Những động cơ không đồng tốc

14:00 | 25/03/2016

Đổi mới lớn nhất của luật có thể bị vô hiệu nếu không sớm “trảm” điều kiện kinh doanh vô lý.

Luật DN và Luật Đầu tư 2014: NH cần có cách tiếp cận mới
Cú hích cho đội ngũ doanh nghiệp
Tập trung giải quyết các điều kiện kinh doanh trái với luật sửa đổi

Tinh thần cải cách chảy không đều

Cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh có lẽ đang là bộ phận tham gia tích cực nhất vào quá trình cải thiện MTKD, bằng việc rút ngắn tối đa thời gian khai sinh của DN.

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) dẫn chứng, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai hình thức đăng ký kinh doanh qua tổng đài 1080 được 1 tháng nay. Cán bộ phòng đăng ký kinh doanh sẵn sàng ngồi trực điện thoại và khai hồ sơ hộ DN. Cùng với các hình thức đăng ký trực tiếp, đăng ký qua mạng, thành lập DN tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay chỉ mất 4 ngày, dù khối lượng hồ sơ đăng ký lên tới 1.200 bộ/ngày.

nhung dong co khong dong toc
Ảnh minh họa

Hoặc như TP. Huế cũng triển khai mọi biện pháp để vận động DN đăng ký kinh doanh qua mạng. Nếu DN không thể tự làm, thì khi tìm đến phòng đăng ký kinh doanh, cán bộ quản lý sẽ cùng ngồi hỗ trợ DN kê khai thông tin trực tiếp trên máy. Nhờ đó hiện nay TP. Huế là địa phương duy nhất đã đăng ký kinh doanh 100% qua mạng.

“Tinh thần đổi mới của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã đi vào cuộc sống. Chúng tôi xuống các tỉnh thấy không khí khác hẳn, nhiều tỉnh triển khai công việc rất quyết liệt, thậm chí coi đây là nhiệm vụ trọng tâm”, ông Tuấn hồ hởi nói.

Tuy nhiên, chỉ có nỗ lực từ cơ quan đăng ký kinh doanh thôi là chưa đủ. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn nằm ở điều kiện kinh doanh chưa được kiểm soát, dù các tuyên bố đưa ra rất mạnh mẽ. Nhiều văn bản quy định các điều kiện kinh doanh vẫn tiếp tục được ban hành, can thiệp vô lý vào quyền tự do kinh doanh của DN, trong khi các quy định cũ thì vẫn tồn tại do chưa thể có cách tuyên bố vô hiệu.

Chẳng hạn Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in, trong đó quy định DN in không được quyền hợp tác với cơ sở khác thực hiện chế bản gia công sau in. Cụ thể là DN in buộc phải tự thực hiện từ A đến Z các công đoạn sản xuất một sản phẩm in, bao gồm cả đóng gáy, làm bìa…

Trong khi từ trước tới nay các công đoạn gia công này thường được DN in hợp tác với một đơn vị khác để cùng thực hiện. “Phản hồi với chúng tôi, DN cho biết họ phát khùng vì quy định này”, ông Tuấn bức xúc. Bởi từ trước tới nay mỗi DN thực hiện một mảng công việc, mức độ chuyên môn hoá rất cao. Khi quy định ra đời, DN đã nhận hợp đồng in không được chuyển nhượng cho đơn vị khác nữa, như vậy là can thiệp quyền tự do kinh doanh rất lớn.

Hay một số quy định chưa rõ ràng, dù nhỏ song ngay từ khâu đăng ký kinh doanh cũng gây nhiều phiền hà cho DN. Chẳng hạn quy định DN không được đăng ký tên trùng tên danh nhân, nhưng lại chưa có quy định thế nào là danh nhân, ai được coi là danh nhân, dẫn tới các xử phạt hành chính do vi phạm quy định này đã xảy ra tương đối nhiều.

Lo các bộ “nhìn nhau” lấn luật

Những hành xử không nhất quán giữa các cơ quan quản lý cho thấy tinh thần cải cách của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới cho tới nay vẫn chưa chảy đều xuống các bộ, ngành, địa phương. Đây cũng là vấn đề khiến các thành viên trong Tổ Công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đau đầu nhất hiện nay, theo ghi nhận tại kỳ họp lần thứ 2 của tổ do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh chủ trì.

Có thể thấy, tuyên bố và tinh thần chung của luật thì rõ nhưng hiện vẫn chưa có thiết chế nào giám sát việc ban hành các quy định dưới luật một cách đồng bộ. Do đó trong khi các cơ quan đăng ký kinh doanh cố gắng tạo mọi thuận lợi để DN được hưởng quyền tự do kinh doanh thì các cơ quan khác vẫn đặt ra các thủ tục, điều kiện kinh doanh, thi hành cứng nhắc các quy định. Điều này cho thấy cùng một cỗ máy nhưng chỉ một động cơ tăng tốc thì vẫn khó kéo các động cơ có sức ì lớn còn lại.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương lo ngại, từ khi 2 bộ luật này có hiệu lực, đã có 6 thông tư được ban hành bởi 4 bộ là trái thẩm quyền. Lo ngại lớn nhất là một khi không sớm dập tắt tình trạng ban hành quy định vô lối, các bộ sẽ nhìn nhau để tiếp tục tìm cách “cài cắm” quy định cản trở quyền kinh doanh bằng thẩm quyền của chính người đứng đầu bộ. Và như vậy một trong những đổi mới lớn nhất của Luật Đầu tư là bãi bỏ các điều kiện kinh doanh vô lý, có thể sẽ sớm bị vô hiệu hoá.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều