Ngành da giày “chuyển mình” nắm thời cơ

14:00 | 25/01/2019

Nhiều doanh nghiệp da giày đã chuyển sang thiết kế, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại.

Xuất khẩu da giày giữ vững tốc độ tăng trưởng
Cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, mỗi năm toàn ngành đang sản xuất ra 1,2 tỷ đôi giày dép, trong đó 90% là xuất khẩu (XK). Với việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngành da giày sẽ tăng trưởng XK từ 15-20%, nhu cầu nguyên phụ liệu tăng tương ứng.

nganh da giay chuyen minh nam thoi co
Liên kết theo chuỗi giúp tăng trưởng XK da giày tốt hơn

Bà Xuân cho biết, sự chuẩn bị của ngành da giày cho các FTA là từ rất lâu - bắt đầu từ khi Chính phủ đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do lớn cho Việt Nam. Trước đây, các doanh nghiệp phải nhập khẩu tới 65% nguyên phụ liệu, nay con số này đã giảm xuống 50%. Các doanh nghiệp đã chú trọng tới khâu đầu tư và phát triển nguyên phụ liệu trong nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã tham gia được các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm thị trường mới, đào tạo nâng cao nhân lực cho doanh nghiệp...

Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành da giày đã chuyển hướng sang đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nếu trước đây chủ yếu tập trung vào làm đơn hàng gia công, nay nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh khâu thiết kế sản phẩm, phải kể tới những doanh nghiệp như Công ty Biti's, Công ty Thái Bình Shoes, Công ty giày Tuấn Việt, CTCP công nghiệp Đông Hưng...

Tuy vậy, bà Xuân cũng cho rằng sự “chuyển mình” này cần phải mạnh mẽ hơn nữa. Đơn cử trong CPTPP, doanh nghiệp da giày sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đáp ứng quy tắc xuất xứ, trong đó yêu cầu 55% nguyên phụ liệu phải được nội địa hóa tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa với doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ trượt đi cơ hội này.

Về tiếp cận thị trường, đa số doanh nghiệp nhỏ lâu nay chỉ tập trung đơn hàng nhỏ lẻ, nếu có cơ hội không phát triển mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, chắc chắn sẽ không thể nắm bắt.

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cũng cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất giày dép quy mô lớn, nhất là các doanh nghiệp FDI, đã xây dựng các xưởng sản xuất giả da, đế, gót giày, form giày… đáp ứng nhu cầu của chính doanh nghiệp và có thể cung cấp một phần cho các đơn vị khác thay thế hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, năng lực sản xuất của công nghiệp hỗ trợ ngành da giày còn yếu, thiếu đồng bộ trong phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu. Còn quá ít cơ sở sản xuất các loại nguyên liệu chính, như: giả da, vải không dệt, vải kỹ thuật, phụ liệu, phụ kiện kim loại, phụ kiện nhựa, keo dán, hóa chất…

Chất lượng sản phẩm nguyên phụ liệu sản xuất tại Việt Nam chưa cao. Các doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ khó đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ giao hàng, trong khi thị trường thay đổi nhanh về mẫu mã và vật liệu.

Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị, Bộ Công thương lập đề án xây dựng các trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu, hình thành mạng lưới liên kết cung ứng sản phẩm, dịch vụ với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp sản xuất da giày, túi xách XK.

Bà Xuân cho rằng, liên kết chuỗi là mấu chốt để giúp tăng trưởng XK tốt hơn, giải quyết vấn đề nội địa hóa cũng như giúp các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một mặt, doanh nghiệp Việt Nam cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn để nâng số lượng, quy mô, chất lượng sản phẩm sản xuất ra đạt trình độ quốc tế để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cung cấp thông tin tới nhà mua hàng quốc tế, cũng như doanh nghiệp sản xuất lớn mở rộng chuỗi nguồn cung để doanh nghiệp tiếp cận vào. "Hai mặt ghép vào nhau để tiến tới đôi bên trở thành chuỗi cung ứng hoàn tất tại Việt Nam", bà Xuân mong muốn.

Hồng Hạnh

Tin đọc nhiều