Nhiều hình thức huy động vốn về cuối năm

09:38 | 24/07/2019

Trên thực tế, cuộc tăng lãi suất không chỉ diễn ra ở các ngân hàng nhỏ mà cả các ngân hàng lớn trên thị trường trước nay ít tăng lãi suất theo xu hướng cũng tăng lãi suất tiết kiệm thời điểm này...

Cơ hội huy động vốn quốc tế
Huy động vốn và tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng ổn định
nhieu hinh thuc huy dong von ve cuoi nam
Tăng lãi suất tiết kiệm các ngân hàng muốn người gửi tiền gửi kỳ hạn dài

Từ đầu tháng 7/2019, những sản phẩm gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thường xuyên được điều chỉnh lãi suất tăng. Lãi suất tiết kiệm trong 1 tháng trở lại đây tăng lên cũng tập trung nhiều vào các kỳ hạn dài, từ 12 tháng trở lên. Theo một lãnh đạo NHTM tại TPHCM, vào thời điểm cuối năm, nhu cầu thanh toán, chi trả, giải ngân… tăng cao, thanh khoản hệ thống đòi hỏi đáp ứng những dòng chảy lớn, lãi suất huy động hàng năm thường tăng lên vào những tháng cuối năm có tính mùa vụ.

Ghi nhận tại Nam A Bank, huy động tiền gửi tiết kiệm trực tuyến cao nhất của NH này đã lên mức 8,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Các kỳ hạn từ 12-24 tháng cũng được NH điều chỉnh từ 8,3%/năm trở lên.

Tại các NHTMCP vừa và nhỏ khác cũng đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12-36 tháng tăng cao khiến thị trường lãi suất ngày càng trở nên hấp dẫn. Chẳng hạn như Bản Việt, huy động ở kỳ hạn 24-36 tháng lãi suất từ 8,6%/năm; tại PGBank 8,5%/năm; SCB là 8,3%/năm; VietBank 8%/năm… Góp phần cho sự sôi động của lãi suất tiền gửi hiện phải kể đến các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi của VietABank khi NH này đẩy lãi suất huy động lên đến 9,1%/năm…

Trên thực tế, cuộc tăng lãi suất không chỉ diễn ra ở các ngân hàng nhỏ mà cả các "ông lớn" trên thị trường trước nay ít tăng lãi suất theo xu hướng như BIDV, Vietcombank, SHB, Techcombank, Sacombank… cũng tăng lãi suất tiết kiệm thời điểm này, cùng với đó là nhiều chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng hấp dẫn.

Cụ thể, ở kỳ hạn trung và dài hạn, BIDV nâng lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 6,9% lên 7%. Vietcombank, VietinBank công bố mức 0,1%/năm cho tiền gửi không kỳ hạn, trong khi Agribank ở mức 0,2%. SHB thì công bố lãi suất huy động từ 8,5%/năm nhưng có kèm theo điều kiện gửi là khoản tiền phải thật lớn, VIB tăng lãi suất cho kỳ hạn 12-13 tháng từ 8,4%, VPBank áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24 tháng từ 8%, Techcombank cũng điều chỉnh lãi suất ở kỳ hạn này thêm 0,1%...

Lãi suất huy động trung và dài hạn tại các NHTMCP đang có sự bứt phá rất tích cực. Tính trung bình thì lãi suất ở kỳ hạn từ 12-36 tháng tại các NH đều xoay quanh mức 8-9% tùy từng hình thức gửi.

Về phía các NH, mỗi một NH đều có lý do riêng để điều chỉnh lãi suất huy động tăng. Nhưng nhìn chung, việc tăng lãi suất huy động thời điểm này là điều bắt buộc mà các NH phải làm. Một lãnh đạo NHTMCP cho biết, với mặt bằng lãi suất huy động hiện nay, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của nhiều NH khá thấp nhưng nhóm NH này không có nhiều sự lựa chọn.

Trong đó, với quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN, các NH phải chủ động tìm nguồn vốn dài hạn để cho vay. Nếu NHTM có vốn cổ phần nhà nước chi phối lợi thế hơn nhờ nguồn tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước, tiền gửi không kỳ hạn của các DN lớn. Trong khi đó, các NHTMCP tư nhân lại chủ yếu dựa vào huy động từ dân cư nên giá vốn có phần cao hơn các NHTM có vốn cổ phần nhà nước.

Song, các NHTMCP tư nhân còn mở ra nhiều sản phẩm khác nhau để huy động vốn như phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao với các hình thức linh hoạt trong việc rút vốn để thu hút người gửi tiền. Một số NH còn đưa ra rất nhiều dịch vụ tiện ích kèm theo để người gửi tiền tiết kiệm có thêm lựa chọn.

Ví dụ khách hàng gửi tiền tại SHB, khi cần tất toán trước hạn, được phép cầm cố sổ tiết kiệm với lãi suất chỉ từ 1%, hay tại NH Nam Á, nếu có nhu cầu chính đáng trong việc rút một phần tiền trước hạn, sẽ không bị thu phí phạt như trước đây mà vẫn được hưởng lãi suất không kỳ hạn.

Tương tự, khi gửi tiền ở HDBank cũng vậy, nếu khách hàng tham gia gửi khoản tiết kiệm theo chương trình “Bách niên - Phát tài” kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, ngoài việc hưởng lãi suất ưu đãi còn được lĩnh lãi suất linh hoạt theo tháng. Ngoài ra, nếu cần tiền gấp, người gửi tiền tiết kiệm sẽ được vay lại với lãi suất cao hơn khoảng 1,5% (tùy thời hạn vay, kỳ hạn gửi) so với lãi tiết kiệm.

Trên thị trường, một số NH khác như VPBank, VIB, LienVietPostBank cũng đang có những gói gửi linh hoạt, cho phép khách hàng thỏa thuận lãi suất nếu có nhu cầu rút tiền trước thời hạn... Sự thay đổi trong hình thức gửi và cách tính lãi suất của các NH hiện nay cho thấy sản phẩm dịch vụ tài chính đang ngày càng trở nên thân thiện hơn, kích thích tâm lý gửi tiền kỳ hạn dài của khách hàng cá nhân.

Minh Thiên

Tin đọc nhiều