Ngành tôm Việt Nam có cơ hội mới

13:00 | 02/09/2018

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tôm của thế giới đến năm 2020 là 5,2 triệu tấn, đến năm 2025 sẽ là 6,525 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu tôm tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Hoa Kỳ (Mỹ), Nhật Bản, Châu Âu (EU) cũng liên tục tăng.

Ngành tôm sẽ khởi sắc trở lại
Ngành tôm chuyển mình toàn diện

Lợi thế lớn từ thị trường

Đến nay ngoài thị trường EU có tăng lượng nhập khẩu tôm Việt Nam, còn lại, sản lượng tôm xuất khẩu vào hai thị trường Mỹ và Nhật Bản vẫn rất nhỏ. Sản lượng tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu nhập khẩu tôm của quốc gia này.

nganh tom viet nam co co hoi moi
Ngành tôm đang có nhiều thuận lợi để phát triển

Ở thị trường lớn EU, con tôm Việt Nam được hầu hết các nước trong khối này ưa chuộng và nhập khẩu với sản lượng lớn. Trong đó, 3 thị trường chính tại khối EU là Hà Lan, Anh, Đức luôn tăng mạnh kim ngạch nhập khẩu tôm Việt Nam. Hà Lan là nước nhập khẩu với số lượng lớn nhất, chiếm 6,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Quốc gia này nhập khẩu tôm không chỉ để tiêu thụ trong nước mà còn chế biến và xuất khẩu sang các nước trong khối EU.

Vì vậy, nhập khẩu tôm vào Hà Lan đang ngày một tăng. Cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan là tôm thẻ chân trắng chiếm tỷ lệ 86%, tôm sú chiếm 10% và tôm loại khác chiếm 4%...

Đứng thứ hai trong khối EU là thị trường Anh và 3 năm trở lại đây, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh tăng gần 84%, do nước này đẩy mạnh nhập khẩu tôm nước ấm, vì giá rẻ hơn để thay thế cho tôm nước lạnh (nhập khẩu từ Bỉ, Đức và Đan Mạch). Giá tôm nước lạnh tăng nhanh do các nước khai thác cắt giảm hạn ngạch. EU có lợi thế đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam về ưu đãi thuế, nhấ́t là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, trong khi nhu cầu nhập khẩu tôm vào EU từ nay đến cuối năm càng tăng, nước xuất khẩu tôm lớn khác tại Châu Á là Ấn Độ có xu hướng giảm lượng tôm xuất sang EU.

Điều này là lợi thế lớn cho con tôm Việt Nam tại thị trường EU. Những thị trường khác là Mỹ lại rất ưa chuộng tôm thẻ chân trắng, với lượng nhập khẩu lên đến 69% tổng sản lượng nhập khẩu tôm của quốc gia này. Thị trường Nhật chuộng tôm sú và giá mua tôm sú của doanh nghiệp nhập khẩu Nhật cao. Đây chính là lợi thế, bởi chất lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam cao, sản lượng lớn với 350.000 tấn/năm. Đồng thời, Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng phát triển nuôi tôm sú, nên dư địa để xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ và Nhật còn rất lớn.

Điều kiện tốt trong nước

Nhận định về sự phát triển của ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới, ông Hồ Quang Lực, nguyên Chủ tịch VASEP cho rằng, trong khi nhu cầu tôm của thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định và bền vững, thì ngành nuôi tôm trong nước cũng đang thuận lợi. Đó là về khí hậu, thời tiết, có thể nuôi tôm quanh năm; Diện tích vùng nuôi lớn với hơn 700 ha trên cả nước; Số lượng nhà máy chế biến tôm xuất khẩu nhiều (trên 100 nhà máy), sản lượng đạt trên 500 nghìn tấn/năm.

Đặc biệt là Chính phủ đang hành động quyết liệt để phát triển ngành tôm Việt Nam thông qua Quyết định 79/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; xem đây là ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và kinh tế đất nước.

Hiện nay, khu vực nuôi tôm lớn nhất cả nước là ĐBSCL đang đẩy mạnh khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành tôm của địa phương, nhằm triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển các mô hình liên kết sản xuất, mô hình hợp tác xã hiệu quả trong sản xuất nuôi tôm địa phương, để đạt các mục tiêu mà Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 đã đề ra như, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD; Tổng diện tích tôm nước lợ đạt 750.000 ha, diện tích nuôi tôm càng xanh tập trung đạt 50.000 ha. Tổng sản lượng tôm nuôi đạt 1,153 triệu tấn...

Thanh Trà

Tin đọc nhiều