Năm 2018: Chấm dứt việc kiểm tra qua nhiều cơ quan

16:00 | 23/02/2018

Các bộ, ngành phải khẩn trương rà soát danh mục văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung theo đúng tiến độ và thời hạn đã đề ra, đồng thời tiếp tục cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Khi hàng hóa bớt kiểm tra chuyên ngành
Kiểm tra chuyên ngành bủa vây nông sản xuất nhập khẩu
Cần đổi mới kiểm tra chuyên ngành

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại (gọi tắt là Ủy ban chỉ đạo 1899) đánh giá, cơ chế một cửa ASEAN đã đạt một số kết quả tích cực trong năm 2017.

nam 2018 cham dut viec kiem tra qua nhieu co quan
Ảnh minh họa

Đến nay một số bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, cũng như có nhiều nỗ lực, quyết tâm hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai thực hiện như NHNN Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ... Số lượng hồ sơ, thủ tục giải quyết qua Cơ chế một cửa quốc gia tăng cao, từ ngày 1/1 đến ngày 15/12/2017 đã có 554.505 hồ sơ được xử lý qua Cơ chế một cửa quốc gia, tăng 272% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, kết quả triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia còn rất khiêm tốn so với mục tiêu đã đề ra, năm 2017 mới triển khai được 8/22 thủ tục hành chính theo kế hoạch. Một số thủ tục đã được triển khai nhưng số lượng hồ sơ, số lượng DN tham gia không nhiều.

Dự kiến đến hết quý I/2018, có 25 thủ tục được đưa vào triển khai qua Cơ chế một của quốc gia, chỉ chiếm 19% trên tổng số 130 thủ tục hành chính mà các bộ đã đăng ký triển khai năm 2017. Số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn (gần 30%); phí kiểm tra chuyên ngành một mặt hàng xuất nhập khẩu vẫn còn cao...

Những tồn tại, hạn chế nói trên đã và đang gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, tạo gánh nặng về chi phí, tốn kém thời gian của DN. Trong một số trường hợp còn làm mất cơ hội kinh doanh của DN.

“Có những nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu một số bộ, cơ quan chưa quan tâm, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra; đầu tư phát triển hạ tầng và công nghệ thông tin còn lúng túng, thiếu đồng bộ, chất lượng thấp. Mức độ hài lòng của DN trong một lĩnh vực còn thấp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết, mục tiêu trong năm 2018 của Chính phủ là phấn đấu triển khai đủ 130 thủ tục hành chính theo đúng kế hoạch đã đề ra tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung các thủ tục mới vào kế hoạch; Chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN; Phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại. Năm 2018, chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).

Để đạt mục tiêu này, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan rà soát, đối chiếu danh mục thủ tục hành chính đăng ký tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg với kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính của bộ, ngành mình, báo cáo Cơ quan Thường trực tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2018. Cũng trong tháng 3/2018, Bộ Tài chính báo cáo Ủy ban chỉ đạo 1899 việc kết nối, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với đường hàng không của các bộ, các hãng hàng không.

Đặc biệt với giải pháp về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 29/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, thực hiện cắt giảm, giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%; rà soát, loại bỏ 50% số mặt hàng thuộc danh mục phải kiểm tra chuyên ngành, gửi danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành cho Cơ quan Thường trực tổng hợp, báo cáo Ủy ban chỉ đạo 1899 trong quý II/2018.

Các bộ, ngành cũng phải khẩn trương rà soát danh mục văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung theo đúng tiến độ và thời hạn đã đề ra, đồng thời tiếp tục cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Dương Công Chiến

Tin đọc nhiều