông tin tín dụng để các tổ chức tài chính căn cứ để cung cấp thông tin cho khách hàng, trong đó có thông tin về lãi suất theo thỏa thuận trong hợp đồng và chi phí tài chính thể hiện dưới hình thức lãi suất % năm.

Đối với khách hàng vay tiêu dùng, trước khi nội dung này được đưa ra trong Dự thảo, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng đã từng khuyến cáo, chỉ nên tham gia những khoản vay có hợp đồng pháp lý, có quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên. Lãi suất cũng phải được xác định trong hợp đồng đó.

Các nội dung như khi lãi suất được điều chỉnh sẽ điều chỉnh như thế nào, theo công thức nào, nếu trả muộn lãi phạt thế nào, khi mất khả năng thanh toán thì chuyện gì xảy ra… cũng phải nằm trong hợp đồng cho vay. Nếu cần phải công chứng chữ ký 2 bên, tham khảo các chuyên gia về pháp luật, tín dụng, có thể đến NH hoặc văn phòng luật sư để nhờ tư vấn về pháp lý.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình với khuyến cáo này, đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của khách hàng nhưng thời gian qua, hầu hết khách hàng vay vốn đều chưa chú trọng tìm hiểu kỹ và bên cho vay cũng chưa công bố, tư vấn rõ ràng. Do đó, nếu nội dung này được thông qua, các CTTC sẽ chủ động hơn trong việc công bố thông tin, để những khách hàng vay tiêu dùng mọi tầng lớp đều được bảo đảm quyền lợi, hiểu và thực hiện đúng trách nhiệm của mình...

THIÊN MINH

Tin đọc nhiều