Ngân hàng bán lẻ: Vẫn là thách thức

09:01 | 25/09/2017

Thách thức là hiện hữu, khi không chỉ là rủi ro, mà sự bão hoà về những sản phẩm, dịch vụ na ná cũng khiến cho nhiều NH loay hoay trong việc phát triển và đẩy mạnh bán lẻ.

VietinBank: Phát triển trụ cột kinh doanh thanh toán
Ngân hàng bán lẻ trong cuộc đua mới
Áp lực trên thị trường bán lẻ

Với dân số hơn 93 triệu người (năm 2016), trong đó có hơn 60% số dân Việt Nam đang ở độ tuổi lao động và có thu nhập ngày càng tăng, không khó hiểu khi thị trường bán lẻ sẽ là lĩnh vực tiềm năng bởi nhu cầu tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ được nâng lên mỗi ngày. Theo nhận định của tờ The Asian Banker, dự kiến tài sản bán lẻ của ngành NH Việt Nam sẽ tăng 29% so với năm 2016, còn CAGR (tốc độ tăng trưởng kép) của doanh thu bán lẻ sẽ đạt 6,5 tỷ USD vào năm 2020.

ngan hang ban le van la thach thuc
Lấy khách hàng làm trung tâm là mục tiêu để phát triển hiệu quả NH bán lẻ

Thực tế những năm gần đây, nhiều NHTM Việt Nam đang có xu hướng phát triển mạnh mảng bán lẻ. Song nếu xét một cách khách quan, NH bán lẻ Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức cùng lúc như: đòi hỏi khác biệt về sản phẩm, khả năng sinh lời hay chất lượng dịch vụ... Trao đổi với một chuyên gia tài chính, ông này nhận thấy: Các nhà băng hiện nay đi vào bán lẻ, phần lớn là các sản phẩm cho vay chủ yếu thông qua công ty tài chính. Nếu xét trong Luật Các TCTD, những quy định ràng buộc đối với NH về cho vay bán lẻ chặt chẽ hơn rất nhiều so với các công ty tài chính. Chính điểm này sẽ dễ tạo ra rủi ro rất lớn.

Thêm nữa, vị này cũng chia sẻ: “Như tại Mỹ, FICO là chỉ số đo sức khoẻ tài chính của cá nhân, hay nói cách khác là điểm tín dụng của cá nhân đó. Và đây là chỉ số mà các nhà băng tại Mỹ quyết định có cho cá nhân đó vay tiền hay không và vay ở mức lãi suất nào. Xếp hạng tín nhiệm tín dụng tại nhiều quốc gia phát triển được lưu trữ trên hệ thống trực tuyến, thuận lợi cho việc tra cứu. Còn tại Việt Nam chúng ta chưa có hệ thống tính điểm tín dụng cá nhân một cách phổ biến. Mà ở nước ta, mỗi NH có những hệ thống riêng.

Đối với Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) cũng đang hoàn thiện mô hình xếp hạng tín dụng thể nhân”. Chưa kể tới chuyện với khách hàng bán lẻ, rất khó để xác định chính xác nguồn thu nhập. Trừ trường hợp những người làm công ăn lương được trả lương qua tài khoản. Còn phần đông người dân, hoặc tự kinh doanh, hoặc làm cho một số DN nhỏ vẫn trả lương bằng tiền mặt...

Yếu tố khác tác động lớn tới hoạt động của NH bán lẻ tại Việt Nam đó là quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng. Hội nhập là cơ hội, cũng là thách thức khi các nhà băng Việt có điều kiện tiếp cận với khả năng mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng, tăng cơ hội việc làm, tiếp cận dịch vụ tài chính... Song đi cùng với đó sức cạnh tranh cũng sẽ ngày càng khốc liệt hơn khi đứng chung sân chơi với các NH ngoại không chỉ giàu kinh nghiệm mà còn dồi dào tiềm lực tài chính và sáng tạo.

“Để nhớ mặt điểm tên trên thị trường tài chính là cả một nỗ lực cần có thời gian. Tuy nhiên, khi hệ thống NH Việt Nam dần đi vào các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tính minh bạch sẽ được nâng cao. Đồng nghĩa với việc mọi lĩnh vực cho vay, trong đó có bán lẻ sẽ có thể kiểm soát rủi ro hiệu quả hơn, việc xử lý nợ xấu cũng được thực hiện một cách bài bản hơn”, vị này nhấn mạnh.

Thách thức là hiện hữu, khi không chỉ là rủi ro, mà sự bão hoà về những sản phẩm, dịch vụ na ná cũng khiến cho nhiều NH loay hoay trong việc phát triển và đẩy mạnh bán lẻ. Lời khuyên cũ nhưng vẫn mới: “Hãy lấy khách hàng làm trung tâm” - đó là chìa khoá.

Để bán lẻ có thể có những bước phát triển tốt hơn tại thị trường Việt Nam, bản thân mỗi NH cần có những sách lược riêng, để có dấu ấn với thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB thì mỗi NH muốn đẩy mạnh lĩnh vực tiềm năng này NH cần “cố gắng đơn giản hoá các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, rút ngắn thời gian giải ngân, linh hoạt về kỳ hạn vay, thời gian trả nợ cho khách hàng...

Đồng thời phải liên tục cập nhật diễn biến thị trường, nắm bắt nhu cầu khách hàng để xây dựng những chương trình, chính sách, sản phẩm dành riêng cho từng đối tượng khách hàng”. SHB cũng là NH được Tạp chí The Asian Banking and Finance (ABF) vinh danh trong khuôn khổ hạng mục NH bán lẻ tốt nhất cho ba sản phẩm cho vay mua nhà, mua ô tô và thẻ tín dụng.

Không chỉ SHB, ABBank hồi tháng 7 vừa qua cũng được Global Banking and Finance Review bình chọn là “Ngân hàng phát triển bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2017”. NH này cũng cho ra mắt dịch vụ NH chuyên biệt cho DN SME và phát triển một danh mục 7 sản phẩm về cho vay thế chấp và tín chấp cung cấp các dịch vụ như: tư vấn tài chính, tài trợ vốn, xây dựng và phát triển nền tảng quản trị DN... BIDV, VietinBank cũng là những cái tên nhiều năm liền được nhận giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam”.

Khuê Nguyễn

Tin đọc nhiều