Ngành mía đường: Bộn bề trước hội nhập

09:08 | 07/08/2019

Niên vụ 2018 - 2019 là niên vụ thứ 3 liên tiếp ngành mía đường gặp khó khăn khi giá đường xuống thấp, có thời điểm thậm chí ở dưới mức giá thành sản xuất...

Phía bên kia “thiên đường” hội nhập, nhìn từ ngành mía đường
Ngành mía đường gặp khó
nganh mia duong bon be truoc hoi nhap
Nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích mía tại Phú Yên hư hỏng nặng

Khó khăn từ nhà máy tới người trồng

Ông Thái Văn Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hoà (tỉnh Phú Yên) cho biết, cùng với sự sụt giảm của giá đường, giá thu mua mía của bà con nông dân cũng liên tục giảm trong 3 năm gần đây. Nếu như năm 2016 giá thu mua tại ruộng của nhà máy là khoảng 900.000 – 1.000.000 đồng/tấn, thì tới năm 2017 là đã giảm xuống 820.000 đồng/tấn; và sang năm nay chỉ còn 750.000 đồng/tấn.

Đối với các nhà máy đường, vùng nguyên liệu là tối quan trọng, bởi giá mía chiếm tới khoảng 90% giá thành sản xuất đường. Với tình hình giá giảm sâu như vậy, vùng nguyên liệu tại Tuy Hoà nói riêng và cả tỉnh Phú Yên nói chung cũng đang sụt giảm. Niên vụ 2016-2017 diện tích mía nguyên liệu của Công ty Mía đường Tuy Hoà là 7.200 ha, niên vụ 2017-2018 giảm xuống còn 6.000 ha, tới năm nay chỉ còn 4.000 ha. Đó là chưa kể điều kiện thời tiết niên vụ 2018-2019 của tỉnh Phú Yên đang hết sức khó khăn với hạn hán kéo dài, cây mía chết khô trên diện rộng và không thể khắc phục được.

Ông Hùng cho biết thêm, người trồng mía tại vùng nguyên liệu của nhà máy chủ yếu là dân tộc Ê-đê, Bana… với hơn 2.100 hộ, tương đương khoảng 10.000 dân. Đó là chưa kể các công thu hoạch, lái xe chuyên chở mía… mỗi khi vào mùa thu hoạch và sản xuất cũng lên tới hàng chục nghìn người. Trước tình cảnh khó khăn của cây mía, một số hộ đã chuyển sang trồng cây mì nhưng không có hiệu quả do thiếu hụt đầu ra cho sản phẩm; nhiều hộ khác bỏ đất chạy lên thành phố kiếm việc làm thuê.

Đây cũng là khó khăn chung của các DN ngành mía đường. Công ty cổ phần Mía đường Sơn La cũng không nằm ngoài cơn khủng hoảng ngành này. Theo ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc Nhà máy chế biến của công ty, tính đến thời điểm đầu tháng 7, lượng đường tồn kho của công ty lên tới 40.000 tấn, tương đương 50% tổng lượng đường sản xuất được trong niên vụ vừa qua. Nếu như trước đây sản xuất ra bao nhiêu thì tiêu thụ gần hết bấy nhiêu thì 3 năm trở lại, nhà máy chỉ tiêu thụ được khoảng 50% lượng đường sản xuất ra. Lượng đường tồn kho này tương đương 500 tỷ đồng, bằng với lượng tiền trung bình mà công ty thanh toán cho người nông dân trong một vụ sản xuất.

Ông Tài chia sẻ, hiện nay giá mía mà công ty thu mua của nông dân là 800.000 đồng/tấn, người dân vẫn lãi 100.000 - 200.0000 đồng/tấn, đồng thời đây cũng là mức giá cao nhất cả nước. Thế nhưng trong 3 năm trở lại đây giá thu mua mía nguyên liệu cũng đã liên tục giảm từ 950.000 đồng/tấn (niên vụ 2016 - 2017) xuống 900.000 đồng/tấn (niên vụ 2017 - 2018) trước khi tụt xuống mức 800.000 đồng/tấn hiện nay.

“Giá thu mua mía tại ruộng là 800.000 đồng/tấn, cộng thêm các chi phí, bốc xếp, vận chuyển... tổng cộng là 900.000 đồng/tấn. Nếu giá đường vẫn giữ ở mức thấp như hiện nay mà không quản lý tốt, Công ty Mía đường Sơn La sẽ lỗ chứ chưa dám nói là hòa vốn”, ông Tài lo ngại.

Ông cho hay nguyên nhân khó khăn kéo dài trong 3 năm qua do đường nhập lậu tràn vào nhiều, gây áp lực lên giá đường trong nước. Bên cạnh đó, có hiện tượng gian lận thương mại tạm nhập đường nhưng không tái xuất mà tiêu thụ ngay trong thị trường nội địa.

Nhiều tiềm năng chưa khai thác hết

Là DN mía đường thuộc nhóm sống khoẻ nhất hiện nay, song Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cũng không thể yên tâm khi nghĩ tới viễn cảnh khó khăn trong tương lai.

Ông Subbaiah - Tổng giám đốc KCP cho biết, với các chính sách đầu tư hiện nay, Việt Nam vẫn chưa hiểu và khai thác được hết tiềm năng lợi thế của cây mía. Chẳng hạn DN này đã đầu tư nhà máy phát điện sinh khối sử dụng nguyên liệu đầu vào từ bã mía, song phải qua nhiều năm thương thảo về giá bán điện, nhà máy mới vận hành và hoà lưới điện trong khoảng 3 năm gần đây.

Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam cũng chưa có chính sách rõ ràng với cồn ethanol cho các nhà máy đường, trong khi các quốc gia trồng mía như Thái Lan, Ấn Độ hay Philippines đều có chính sách rất tốt cho loại nhiên liệu này. Nhờ đó DN sản xuất mía đường có thể mở rộng đầu tư sản xuất phụ phẩm từ cây mía, có thêm nguồn thu và bù vào hoạt động sản xuất đường khi gặp khó khăn.

Ông Subbaiah cũng so sánh, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay không bằng Thái Lan. Vì vậy giá thành sản xuất mía tại ruộng cao, công lao động cũng cao; chi phí thu hoạch mía của Việt Nam là khoảng 200.000 - 220.000 đồng/tấn, cũng cao gấp đôi Thái Lan. Về lâu dài, khi mở cửa hội nhập thì khó khăn sẽ chồng chất thêm đối với các DN ngành mía đường, đặc biệt là trong bối cảnh chính sách đối với ngành này còn thiếu đồng bộ.

Tại Công văn số 68 gửi tới Thủ tướng Chính phủ hôm cuối tháng 5, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã phác thảo bức tranh không mấy tươi sáng của ngành này. Cụ thể là tới nay đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, một số nhà máy mất vốn chủ sở hữu, một số nhà máy phải tạm dừng hoặc có thể phá sản vào cuối năm 2019 và trong năm 2020; hộ trồng mía khốn đốn, sản xuất mía thu nhập thấp, một số vùng thua lỗ, phải bỏ ruộng hoặc chuyển sang cây trồng khác, rủi ro lớn. Diện tích mía nguyên liệu giảm từ 30-60% tổng diện tích… “Đây sẽ là khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng của ngành nông nghiệp”, công văn của Hiệp hội Mía đường nhấn mạnh.

Cùng với đó, Hiệp hội cũng chỉ ra một số nguyên nhân gây ra khó khăn nghiêm trọng của ngành mía đường Việt Nam. Trước hết đó là vi phạm pháp luật kéo dài của hệ thống buôn lậu đường qua biên giới và gian lận thương mại của đường lậu. Nguyên nhân thứ 2 là gian lận thương mại quy mô quốc tế của Thái Lan, đối tác chính trong ngành đường ASEAN. Cuối cùng là hệ thống pháp luật còn bất cập, chưa được thực hiện đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ với quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Bài và ảnh Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều