“Người giữ lửa” trong thời hội nhập

08:26 | 07/03/2016

Nhắc đến người phụ nữ, hẳn mọi người đều nghĩ ngay đến vai trò, vị trí hết sức quan trọng của họ trong gia đình. Thời nào cũng vậy, phụ nữ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình, và được coi là “người giữ lửa”. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội.

Từ người phụ nữ trong nền kinh tế thị trường

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank nhìn nhận, vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định. Chúng ta có thể gặp các gương mặt lãnh đạo nữ trong bất kỳ bộ máy, tổ chức DN hay đoàn thể nào, cả ở tập thể lãnh đạo của Đảng, Chính phủ cũng không hiếm.

Ngày càng nhiều phụ nữ tham gia lãnh đạo, điều hành trong các công ty, DN lớn, nhỏ; lực lượng lao động nữ cũng ngày càng có tay nghề, chuyên môn cao và đóng góp rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Điều đó cho thấy xã hội hiện đại đang nhận thức rõ hơn về vai trò và năng lực của nữ giới đồng thời vai trò của họ cũng ngày càng quan trọng hơn trong nền kinh tế thị trường.

nguoi giu lua trong thoi hoi nhap
Ngày càng nhiều phụ nữ tham gia lãnh đạo, điều hành trong các công ty, DN lớn, nhỏ

Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường phụ nữ Việt Nam góp một phần rất lớn vào quá trình phát triển của đất nước, thể hiện ở số nữ chiếm tỉ lệ cao trong lực lượng lao động. Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước, ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động… duy trì ảnh hưởng rộng rãi vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực.

Hiện Việt Nam có tới 33,1% đại biểu nữ trong Quốc hội (khóa XII) - cao nhất ở châu Á và là một trong những nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất thế giới; số phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp trên 20%.

Có thể nói, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Khi nền kinh tế càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn.

Để khẳng định và phát huy vai trò của mình, phụ nữ Việt Nam có nhiều mặt thuận lợi do sự phát triển kinh tế mang lại, nhưng đồng thời với nó là những thử thách họ cần phải vượt qua. “Tuy nhiên, tôi tin rằng phát huy truyền thống “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng” trong thời kỳ đổi mới, người phụ nữ Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định và nâng cao hơn nữa vị trí và vai trò của mình”, ông Hưng khẳng định.

Đến cán bộ nữ ngành Ngân hàng

Ngành Ngân hàng là ngành dịch vụ đặc biệt, được xem là huyết mạch của nền kinh tế, có tính nhạy cảm, rủi ro cao nên nó luôn đòi hỏi lực lượng lao động phải có tư duy logic, khả năng tính toán, trí nhớ tốt, có sự sáng tạo, năng động, nhanh nhẹn, nhưng không kém thận trọng, chính xác, tỉ mỉ, cần cù.

Mặt khác, còn cần sự đam mê, nhiệt huyết, trách nhiệm, trung thực và phải có sức khoẻ tốt thì mới chịu được áp lực cao của công việc. Chính vì lẽ đó mà yêu cầu con người được đặt ra ngay từ khâu đầu vào của các cơ sở đào tạo tài chính, ngân hàng, sau đó là quá trình học tập, tuyển dụng và làm việc.

Đòi hỏi về chất lượng nhân lực cao là vậy, nhưng trong tổng số người lao động của ngành thì phụ nữ lại chiếm tỷ lệ cao. Có thể nói, ngân hàng là một trong những ngành đề cao vai trò của người phụ nữ. Trong 5 năm qua, tỷ lệ nữ ngành Ngân hàng tham gia cấp ủy là 45%, tham gia Ban chấp hành công đoàn các cấp là 56%; tỷ lệ nữ đưa vào quy hoạch là 44,4%, được cử đi đào tạo là 59,7%; nhiều chị em được tín nhiệm giữ những chức vụ chủ chốt quan trọng.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Hải Dương cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh tỷ lệ nữ giới làm trong ngành chiếm trên 70%, trong đó nhiều chị em nắm giữ các vị trí quan trọng, chủ chốt trong cơ quan, đơn vị. Ngay như tại NHNN chi nhánh tỉnh Hải Dương, tỷ lệ này cũng trên 60%, trong đó số chị em giữ vai trò lãnh đạo quản lý xấp xỉ 20%.

Không chỉ giỏi công tác chuyên môn, chị em cán bộ ngân hàng còn đảm công việc nhà. Gánh nặng công việc cơ quan và gia đình, với bộn bề vất vả lo toan, song các chị đã khéo léo thu xếp hài hòa, hợp lý, đảm bảo tổ ấm, hạnh phúc gia đình mình. Vì vậy, tỷ lệ phụ nữ 2 giỏi trong ngành luôn rất cao. Và để đạt được điều đó, là sự nỗ lực vô cùng đáng trân trọng của “đội quân tóc dài” ngành Ngân hàng.

Ông Nguyễn Hưng chia sẻ, theo thống kê của Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, so với bình quân chung cả nước, tỷ lệ nữ ngành Ngân hàng tham gia lãnh đạo, quản lý đạt khá cao, cho thấy nam và nữ trong ngành ngày càng bình đẳng trong tham gia lãnh đạo, quản lý.

Dù trong bất cứ lĩnh vực nào, thì đặc điểm chung của phụ nữ vẫn thường chu đáo hơn, cẩn thận hơn nam giới. Đặc biệt, họ nhạy cảm hơn, nét tính cách này rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Thêm vào đó là lợi thế về sắc đẹp, đức tính hy sinh, chịu thương chịu khó, tinh thần trách nhiệm cao… làm cho các nữ lãnh đạo ngân hàng luôn được trọng dụng và tin cậy.

Nhóm PV

Tags: #Phụ nữ
Tin đọc nhiều