Người tiêu dùng hưởng lợi xu hướng tài chính mới

10:58 | 20/12/2018

Đối với người tiêu dùng, việc các ngân hàng đẩy mạnh chiến lược khai thác tiềm năng thì họ là người được hưởng lợi cũng không ít. 

Từ trước đến nay, thu nhập lãi thuần luôn đóng vai trò là nguồn thu chính của các ngân hàng. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, các ngân hàng đang có xu hướng đẩy mạnh phát triển mảng dịch vụ để giảm dần sự phụ thuộc vào cho vay; và thu nhập từ các hoạt động dịch vụ đã trở thành một trong các yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng thu nhập hoạt động.

Nếu quan sát một cách tỷ mỉ, không khó để nhận thấy thu nhập dịch vụ của các ngân hàng ngày càng tăng trưởng mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn vào thu nhập hoạt động, nhất là khi ngành Ngân hàng đang dịch chuyển sang hướng ngân hàng bán lẻ. Trong đó, thu nhập dịch vụ của ngân hàng tăng lên chủ yếu đang nhờ tăng trưởng cao của phí giao dịch, bảo lãnh, cùng với các dịch vụ giá trị gia tăng khác như bảo hiểm, môi giới, bán chéo, thẻ tín dụng và ngân hàng số.

nguoi tieu dung huong loi xu huong tai chinh moi
HDBank và MB đang có xu hướng tăng trưởng nhanh trong mảng dịch vụ

Trước đây, khi nói đến nguồn thu từ dịch vụ thì ACB và MB luôn được giới chuyên môn cho là các ngân hàng có thu nhập từ dịch vụ cao nhất. Còn ngân hàng có mức thu từ dịch vụ thấp nhất rơi vào HDBank. Thế nhưng, tình thế đang có xu hướng đảo ngược khi HDBank mới đây lại công bố là ngân hàng có đà tăng trưởng thu nhập dịch vụ cao nhất trong 9 tháng đầu năm 2018. Các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng thu nhập dịch vụ cao tiếp theo tính đến thời điểm này là MB và VietinBank. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp của thu nhập dịch vụ tại ACB, Vietcombank và BIDV đang có xu hướng giữ nguyên.

Cụ thể, nếu như mặc dù thu nhập dịch vụ của HDBank chỉ đóng góp 1,9% vào thu nhập hoạt động trong 9 tháng năm 2017, thì tỷ trọng này đã tăng lên 2,6% trong cả năm 2017 và 5,0% trong 9 tháng/2018. Điều này là nhờ tăng trưởng mạnh trong hoạt động môi giới bảo hiểm, vốn chiếm trên 60% thu nhập dịch vụ của HDBank. Với mức tăng trưởng thu nhập dịch vụ rất cao trong 9 tháng/2018 (lên hơn 3 lần), thị trường có thể kỳ vọng rằng ngân hàng này sẽ tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng thu nhập dịch vụ khi tăng trưởng khoảng 150% trong năm 2018 và 70% trong năm 2019.

Về phía MB, trong 9 tháng/2018, việc đẩy mạnh hoạt động của công ty bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life đã giúp ngân hàng này tăng trưởng thu nhập từ bảo hiểm (tăng 220,6% so với cùng kỳ), từ đó đóng góp vào tăng trưởng vượt trội của thu nhập dịch vụ (tăng 62,9% so với cùng kỳ). Thay vì tìm kiếm đối tác hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền, MB cam kết lâu dài với liên doanh bảo hiểm nhân thọ của chính họ. Do đó, MB nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn thay vì thu về những khoản thu nhập bất thường trong ngắn hạn. Tăng trưởng thu nhập dịch vụ của MB được dự đoán sẽ đạt 80% trong năm 2018 và 50% trong năm 2019, nhờ tăng trưởng thu nhập từ kinh doanh bảo hiểm.

Trong khi đó, trong 9 tháng đầu năm 2018, thu nhập dịch vụ thuần của VietinBank tăng 55% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 7,5% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng. Với việc đưa vào hoạt động hệ thống ngân hàng lõi công nghệ cao vào tháng 2/2017, VietinBank đã có thêm điểm tựa vững chắc để đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ của mình, đồng thời nâng cao khả năng phát triển các sản phẩm dịch vụ dành cho khách hàng SME, cá nhân và quan trọng hơn là đưa VietinBank trở thành ngân hàng thanh toán của thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn từng là sân chơi riêng của BIDV trước đây. Vì vậy, VietinBank đang rất tự tin khi nói rằng thu nhập dịch vụ sẽ tăng trưởng 50% trong năm 2018 và 25-30% mỗi năm trong 3 năm tới nhờ tăng trưởng của phí dịch vụ, thẻ ngân hàng, bảo hiểm, phí giao dịch và chứng khoán.

Với ACB, Vietcombank và BIDV, mặc dù có tốc độ tăng trưởng thu nhập dịch vụ thấp hơn, các ngân hàng này cũng đang có những kế hoạch riêng để thúc đẩy tỷ trọng đóng góp của mảng dịch vụ trong tổng nguồn thu, bao gồm nâng cấp hệ thống, đầu tư và ngân hàng số.

Đơn cử trong năm 2018, ACB đã tăng cường cung cấp dịch vụ trong nhiều hoạt động như giao dịch, thanh toán, đại lý bảo hiểm, bảo lãnh, môi giới chứng khoán và các dịch vụ khác. Về lý thuyết, các ngân hàng đang tập trung nguồn thu phí từ hoạt động bảo hiểm và bảo lãnh sẽ có đóng góp đáng kể vào thu nhập dịch vụ của ngân hàng này từ năm 2018 trở đi. Ngoài ra, ACB cũng đang đầu tư 30-35 triệu USD mỗi năm cho dự án “Ngân hàng tương lai” sẽ triển khai trong giai đoạn 2020-2024. Dự án này sử dụng công nghệ và dữ liệu lớn (big data) để củng cố các hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, bao gồm việc triển khai lắp đặt mạng lưới máy nạp tiền tự động (CDM).

Còn đối với Vietcombank, hoạt động dịch vụ cũng được thúc đẩy nhờ tăng cường bán chéo sản phẩm. Ngoài ra, Vietcombank sẽ chính thức triển khai hệ thống ngân hàng lõi mới từ năm 2019, với kỳ vọng phục vụ tốt hơn cho các khách hàng thuộc phân khúc bán lẻ. Theo đó, dự kiến thu nhập dịch vụ tại ACB và Vietcombank sẽ tăng trưởng 30% trong năm 2019.

BIDV thì có mức tăng trưởng thu nhập dịch vụ thấp nhất trong số các ngân hàng lớn hiện nay. Dẫu vậy, BIDV cũng đang có kế hoạch nâng cấp hệ thống lõi từ cuối năm nay hoặc năm sau. Thông qua hình thức đầu tư này, thu nhập dịch vụ của ngân hàng có thể sẽ tăng trưởng nhanh hơn sau khi ngân hàng hoàn thiện dự án này, dù sẽ chậm hơn một chút so với các ngân hàng khác nhưng đây cũng là một kế sách hoàn hảo trong bối cảnh cạnh tranh bán lẻ tài chính hiện nay. Có điều, đối với BIDV, kế hoạch này cũng có thể sẽ gây áp lực lên tỷ lệ chi phí/thu nhập của BIDV trong thời gian tới.

Cũng cần lưu ý rằng chỉ còn Vietcombank và BIDV (giả sử ngân hàng này thoái vốn khỏi BIDV Metlife) là hai ngân hàng có tiềm năng thu được thu nhập bất thường cao từ hợp đồng hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền với các công ty bảo hiểm.

Tựu chung lại, trong thời gian ngắn nữa thôi, thị trường sẽ chứng kiến một cuộc tổng tấn công của các nhà băng vào mảng dịch vụ để tăng thu nhập từ dịch vụ của họ. Đối với người tiêu dùng, việc các ngân hàng đẩy mạnh chiến lược khai thác tiềm năng thì họ là người được hưởng lợi cũng không ít.

Đơn cử, phần lớn các ngân hàng đều có động thái khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại và các sản phẩm bảo hiểm bằng rất nhiều hình thức khuyến mãi, quà tặng đi kèm. Tuy mức độ có thể khác nhau giữa các ngân hàng tùy vào lợi thế và chiến lược riêng của họ, nhưng có thể khẳng định, phần lớn người gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng đều đang được tặng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế miễn phí thay vì phải bỏ tiền ra mua tại các công ty bảo hiểm thông thường.

Hay đối với sản phẩm thanh toán tiện lợi trên các ứng dụng điện tử bằng QR pay, khách hàng không phải trả bất cứ loại phí nào mà lại được xài công nghệ thanh toán siêu bảo mật tốt nhất từ trước đến nay. Đây cũng được xem là cuộc cách mạng mới trong thanh toán di động hiện nay. Theo đó, chỉ với một thao tác quét mã QR bằng ứng dụng Mobile Banking, khách hàng có thể thanh toán ngay trong tích tắc mà không cần nhập thông tin thẻ hay tài khoản phiền phức nào.

Không chỉ vậy, đối với những ngân hàng nâng cấp công nghệ thì khách hàng của họ còn có thể quản lý tài khoản, chuyển khoản, tiết kiệm online, thanh toán các loại hóa đơn… nhanh chóng miễn phí. Tất cả những điều này nói lên rằng, mỗi một thay đổi của ngân hàng trong thời điểm hiện tại hay trong dài hạn, không tính các khoản thu nhập mà ngân hàng sẽ hưởng, chỉ đứng về phía người tiêu dùng có thể thấy họ chính là người được hưởng lợi lớn nhất từ sự chuyển đổi hoạt động này…

Anh Nguyễn

Tin đọc nhiều