Người Việt sử dụng truyền thông để mua sắm

14:43 | 22/08/2018

Tổng đầu tư cho quảng cáo truyền thông của doanh nghiệp Việt năm 2018 dự báo lên đến 68 nghìn tỷ đồng.

Xu hướng dựa vào quảng cáo truyền thông (truyền hình, báo chí, mạng xã hội…) để mua sắm của người tiêu dùng Việt ngày càng lớn ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn. Nắm bắt nhu cầu này, các DN cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua truyền thông.

nguoi viet su dung truyen thong de mua sam
DN có thể đầu tư vào truyền thông để đưa thương hiệu của mình đến gần người tiêu dùng hơn

Dự báo, đến cuối năm 2018, tổng mức đầu tư của DN Việt Nam về quảng cáo truyền thông giá trị lên đến 68 nghìn tỷ đồng (tương đương 3 tỷ USD). Đây là kết quả khảo sát mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam vừa công bố.

Theo ông David Anjoubault - Tổng giám đốc Kantar Worldpanel Việt Nam, trước đây DN sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng thường cho rằng, quảng bá sản phẩm qua truyền thông tại Việt Nam là bỏ đi một nửa số tiền chi cho quảng cáo. Tuy nhiên, hiện điều này đã không còn đúng nữa vì những tác động của truyền thông đang ảnh hưởng nhiều đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Cụ thể, các DN đánh giá, hiệu quả trung bình từ chiến dịch truyền thông đóng góp đến 4,5% tổng doanh số trong suốt chiến dịch. Trong tổng số người quan tâm đến quảng cáo của thương hiệu thì có 1/3 sẽ trở thành người mua mới của thương hiệu đó.

Tivi vẫn là kênh truyền thông quan trọng nhất đối với người mua sắm hàng tiêu dùng nhanh tại 4 thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ) và cả thị trường nông thôn. Trong đó, độ phủ và tần suất xem quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của người dân ở thành thị cao hơn 17% so với kênh thứ hai là kênh trực tuyến.

Thống kê cũng cho thấy, thói quen sử dụng kênh truyền thông của người quyết định mua sắm chính tại Việt Nam là 98% người xem quảng cáo trên tivi trong 2,8 giờ/ngày; 97% xem lướt quảng cáo ngoài trời trong 9 phút/ngày; 79% người xem quảng cáo trên internet trong 30 phút/ngày; 33% người xem trên báo giấy trong 12 phút/ngày; 16% người xem trên các loại tạp chí thời trang… trong 6 phút/ngày…

Đối tượng mua sắm hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là phụ nữ nội trợ. Và những người nội trợ Việt Nam trên 40 tuổi hiện nay dành đến 4 giờ/ngày để lên mạng, có kèm lựa chọn mua sắm qua các trang quảng cáo online, trong đó 63% là phụ nữ sống ở khu vực thành thị và 48% phụ nữ sống khu vực nông thôn. Hành vi quyết định mua sắm của đối tượng phụ nữ nội trợ cũng rất nhanh chóng, họ xem quảng cáo sản phẩm mà họ đang quan tâm từ 3 - 4 kênh truyền thông là đưa ra quyết định mua ngay.

Các kênh truyền thông khác như báo giấy, tạp chí tuy không còn hưng thịnh nữa, nhưng độ phủ quảng cáo trên báo giấy là 33% và tạp chí là 16%. Ở các vùng nông thôn còn loa phát thanh, có thể tiếp cận đến 76% người quyết định mua sắm chính nhờ vào các hoạt động của trung tâm văn hóa phường, xã còn sử dụng loa phát thanh. Nhất là ở khu vực phía Bắc là khu vực có mức độ tiếp cận cao nhất với truyền thông bằng loa phát thanh.

Yếu tố vùng miền khi theo dõi quảng cáo sản phẩm của người tiêu dùng Việt cũng có sự khác biệt rõ ràng. Cụ thể, ở thành thị điểm khác biệt giữa hai thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh dành thời gian cho nhiều kênh truyền thông hơn (tivi, báo giấy, tạp chí…) trong khi người Hà Nội lại dành thời gian cho kênh trực tuyến (báo mạng, mạng xã hội và các ứng dụng tin nhắn) nhiều hơn.

Đặc biệt, người dân khu vực TP. Hồ Chí Minh đến thời điểm hiện tại vẫn có tỷ lệ sử dụng báo giấy và tạp chí nhiều nhất. Ở khu vực nông thôn, miền Nam là khu vực có tỷ lệ thời lượng sử dụng kênh trực tuyến cao nhất và cũng là nơi duy nhất mà thời gian trung bình trong một ngày dành cho kênh trực tuyến cao hơn cả tivi…

Điều này cho thấy, thói quen sử dụng truyền thông của người tiêu dùng Việt Nam trong quyết định mua sắm đã rất phổ biến. DN có thể đầu tư vào truyền thông để đưa thương hiệu của mình đến gần người tiêu dùng hơn.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều