Những nhịp cầu mềm mại

08:11 | 08/03/2019

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Thời báo Ngân hàng trân trọng giới thiệu một số ý kiến và câu chuyện của nữ doanh nhân trong và ngoài Ngành, những người góp phần làm cầu nối giữa ngân hàng với DN trên hành trình phát triển của ngành Ngân hàng nói riêng và đất nước nói chung.

Tạp chí Forbes Việt Nam vừa chính thức công bố danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019.

Trong lần bình chọn này, bên cạnh các lĩnh vực chính trị, khoa học giáo dục, hoạt động xã hội… thì kinh doanh vẫn là lĩnh vực tiếp tục có sự đóng góp của nhiều gương mặt nhất, với 20 nữ lãnh đạo hàng đầu. Đây cũng là đặc tính của thương hiệu Forbes vốn tập trung vào mảng kinh doanh và kinh tế. So với các danh sách trước, có 30% là những cái tên mới lần đầu tiên góp mặt.

nhung nhip cau mem mai

Trong danh sách này, ngành Ngân hàng có 3 gương mặt được vinh danh, đó là Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng (ở lĩnh vực chính trị) và 2 gương mặt thuộc lĩnh vực kinh doanh là bà Thái Hương - Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, nhà sáng lập Tập đoàn TH và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank, Tổng giám đốc VietJet Air.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Thời báo Ngân hàng trân trọng giới thiệu một số ý kiến và câu chuyện của nữ doanh nhân trong và ngoài Ngành, những người góp phần làm cầu nối giữa ngân hàng với DN trên hành trình phát triển của ngành Ngân hàng nói riêng và đất nước nói chung.

Không có sự khác biệt giới tính trong lãnh đạo ngân hàng:

Phó tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng

nhung nhip cau mem mai
Bà Nguyễn Thị Phượng

Theo tôi, trong công tác lãnh đạo, điều hành và giải quyết công việc không có sự phân biệt giới tính. Dù là phái yếu hay phái mạnh, tất cả đều đặt công việc làm trung tâm. Trong quá trình công tác, tôi may mắn được đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau và phụ trách nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau như: tín dụng, thanh toán, ngoại hối, nghiên cứu phát triển dịch vụ sản phẩm, ngân quỹ, ngoại hối, kiểm soát nội bộ, quan hệ báo chí và truyền thông... Từ trải nghiệm đó, tôi nhận thấy rằng, ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi những nỗ lực cá nhân rất lớn để nắm vững chuyên môn, từ đó mới đưa ra sự chỉ đạo điều hành có hiệu quả đối với công việc được phân công phụ trách và kiểm soát được các rủi ro trọng yếu. Phải khẳng định rằng, năng lực chuyên môn và tính quyết đoán là 2 yêu cầu căn bản và cốt lõi nhất đối với các vị trí lãnh đạo của NHTM. Vì vậy, không có chỗ cho sự khác biệt giới tính.

Theo tôi, lợi thế duy nhất của lãnh đạo nữ so với nam giới là sự tinh tế và nhạy cảm nên thường khéo léo hơn trong việc ứng phó đối với các tình huống phức tạp. Trong mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp dưới thì bản năng giới tính giúp chị em có sự chia sẻ và thấu hiểu hơn nên tạo được sự đồng thuận, thống nhất và đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ở Việt Nam, ngành Ngân hàng có số lao động nữ chiếm tỷ lệ cao. Nữ giới nắm giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo cũng ngày một tăng cả ở NHTW và các NHTM.

Điều này chứng tỏ phụ nữ hiện nay đóng vai trò rất quan trọng trong vận hành và phát triển hệ thống ngân hàng.

Thanh Huyền

Cần lắm sự chia sẻ của gia đình:

Tổng giám đốc công ty Đại Phúc Land Nguyễn Thị Thanh Hương

nhung nhip cau mem mai
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương

Là phụ nữ, không ai dám tự nhận mình quá tài giỏi để có thể cùng lúc vừa quán xuyến lo chu toàn cho gia đình, vừa đảm đương tốt việc ở công ty. Nhất là đối với những người phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo tại DN, đơn vị kinh doanh có hàng trăm nhân sự, hoạt động trong bối cảnh thương trường luôn biến động, thay đổi từng ngày, từng giờ. Chính vì thế, họ rất cần sự cảm thông, chia sẻ từ gia đình, chồng con, đồng nghiệp để có thể gánh vác được trọn vẹn cùng lúc cả việc công ty và việc gia đình.

Chỉ khi nguồn lực của người phụ nữ được san sẻ, động viên một cách tích cực, kịp thời từ những người thân yêu thì mới có thể biến thành động lực, sức mạnh được. Ngoài ra, cũng cần thay đổi suy nghĩ đã sinh ra là phụ nữ thì luôn phải căng sức “gánh gồng” lo toan mọi việc một cách chu toàn, hoàn hảo.

Thực tế, đòi hỏi đối với người lãnh đạo, “cầm quân” tại bất kỳ một DN nào là phải giỏi chuyên môn, có tầm nhìn chiến lược, bởi mỗi quyết định đưa ra của người đứng đầu sẽ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của hàng trăm con người, thậm chí tác động trực tiếp đến sự thịnh, suy của một DN. Điều này càng trở nên khó khăn hơn với một nữ lãnh đạo.

Thời gian gần đây, vai trò lãnh đạo của người phụ nữ trong xã hội đang ngày được đề cao. Rất nhiều tập đoàn, DN lớn trên thế giới có xu hướng tìm kiếm những CEO nữ giỏi. Với đặc thù về giới tính, thường nữ giới có tố chất của sự mềm mỏng, khéo léo, biết cách ứng xử, không quá cứng nhắc và thường thấu hiểu được tâm lý không chỉ của đối tác mà cả những nhân viên cấp dưới để có thể điều hành, cũng như đưa ra những quyết định phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể.

Riêng trong lĩnh vực phát triển dự án, kinh doanh bất động sản, không có nhiều “nữ tướng” tham gia với vai trò lãnh đạo, dẫn dắt DN, bởi lĩnh vực này mang tính chuyên môn, đặc thù phù hợp với nam giới, áp lực công việc cao, đòi hỏi luôn phải có những quyết sách táo bạo, nhanh nhạy, sắc bén. Tuy nhiên, có những lãnh đạo nữ tại DN BĐS đã gặt hái được khá nhiều thành công không chỉ bằng năng lực, trình độ chuyên môn cao của bản thân mà còn bởi họ biết phát huy thế mạnh thực sự của phái nữ khi làm chủ.

Nguyễn Hiếu

Triết lý định vị thương hiệu từ chữ “thật”:

Bà Thái Hương - Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, nhà sáng lập Tập đoàn TH

nhung nhip cau mem mai
Bà Thái Hương

Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Trong đó, bà Thái Hương - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH được vinh danh là gương mặt phụ nữ nổi bật trong lĩnh vực kinh doanh và hoạt động xã hội. Đây là lần thứ 3 liên tiếp "người đàn bà sữa" được vinh danh trong danh sách này, trước đó là vào các năm 2016, 2017, 2019.

Hội đồng bình chọn của Forbes Việt Nam nhận định, bà Thái Hương là người có sức ảnh hưởng đến ngành sữa Việt Nam. Sự ra đời của TH giúp thúc đẩy thị trường cạnh tranh về chất lượng và gia tăng sự quan tâm đến chăn nuôi bò sữa để phát triển nguyên liệu sữa tươi phục vụ sản xuất.

Nhờ đó, tỷ lệ sữa nước chế biến từ sữa tươi nguyên chất trên thị trường Việt đã tăng từ 8% năm 2009 lên 30% năm 2016. Tới năm 2019, tỷ trọng sữa tươi trong ngành đã tăng trưởng mạnh mẽ đạt 38%.

Những sản phẩm sữa tươi sạch hoàn toàn từ thiên nhiên của TH cũng góp phần thay đổi thị hiếu tiêu dùng sang hướng lành mạnh và tốt cho sức khỏe hơn. Người tiêu dùng chuyển dần từ sử dụng sữa bột (với nhiều chất bổ dưỡng bị mất đi vì qua hai lần xử lý nhiệt) sang sử dụng sữa tươi vẹn nguyên chất dinh dưỡng từ thiên nhiên.

"Những ai theo dõi sự phát triển của TH true Milk sẽ hiểu cách chúng tôi định vị từ chữ 'thật' để làm nên giá trị thương hiệu sản phẩm sữa tươi được yêu mến tại Việt Nam", bà Thái Hương từng chia sẻ như vậy.

Triết lý này được thể hiện ở những nỗ lực của TH trong việc đưa công nghệ cao vào các dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa từ năm 2008. Với số lượng 45.000 con bò nhập khẩu, trang trại TH tại Nghệ An được ghi nhận kỷ lục trang trại bò sữa tập trung, công nghệ cao lớn nhất châu Á vào thời điểm năm 2015.

Sau Nghệ An, tập đoàn tiếp tục phát triển mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Hà Giang, Cao Bằng, Phú Yên, Sóc Trăng. Quy mô đàn bò dự kiến sẽ đạt 137.000 con vào cuối năm 2020. TH cũng đang phát triển mô hình liên kết với nông dân trong chăn nuôi bò sữa với thương hiệu Đà Lạt Milk.

Theo thống kê của tập đoàn, sản phẩm sữa TH true Milk hiện chiếm hơn 40% thị phần sữa tươi tại Việt Nam. TH hiện có 72 loại sản phẩm chế biến từ sữa tươi sạch. Năm 2018, TH đã đạt mức tăng trưởng sản lượng sữa tươi 22%, doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng. Tập đoàn còn xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN. Bên cạnh đó, dự án Tổ hợp chăn nuôi, chế biến sữa công nghệ cao của TH tại Nga có tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD đã được triển khai, đón đàn bò đầu tiên vào tháng 1/2018. Tháng 9/2018, TH khởi công nhà máy chế biến sữa tại tỉnh Kaluga (Nga), tiếp tục định vị thương hiệu từ chữ "thật" và tô đậm thương hiệu sữa Việt trên bản đồ sữa thế giới.

Trong chuyến thăm trang trại TH Nghệ An và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập đoàn TH vào tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, đây là điển hình cho nền sản xuất nông nghiệp 4.0 hiệu quả tại Việt Nam.

Không chỉ có dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Nghệ An, nhiều dự án khác cũng gắn với cái tên của doanh nhân Thái Hương như dịch vụ chăm sóc sức khỏe TH True Care; dự án bảo tồn, phát triển tinh hoa thảo dược nghìn năm của Việt Nam; sản phẩm sữa hạt cao cấp TH true Nut; thức uống lên men từ mầm lúa mạch TH true Malt, nước tinh khiết TH true Water.

Ngoài hoạt động kinh doanh, nhà sáng lập Tập đoàn TH còn thực hiện nhiều hoạt động xã hội, nổi bật là chương trình Sữa học đường Quốc gia. Chương trình được TH khởi xướng và đồng hành cùng Chính phủ trong nhiều năm đã góp phần cải thiện thể lực, tầm vóc trẻ em tại nhiều tỉnh thành.

Qua 10 năm với những hoạt động kinh doanh và xã hội, bà Thái Hương liên tục nhận nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như giải thành tựu nổi bật cho đóng góp cộng đồng; Nữ doanh nhân tiêu biểu ASEAN; Đại sứ Thương mại toàn cầu; Lãnh đạo có trách nhiệm cộng đồng...

"Người đàn bà sữa" cũng được ghi nhận là Lãnh đạo doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội ở châu Á, do tổ chức Enterprise Asia trao tặng vào năm 2018. Bà cũng đã trở thành nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam được trao Giải thưởng "Doanh nhân xuất sắc của năm" của Stevie Awards.

Ngân hàng Bắc Á do bà lãnh đạo cũng mới được Tạp chí International Finance Magazine (IFM) vinh danh là "Ngân hàng Việt Nam tiên phong tư vấn đầu tư các dự án nông nghiệp sạch ở nước ngoài". IFM cũng tôn vinh cá nhân bà Thái Hương là "Lãnh đạo truyền cảm hứng" năm 2018.

Hằng Thu

Tags: #Phụ nữ
Tin đọc nhiều