Lấy doanh nghiệp làm trung tâm | |
Việt Nam vẫn là thị trường không thể thiếu của DN Nhật Bản | |
Để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh |
Bà Nguyễn Minh Thảo |
Trao đổi với bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh (MTKD) và năng lực cạnh tranh (NLCT), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) được biết, Nghị quyết 19 năm 2017 vừa được ban hành không chỉ tiếp tục quan tâm tới cải thiện MTKD mà còn đưa ra nhiều chỉ tiêu, giải pháp để cải thiện NLCT. Đồng thời, Nghị quyết cũng phân công và gắn chỉ tiêu với trách nhiệm cụ thể của từng Bộ, ngành liên quan cũng như đẩy mạnh khâu giám sát thực hiện.
Các chỉ tiêu đặt ra nhiều và cụ thể hơn, nhưng cũng được xem là những thách thức lớn đòi hỏi guồng máy Chính phủ từ Trung ương đến địa phương phải nỗ lực và đồng lòng thực hiện. Và việc thực hiện quyết liệt sẽ giúp Việt Nam không chỉ cải thiện MTKD mà còn nâng cao NLCT quốc gia, nhờ vậy năng suất lao động (NSLĐ), thu nhập và mức sống của người dân tăng lên.
Bà có thể cho biết những điểm mới trong Nghị quyết 19 năm 2017 là gì và tại sao lại có những điểm mới đó?
Các Nghị quyết 19 trước đây tập trung chủ yếu vào cải thiện các yếu tố về MTKD, cụ thể là cải thiện thứ bậc và điểm số liên quan đến 10 chỉ tiêu của Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB).
Ba năm qua, MTKD của Việt Nam liên tục được cải thiện nhờ những nỗ lực này. MTKD tốt lên, song NLCT của cả nền kinh tế lại giảm xuống (không có sự cải thiện về điểm số trong khi bị tụt bậc về thứ hạng vì các quốc gia khác có thực hiện cải thiện mạnh mẽ hơn). Nguyên nhân chủ yếu vì MTKD chỉ là một trụ cột quan trọng của NLCT. Tức là ngoài MTKD, còn có những yếu tố khác ảnh hưởng tới NLCT và chúng ta mới tập trung nhiều vào MTKD mà chưa chú trọng vào các yếu tố khác, vì thế NLCT kém đi.
Mục tiêu lớn nhất mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng hướng đến là NLCT quốc gia, NSLĐ và mức sống của người dân tốt lên. Chính vì lẽ đó, trong Nghị quyết 19-2017, Chính phủ đặt ra yêu cầu là bên cạnh việc tiếp tục cải thiện MTKD (với 41 chỉ tiêu cụ thể) thì cần chú trọng vào cải thiện cả những yếu tố khác để giúp nâng cao NLCT.
Cụ thể, Nghị quyết mở rộng thêm các yếu tố về NLCT dựa trên cách tiếp cận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) với 114 chỉ tiêu; bổ sung 85 chỉ tiêu về năng lực đổi mới sáng tạo (theo cách đánh giá của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO) và 10 chỉ tiêu về Chính phủ điện tử (theo đánh giá của Liên Hợp quốc). Như vậy, Nghị quyết 19 năm nay đặt ra tới 250 chỉ tiêu cần cải thiện và đều dựa trên cách tiếp cận, đánh giá theo thông lệ quốc tế.
Điểm mới thứ hai là với từng chỉ tiêu cụ thể, Nghị quyết quy rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp. Mục tiêu là để hàng năm, sau khi các tổ chức quốc tế trên công bố các đánh giá, xếp hạng thì những thay đổi tăng hay giảm trong các chỉ tiêu của Việt Nam sẽ quy trách nhiệm cho Bộ, ngành, địa phương liên quan để từ đó tiếp tục có những giải pháp nhằm cải thiện tốt hơn các chỉ số.
Một điểm mới nữa là tăng cường cơ chế giám sát, quy trách nhiệm của người đứng đầu. Trước đây, việc bộ này tích cực thực hiện trong khi bộ kia chưa thì đôi khi cơ quan theo dõi không có đủ thông tin để tách bạch trách nhiệm của từng bộ; đồng thời cũng không có chế tài đủ mạnh để xử lý. Nhưng Nghị quyết 19-2017 đã chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương đối với nhiệm vụ được giao, gắn với 250 chỉ tiêu cụ thể này.
Hàng năm, sau khi các tổ chức quốc tế trên công bố các đánh giá, xếp hạng thì những thay đổi tiến bộ hay tụt giảm trong các chỉ tiêu sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Chính phủ sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát và sẽ có cơ chế khen – chê rõ ràng.
Ngoài ra trong giám sát, bên cạnh cơ chế kiểm tra, giám sát của Văn phòng Chính phủ, dự kiến sẽ áp dụng cả cơ chế chuyên gia giám sát, đánh giá độc lập. Nhóm chuyên gia gồm những người có kiến thức sâu về các chuyên ngành để hỗ trợ kiểm tra, giám sát việc thực thi Nghị quyết. Nhóm chuyên gia sẽ làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và quan trọng nhất là tìm hiểu vấn đề từ phía các DN như cảm nhận của DN như thế nào, những thay đổi đó giúp DN tốt lên hay không?, khó khăn, vướng mắc của DN…, qua đó giúp “kiểm chứng” lại kết quả thực hiện của các Bộ, ngành thực sự đã tốt chưa.
Mục tiêu lớn nhất mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng hướng đến là NLCT, NSLĐ và mức sống của người dân tốt lên |
Nhưng nhiều điểm mới và mở rộng như vậy cũng có nghĩa sẽ gắn với thêm nhiều thách thức mới?
Đúng vậy. Thách thức đầu tiên mà các Bộ, ngành, địa phương gặp phải là việc hiểu được nội hàm, cách đánh giá, cách tiếp cận của các tổ chức quốc tế. Như vậy các Bộ, ngành sẽ phải chủ động tìm hiểu để từ đó xác định được các giải pháp thực hiện.
Thứ hai là trong khi với các chỉ tiêu của Doing Business khá dễ dàng đo lường, đánh giá vì việc đo lường dựa trên các tiêu chí về số lượng thủ tục, thời gian, chi phí, chất lượng các quy định,… thì đối với các chỉ tiêu còn lại (trên 200 chỉ tiêu) của WEF, WIPO hay LHQ thì đa số các chỉ tiêu dựa trên phản hồi, cảm nhận của DN để cho điểm hoặc dựa vào số liệu sẵn có của các tổ chức để tính toán.
Vì thế chúng ta cần hiểu được nội hàm của từng chỉ số để biết được sẽ phải thay đổi ở nội dung nào hay công đoạn nào. Đây là một thách thức đối với các Bộ, ngành, địa phương, trước mắt là trong việc xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ để cải thiện các chỉ tiêu đó.
Đây đồng thời cũng là thách thức với chính các cơ quan theo dõi đánh giá như Bộ KHĐT hay Văn phòng Chính phủ bởi sự phức tạp trong việc lượng hóa các thay đổi cụ thể, chẳng hạn như thay đổi đó có thực sự là một sự cải thiện hay không, đã đúng với cách tiếp cận của các tổ chức chưa, kết quả lượng hóa như thế nào…
Nhưng gần đây, các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực hơn. Một số Bộ, ngành, địa phương đã chủ động tìm hiểu cách tiếp cận của các chỉ số, cách thức đo lường, đánh giá theo thông lệ quốc tế. Ví dụ chỉ tiêu về “Quy mô phát triển Cụm công nghiệp” hay “Tăng cường khả năng giữ chân nhân tài, thu hút nhân tài”… khá trìu tượng thì phải hiểu nội hàm ra sao, đánh giá cho điểm như thế nào? Mới đây, Bộ KHCN đã có kế hoạch mời chuyên gia của WIPO để giúp làm sáng tỏ hơn các nội dung liên quan, từ đó tìm kiếm các giải pháp cải thiện phù hợp.
Trong các lần Nghị quyết 19 được ban hành trước đây, còn những vấn đề gì bức xúc mà chưa giải quyết được?
Những bức xúc, khó khăn của DN được đặt ra tại Nghị quyết 19 trong các năm qua có nhiều, trong đó nổi lên là vấn đề về quản lý chuyên ngành và điều kiện kinh doanh. Thời gian vừa qua, một số vấn đề lớn gây khó khăn, mất thời gian, công sức, tốn kém chi phí và bức xúc nhất cho DN (mà trong phạm vi Nghị quyết 19 đề cập tới) của Bộ Công Thương đã được giải quyết từ cuối năm 2015. Nhưng vẫn còn nhiều Bộ, ngành khác chưa thực sự vào cuộc.
Ví dụ như những kiến nghị liên quan đến Thông tư 48/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về kiểm tra hàng thủy sản thì dù đã được nhắc đi, nhắc lại tại ba Nghị quyết rồi nhưng vướng mắc, bức xúc của DN vẫn chưa được xử lý một cách triệt để. Trong khi ngành thủy sản đang là một lợi thế của Việt Nam thì chúng ta lại đang làm cho lợi thế đó kém đi so với các quốc gia khác vì những rào cản của các Bộ, ngành.
Hay như với quản lý chuyên ngành thì vướng nhất là chuyển sang hậu kiểm. Hiện hầu hết các bộ vẫn theo tiền kiểm. Tức là kiểm tra chuyên ngành trước khi hàng hóa thông quan, vì vậy làm kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, tăng chi phí lưu kho, lưu bãi và nhiều chi phí cơ hội khác đối với DN.
Và cần những yếu tố gì để Nghị quyết 19 lần này thành công?
Để thành công thì cần có một sự quan tâm và tinh thần nghiêm túc của các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Như với trường hợp của Hải Phòng (ban hành Nghị quyết 148 về việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP. Hải Phòng) thì có thể nói đã đi ngược với tinh thần của Chính phủ là xây dựng Nhà nước kiến tạo cũng như những nỗ lực của Chính phủ về cải thiện MTKD, làm giảm lòng tin của cộng đồng DN.
Cùng với đó, trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương đối với việc triển khai Nghị quyết cũng rất quan trọng. Đơn cử như Bộ Công Thương, khi Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo thì ngay lập tức đem lại những kết quả tích cực, được dư luận và cộng đồng DN đánh giá cao (như bãi bỏ kiểm tra formaldehyt, bãi bỏ khai báo hóa chất, đơn giản hóa và kiểm tra hậu kiểm đối với thủ tục dán nhãn năng lượng, bãi bỏ quy hoạch xuất khẩu gạo). Nhưng nếu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương thờ ơ thì nó sẽ không tạo ra được sự thay đổi.
Một điểm quan trọng nữa để Nghị quyết thành công là cần có sự chia sẻ, phản hồi thông tin và đồng hành mạnh mẽ hơn nữa từ phía cộng đồng DN. Vì khi DN chia sẻ cởi mở thì các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan nghiên cứu hay các chuyên gia mới có được thông tin chính xác để đánh giá về hiệu quả chính sách. Và khi đó chúng ta mới có được tiếng nói đồng thuận giữa các bên, và những thay đổi cải thiện tiếp theo cũng sẽ phù hợp và sát hơn với các vấn đề của DN.
Vậy trong ba năm qua thì bà thấy phản ứng của DN thế nào?
Qua tiếp xúc, làm việc với các DN thì tôi thấy trong những năm đầu tiên, phải nói thật nhiều DN không tin đâu. Họ nêu và bức xúc với những vấn đề gặp phải nhưng vẫn có cảm giác là họ không tin vào sự thay đổi của các Bộ, ngành hay địa phương. Nhưng càng về sau khi các Bộ, ngành có sự thay đổi thực chất (tiên phong là Bộ Tài chính, EVN, BHXH Việt Nam) thì DN tin tưởng hơn. Như năm 2016 vừa rồi, khi đi làm việc với các DN thì tôi thấy ở họ một thái độ thực sự cởi mở, sẵn sàng chia sẻ và kỳ vọng tiếng nói của họ sẽ được chuyển tải tới các cơ quan liên quan, cơ quan chịu trách nhiệm để xem xét xử lý.
Và sau những thay đổi và kết quả mà DN ghi nhận được (khi tiếng nói của DN được truyền đạt đến các cơ quan có trách nhiệm và đã có những thay đổi diễn ra) thì họ tin và bây giờ khi làm việc với DN thì họ chia sẻ một cách rất cởi mở, thậm chí DN chủ động gửi thông tin về các vấn đề của DN. Do đó tôi cho rằng, phản hồi, chia sẻ thông tin từ cộng đồng DN là một kênh thông tin rất quan trọng và nếu không có những thông tin đó thì những chính sách của chúng ta sẽ không sát với thực tế.
Để có được những phản hồi, chia sẻ này có thể thực hiện qua nhiều kênh nhưng không thể không nói đến vai trò quan trọng của các điều tra, khảo sát DN như của VCCI hay các hiệp hội DN. Trên cơ sở các kết quả điều tra, khảo sát như vậy thì mình mới nhìn lại được những thay đổi đó thực sự đã diễn ra và tác động đến DN theo hướng nào.
Những hoạt động khảo sát điều tra như vậy thời gian qua đã có rồi, nhưng cần nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là với Nghị quyết 19 lần này khi các chỉ tiêu của Nghị quyết thay đổi và tăng lên rất nhiều thì phạm vi điều tra, khảo sát cũng cần được mở rộng hơn cả về quy mô và nội dung. Đây là nguồn đầu vào rất quan trọng cho việc đánh giá kết quả của Nghị quyết 19 này.
Xin cảm ơn bà!
Đỗ Lê thực hiện