Ngân hàng gia tăng tiếp cận dịch vụ công

09:06 | 21/12/2016

Trong năm 2017, ngoài các dịch vụ hỗ trợ thanh toán sẽ có những gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục.

Ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách của NHNN
Trợ thủ cho dịch vụ công hiện đại
Thanh toán thẻ vướng ở dịch vụ công

Nên nhân rộng đề án thẻ học đường

Năm 2014, CTCP Văn hóa Ngôi nhà xanh đã liên kết với Sở GD&ĐT TP.HCM triển khai đề án thẻ học đường SSC. Một số NHTM như MB, Sacombank cũng đã ký kết hợp tác nhằm thực hiện thanh toán học phí và các khoản phí khác được tích hợp trong nhà trường cho mọi cấp học.

Khi bắt đầu triển khai, đề án thẻ SSC không nhận được nhiều sự ủng hộ của phụ huynh học sinh, do lo ngại phiền hà và không an toàn trong giao dịch thanh toán. Thậm chí, đề án vấp phải hàng rào pháp lý là Quyết định 20 không cho phép trẻ dưới 15 tuổi được sử dụng thẻ phụ, đồng thời không cho phép các NHTM phát hành các loại thẻ vô danh.

ngan hang gia tang tiep can dich vu cong
Thẻ học đường SSC sau khi được MB đầu tư hiện đang thu hút các NHTM quan tâm hơn

Tuy nhiên, những băn khoăn và vướng mắc trên đã nhanh chóng được tháo gỡ. Bởi NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 19/2016 cho phép trẻ em từ 6-15 tuổi được sử dụng các loại thẻ ghi nợ. Song song đó, Sở GD&ĐT TP.HCM và các đơn vị, NHTM trên địa bàn cũng đã nhanh chóng áp dụng thí điểm dùng thẻ SSC tại một số trường học. Và những kết quả tích cực do thẻ SSC mang lại đã bắt đầu thuyết phục được cộng đồng phụ huynh học sinh.

Ghi nhận của Sở GD&ĐT TP.HCM, qua hai đợt triển khai dùng thẻ học đường SSC trong năm học 2014-2015, đề án đã thí điểm tại 16 trường học, phát hành trên 13.300 thẻ. Trong đó số thẻ phát hành cho học sinh là hơn 13.100 thẻ; số thẻ đã kích hoạt thanh toán là 9.455 thẻ. Tổng số học phí đã thanh toán qua hệ thống thẻ SSC là trên 132 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2 của đề án, hiện nay Sở GD&ĐT TP.HCM đang triển khai việc dùng thẻ SSC ở 25 trường học ở TP.HCM. Tổng số thẻ đã bàn giao cho các trường đạt trên 23.000 thẻ. Trong đó, khoảng 21.750 thẻ đã đến tay phụ huynh để bắt đầu có thể thanh toán học phí và hướng tới sử dụng các dịch vụ tiện ích khác như tham khảo bài giảng, tài liệu điện tử, học bạ điện tử, sách giáo khoa điện tử và các trò chơi giáo dục.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, đến thời điểm hiện nay 100% trường học đã hoàn thiện việc mở tài khoản NH và tiến hành lắp máy POS tại trường. Đồng thời đã triển khai một số tiện ích của thẻ như số hóa tài liệu và phần mềm cho bộ phận kế toán, thủ thư tại các trường, cài đặt phần mềm điểm danh thông qua thẻ. Dự kiến trong năm học 2017-2018 ngành giáo dục TP.HCM sẽ thực hiện thu học phí qua thẻ SSC đạt tỷ lệ 100%.

Mỗi NH vài chục tỷ hỗ trợ tài chính giáo dục

Trao đổi về kế hoạch phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính hỗ trợ ngành giáo dục, ông Hà Trọng Khiêm, Phó tổng giám đốc MB cho hay, từ nay đến cuối năm 2016, NH sẽ phát hành thêm khoảng 6.000 thẻ SSC, nâng tổng số thẻ học đường thanh toán qua MB lên mức trên 40.000 thẻ.

“MB sẽ đẩy mạnh triển khai sản phẩm tài chính ưu đãi 10 triệu đồng/thẻ học đường để hỗ trợ học sinh đóng học phí đúng hạn. Song song đó, NH sẽ đấu nối hệ thống chấp nhận thanh toán học phí để mở rộng triển khai thẻ SSC tại tất cả các quận huyện ở TP.HCM. Đồng thời kết hợp với công ty bảo hiểm MIC tích hợp các sản phẩm bảo hiểm vào thẻ học đường” - ông Khiêm cho biết.

Ông Lê Hoài Nam thông tin rằng, hiện nay Sở GD&ĐT TP.HCM đã làm việc với một số NHTM trên địa bàn như MB, VietinBank… Sở mong muốn các NH tạo điều kiện hình thành các sản phẩm tài chính hỗ trợ ngành giáo dục. Trong đó tập trung vào 2 mảng. Mảng thứ nhất là hỗ trợ vốn vay cho các nhà trường đầu tư mua sắm thiết bị hiện đại hóa công tác dạy – học. Mảng thứ hai là đưa ra các gói tín dụng ưu đãi dành cho giáo viên và công nhân viên trong ngành.

Theo đó, các NHTM có thể thiết kế dạng thẻ tín dụng ưu đãi dành cho giáo viên với hạn mức trung bình từ 200-300 triệu đồng/thẻ để phục vụ việc mua sắm nhà cửa, mua sắm phương tiện và chi tiêu sinh hoạt.

Đáp ứng nhu cầu trên vừa qua, VietinBank và MB đã tiến hành ký kết hợp tác với Sở GD&ĐT TP.HCM và CTCP Văn hóa Ngôi nhà xanh. Trước mắt, các NHTM này sẽ áp dụng hạn mức cho vay tín chấp dưới 500 triệu đồng đối với các khách hàng là giáo viên, cán bộ, nhân viên trong ngành giáo dục. Gói vay này sẽ trực tiếp phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, sửa chữa hay mua nhà… của đại bộ phận giáo viên, được hưởng chiết khấu trên cơ sở triển khai kết hợp với tổ chức thẻ/đơn vị bán hàng và các ưu đãi đặc thù dành riêng cho ngành giáo dục.

Trong khi đó, từ phía cơ quan quản lý, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán – NHNN cho rằng, việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính hỗ trợ ngành giáo dục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và hiện đại hóa cơ sở vật chất dạy học là việc làm rất cần thiết và phù hợp với yêu cầu cải cách tiếp cận dịch vụ hành chính công mà Chính phủ và NHNN đang thực hiện.

Ông Tiên cho rằng, những kết quả bước đầu trong việc triển khai đề án thẻ học đường SSC tại TP.HCM là rất tích cực và cần khuyến khích nhân rộng. Vì thế các NHTM nên tính toán chiến lược cụ thể để mở rộng các loại hình sản phẩm dịch vụ tài chính hỗ trợ ngành giáo dục. Theo đó, mỗi TCTD nếu có thể thì dành ra khoảng vài chục tỷ đồng mỗi năm để thực hiện những đề án này.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều