Nối dài những chuỗi liên kết

15:00 | 03/03/2016

Đi vào con đường hợp tác, liên kết để sản xuất có lợi cho tất cả các bên.

Đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại: Liên kết hay là chết?
Củng cố liên kết chuỗi giá trị
Liên kết để tự tin hội nhập

Lãi suất ngắn hạn ưu đãi 6,5%/năm, thậm chí một số dự án hưởng lãi suất thấp hơn nữa, và được vay tín chấp là những hệ quả tích cực từ chủ trương tháo gỡ khó khăn trong cho vay thí điểm mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, theo tinh thần Nghị quyết 14 của Chính phủ.

Để có được kết quả đó, NHNN đã quyết liệt chỉ đạo các NHTM được phê duyệt tham gia chương trình chủ động phối hợp cùng DN để đẩy mạnh giải ngân vốn vay, thực hiện các dự án theo tiến độ.

noi dai nhung chuoi lien ket
Một hộ nuôi cá tra tham gia mô hình liên kết

Sức hút từ lãi suất thấp

Tại An Giang, sau hơn một năm thực hiện thí điểm “Chuỗi liên kết dọc cá tra” cho thấy, mô hình này đã giải quyết được những khó khăn, bế tắc tồn tại nhiều năm nay đối với lĩnh vực này. Được DN bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với giá cả hợp lý, các hộ dân tham gia chuỗi liên kết cá tra của Công ty TNHH TMDV Thuận An đã giảm chi phí được 500 đồng/kg, có lãi cao gấp đôi so với hộ dân ngoài chuỗi liên kết.

Gia đình ông Lê Quang Vinh ở xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành, An Giang) là ví dụ về hiệu lực chính sách đi vào cuộc sống. Vốn gắn bó với nghề nuôi cá tra từ lâu nhưng thời điểm năm 2008, do nuôi cá tra gặp khó khăn, giá giảm, thua lỗ nặng nên ông Vinh tính chuyện “treo ao”, bỏ nghề nuôi cá. Tháng 9/2014, ông Vinh ký hợp đồng tín dụng với Agribank chi nhánh An Giang với hạn mức 17 tỷ đồng (dư nợ tính đến 31/12/2015 là 13,6 tỷ đồng) quyết gây dựng lại nghề nuôi cá tra.

Đứng giữa khu ao nuôi cá rộng 0,8 ha, ông Lê Quang Vinh hồ hởi cho biết gia đình tham gia chuỗi cho vay liên kết nên không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm.

“Trước đây khi còn nuôi thả tự do, tự kiếm mối bán cá, tôi gặp đủ thứ khó khăn. Có khi bức bách chuyện mua thức ăn cho cá phải vay nóng với lãi suất cao. Cá tới lứa bán phải chạy vạy tìm nơi tiêu thụ… Nay tham gia chuỗi liên kết, cá tới lứa được thu hoạch đưa ngay về nhà máy, chúng tôi không còn phải lo lắng tìm nơi bán. Sau khi DN quyết toán, chúng tôi chỉ việc đến ngân hàng nhận tiền lãi, sau khi đã trừ các chi phí”, ông Vinh cho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Phu, huyện Châu Phú (An Giang) đánh giá: Nếu so sánh giữa nuôi cá tự do với nuôi cá theo liên kết chuỗi thì tôi khẳng định đây là mô hình bền vững. Khi tham gia, nông dân không sợ mua phải thức ăn kém chất lượng mà giá thức ăn cho cá lại giảm.

Ông Phu cho biết thêm, hiện gia đình ông đang vay của Agribank chi nhánh An Giang 22 tỷ đồng để nuôi 4 ao cá trên diện tích 4 ha, với sản lượng khoảng 2.000 tấn cá/vụ. Hai hầm cá sắp đến thời điểm thu hoạch, vụ cá này nhẩm tính với giá thị trường hiện nay khoảng 19 nghìn đồng/kg có thể mang lại cho ông hơn 27 tỷ đồng.

Theo ông Phu, trước đây khó có thể đạt được giá trị như vậy, bởi nhiều khi đến thời điểm thu hoạch cá mà không có ai mua thì từ lãi rất dễ trở thành lỗ. Bởi nếu chậm thu hoạch một ngày, người nông dân sẽ phải bỏ nhiều triệu đồng chi phí cho diện tích nuôi cá tra. Vì thế, tham gia chuỗi liên kết đã giải được mối lo lớn nhất cho người nuôi.

“Kinh nghiệm thực tế trong gần 20 năm qua cho thấy, nếu mãi làm ăn riêng lẻ thì chỉ có thua thiệt mà thôi. Đi vào con đường hợp tác, liên kết để sản xuất có lợi cho tất cả các bên”, ông Phu chia sẻ.

Nỗ lực triển khai

Tham gia chuỗi liên kết, người nông dân được cung cấp từ giống, thức ăn, thuốc men, hỗ trợ kỹ thuật và được DN bao tiêu sản phẩm. Những chuỗi liên kết như vậy được Agribank cho vay thí điểm trong thời gian qua đã tạo điều kiện để gắn kết bền vững nông dân, DN và ngân hàng. Để có được chuỗi liên kết, điểm nghẽn nhiều năm qua là tài sản đảm bảo vay của người dân đã được giải quyết thông qua cơ chế vay tín chấp.

Sau một năm triển khai, chương trình cho vay thí điểm đã đạt được những kết quả tích cực và cho thấy chương trình đã đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ.

noi dai nhung chuoi lien ket
Chế biến cá tra tại Công ty TNHH TMDV Thuận An

8 NHTM được phê duyệt tham gia chương trình cũng đã chủ động phối hợp cùng DN tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn vay thực hiện các dự án theo tiến độ. Tính đến cuối tháng 12/2015, tổng số tiền đã giải ngân theo chương trình là 6.600,85 tỷ đồng, vượt số tiền các ngân hàng đã cam kết cho vay ban đầu (5.627,62 tỷ đồng). Một số DN được chấp thuận mở rộng mức đầu tư. Lãi suất cho vay ngắn hạn hiện các NHTM đang áp dụng là 6,5%/năm, một số dự án có lãi suất thấp hơn ở mức 5,4 - 6,3%/năm.

Tổng giám đốc Công ty TNHH TMDV Thuận An Nguyễn Thị Huệ Trinh cho biết, cơ chế cho vay thí điểm này đã giải quyết được những khó khăn về vốn sản xuất, nhất là khi khách hàng không đủ tài sản bảo đảm để vay vốn nuôi cá.

Hiện nay, khi đầu tư sản xuất cho 1 ha mặt nước nuôi cá tra với sản lượng 350 tấn thì vốn đầu tư cần thiết là trên 7 tỷ đồng. Trong khi đó, theo quy định hiện hành giá trị 1 ha đất nuôi cá khi thế chấp chỉ vay được khoảng 500 - 600 triệu đồng, đáp ứng khoảng 10%. Vì vậy, khi cơ chế cho vay thí điểm chuỗi liên kết được ban hành và triển khai thì khó khăn này đã được giải quyết.

Phó Tổng giám đốc CTCP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) cũng cho biết, nhờ được tiếp cận nguồn vốn của chương trình này công ty đã mạnh dạn ký hợp đồng tín dụng với Agribank chi nhánh An Giang với hạn mức 100 tỷ đồng, hiện đã giải ngân hơn 67,2 tỷ đồng. Dự kiến cuối quý I/2016 nhà máy đi vào hoạt động để mở rộng đầu tư, nâng cao công suất sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh An Giang là rau màu.

Đồng thời, công ty cũng sẽ mở rộng vùng nguyên liệu theo hướng liên kết sản xuất với các hộ nông dân. Từ đó tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, xây dựng nông thôn mới…

Thành công là vậy, nỗ lực của các bên liên quan cũng rất lớn, nhưng cho đến nay rào cản không phải đã hết. Trên thực tế, việc ký kết hợp đồng liên kết giữa DN và người dân còn chưa chặt chẽ và chưa có chế tài cụ thể để điều chỉnh quan hệ, tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng liên kết.

Đồng thời, nhiều địa phương cũng chưa triển khai việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản hình thành trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, ao nuôi...) trong khi các tài sản này có giá trị đầu tư lớn, gây khó khăn cho DN và ngân hàng trong việc định giá tài sản bảo đảm khoản vay.

Bên cạnh đó, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có nhiều rủi ro nhưng thiếu cơ chế dự phòng xử lý rủi ro xảy ra, nhất là chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước.

Bài và ảnh Ngọc Quyết

Tags: #liên kết
Tin đọc nhiều