Nhà băng “nối đuôi” mở rộng mạng lưới

12:00 | 29/10/2018

Vài năm trở lại đây, đa phần ngân hàng tập trung đẩy mạnh thị trường bán lẻ, chiến lược chung là mở rộng độ phủ. Mặc dù có những ngân hàng đang dần chuyển hướng sang phát triển ngân hàng số, giảm thiểu phòng giao dịch, song cũng vẫn có không ít ngân hàng tích cực nâng cao sự hiện diện của mình cả trong và ngoài nước.

Mới đây, Nam A Bank cho biết NHNN đã chấp thuận cho ngân hàng này được phép thành lập tới 30 phòng giao dịch, 5 chi nhánh ở 5 tỉnh Quảng Ninh, Long An, Đắk Nông, An Giang, Tiền Giang. Thời gian mở các chi nhánh, phòng giao dịch trong vòng 12 tháng, đồng nghĩa kéo dài sang cả năm 2019.

Kienlongbank cũng vừa khai trương 2 phòng giao dịch tại Bình Định và chi nhánh Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Ngân hàng này được NHNN chấp thuận thành lập mới 17 chi nhánh, phòng giao dịch trong năm 2018.

nha bang noi duoi mo rong mang luoi
Gia tăng sự hiện diện nằm trong chiến lược đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ của SHB

SHB cũng đã chính thức khai trương chi nhánh Nam Định, Hải Dương, Sơn La. Trước đó ACB được chấp thuận thành lập 12 phòng giao dịch mới ở 12 tỉnh, Techcombank được thành lập thêm 1 phòng giao dịch tại Tam Điệp, Ninh Bình và một chi nhánh mới tại Hải Phòng. Vào tháng 8/2018, OCB được chấp thuận mở thêm 2 phòng giao dịch, 5 chi nhánh, chủ yếu ở khu vực miền Bắc và Tây Nguyên...

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB – ngân hàng vừa tăng cường sự hiện diện tại khu vực Tây Bắc với việc khai trương chi nhánh Sơn La ngày 24/10 - cho biết, việc mở thêm chi nhánh là cơ hội để các nhà băng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ tiện ích, đa năng, cạnh tranh trên mọi đối tượng khách hàng nhằm đáp ứng một phần nhu cầu đa dạng của khách hàng. Việc mở rộng quy mô hoạt động song song với việc không ngừng xây dựng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, đặc thù địa bàn sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và giúp ngân hàng tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ theo hướng hiện đại.

Một chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng nhận thấy, việc các ngân hàng gia tăng sự có mặt của mình cũng là nhân tố mới để giúp thu hút các dự án đầu tư. Sự kiện đáng chú ý gần đây là Vietcombank khai trương ngân hàng con tại Lào, tập trung vào đối tượng khách hàng DN Việt Nam có đầu tư kinh doanh tại Lào, các DN nhà nước của Lào. Theo thống kê của Vietcombank, tính tới hết tháng 9 (chỉ sau 3 tháng hoạt động), Vietcombank Lào đạt doanh thu hơn 1 triệu USD. Tiếp sau Vietcombank Lào, ngân hàng này cũng đang hoàn tất thủ tục mở văn phòng đại diện tại Mỹ, chi nhánh tại Australia.

Với mục tiêu có thể cung cấp nhiều hơn dịch vụ ngân hàng cho các DNNVV, hộ sản xuất, cá nhân... ở các địa phương nhằm phát triển sản xuất hàng hoá, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, nâng cao thu nhập và đời sống dân cư, chủ trương của NHNN là vẫn tăng cường mở rộng mạng lưới hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, phát triển tài chính vi mô cũng như mở rộng mạng lưới của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là kênh tín dụng đối với người dân nghèo, người thu nhập thấp và ở vùng sâu, vùng xa.

“Các ngân hàng mở thêm các chi nhánh cần phải quan tâm, dành nguồn vốn đầu tư tín dụng phục vụ cho phát triển nông thôn, cho vay xây dựng nông thôn mới và các lĩnh vực ưu tiên DNNVV... đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương, giúp hệ thống ngân hàng ngày càng an toàn, vững mạnh”, chuyên gia cho hay.

Lãnh đạo một NHTMCP chia sẻ thêm, nhiều nhà băng đang chuyển từ kênh giao dịch tại quầy sang kênh phân phối tự động. Các sản phẩm dịch vụ đã triển khai chủ yếu tại các kênh truyền thống sẽ dần được chuyển dịch, mở rộng cung ứng theo hướng đa kênh, đặc biệt ưu tiên với kênh phân phối tự động. Ông Nguyễn Việt Hải - Trưởng ban Nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ Agribank cho biết, ngân hàng này đã và đang tập trung nghiên cứu, triển khai các sản phẩm dịch vụ hướng tới đối tượng khách hàng cá nhân, hộ nông dân, DNNVV. Theo đó, nghiên cứu phát triển các gói sản phẩm riêng biệt cho nhóm khách hàng trong mô hình chuỗi liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chính sách tín dụng xanh. “Đi đôi với nâng cao năng lực cạnh tranh hệ thống mạng lưới chi nhánh, ngân hàng chú trọng phát triển và đa dạng hoá các kênh phân phối điện tử, tự động phù hợp với xu thế phát triển dịch vụ trong môi trường công nghệ mới, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của khách hàng”, ông Hải chia sẻ.

Tạo thuận lợi hơn cho khách hàng tiếp cận sử dụng dịch vụ tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều ngân hàng có chi nhánh, phòng giao dịch ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã nghiên cứu triển khai gói sản phẩm dịch vụ gắn kết giữa tiền gửi – thanh toán – tín dụng. Đặc biệt nâng cao chất lượng công tác khách hàng về tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, tối ưu quy trình thủ tục, giấy tờ...

Việc mở rộng mạng lưới ở địa phương thưa dân cư sẽ là thách thức cho ngân hàng về bài toán chi phí đầu tư. Bởi thực tế, việc mở chi nhánh, phòng giao dịch tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thì hiệu quả hoạt động, lợi nhuận rất khó để theo kịp với các chi nhánh tại thành phố lớn, khu đông dân cư. Song cũng phải nói thêm rằng, “mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính tới các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa trong tương lai sẽ bớt phần khó khăn hơn nếu các ngân hàng biết tận dụng ứng dụng công nghệ hiện đại, chi phí theo đó sẽ giảm thiểu đi đáng kể”, chuyên gia chia sẻ.

Minh Khôi

Tin đọc nhiều