Phải xây dựng tầm nhìn chiến lược

10:33 | 03/08/2015

Mọi bước tiến, thành công trong ngoại giao thương mại là nền tảng để DN tận dụng cơ hội bứt phá.

phai xay dung tam nhin chien luoc
Ảnh minh họa

Tháng 6/2015, Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen) đã khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy tôn Hoa Sen Nghệ An ở KCN Nam Cấm và khởi công xây dựng Nhà máy tại KCN Đông Hồi với việc đầu tư dây chuyền cán nguội công suất thiết kế 1,2 triệu tấn/năm, dây chuyền sản xuất tôn mạ với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm.

Đây là cơ sở để tập đoàn nâng cao năng lực sản xuất bằng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh đón đầu xu thế hội nhập ngay trước thềm TPP được ký kết. Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết, tập đoàn đang tập trung đầu tư để mở rộng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài.

Hiện, Hoa Sen đã xuất hàng đi 52 quốc gia và vùng lãnh thổ bằng 3 lợi thế chính, chất lượng đạt chuẩn quốc tế, giá cả hợp lý và thời gian giao hàng nhanh chóng, kịp thời.

Không riêng gì Hoa Sen, nhiều DN với quy mô lớn nhỏ và thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau cũng đang ráo riết lên kế hoạch mở rộng đầu tư nhằm đón đầu cơ hội khi các hiệp định thương mại được ký kết. Trong đó, TPP là sự kỳ vọng lớn để DN Việt dần chiếm lĩnh thị trường giàu tiềm năng, rộng lớn mà chủ đạo là nền kinh tế Hoa Kỳ có sức ảnh hưởng lớn.

Theo Bộ Công Thương, thành quả lớn nhất của bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ chính là lĩnh vực thương mại. Từ con số 0, hiện tại kim ngạch thương mại song phương giữa hai quốc gia đã đạt con số xấp xỉ 36 tỷ USD, và dự kiến cuối năm nay sẽ lên đến 40 tỷ USD.

Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, quan hệ Việt – Mỹ là mối quan hệ đối tác toàn diện trên cơ sở hợp tác đôi bên cùng có lợi và cộng đồng DN của hai nước cũng tôn trọng nguyên tắc này.

Nhưng quan trọng hơn, để có thể tận dụng được tối đa lợi thế mà các hiệp định thương mại đem lại, bản thân mỗi DN cần xây dựng cho chính DN mình một vị thế và tầm nhìn chiến lược lâu dài để khai thác những điều kiện thuận lợi mà chính phủ hai nước đã mở ra.

Thu nhỏ hơn góc nhìn qua lăng kính của ngành dệt may, ông Lê Quốc Ân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định “TPP là cơ hội mới, tạo đòn bẩy cho ngành Dệt may Việt Nam phát triển bền vững”.

Năm 2014 hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đạt kim ngạch 9.853 triệu USD, chiếm 9,2% thị phần nhập khẩu dệt may của Mỹ (xếp thứ 2 sau Trung Quốc). Tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm 15% và với TPP sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn nữa vào thị trường Mỹ.

Đặc biệt, đây là cơ hội tái cấu trúc nội lực của ngành một cách vững chắc hơn khi dệt may chắc chắn phải hướng đến củng cố, gia tăng sản xuất từ khâu nguyên liệu cho đến thành phẩm hàng hóa do yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa. Đồng thời, tác động thuận lợi là thuế suất bình quân với mặt hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Mỹ khi đang ở mức 17,3% sẽ có cơ hội về 0% khi tham gia TPP....

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, đàm phán TPP hiện nay là một trong những cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới với tỷ trọng GDP của các nước tham gia chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu. Tham gia vào sân chơi này, Việt Nam có cơ hội gia tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025.

Song thực tế hiện nay trong khoảng 600.000 DN, có đến hơn 80% là DNNVV nên sẽ không tránh khỏi khó khăn, đòi hỏi các DN phải tích lũy dày dặn về vốn, kiến thức, kinh nghiệm quản lý và ứng phó với sự thay đổi. Song trước mắt để nhanh chóng khắc phục tình trạng này, ông Ngọc Trai cho rằng, nền kinh tế Việt Nam cần hình thành những “đầu tàu” để tạo nên sức mạnh tổng hợp, mới có thể cạnh tranh được với những tập đoàn, DN lớn mạnh của các nước trong khu vực và thế giới trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Đó có thể là những DN nhà nước lớn mạnh, kinh doanh hiệu quả, song cũng có thể là các tập đoàn, công ty thuộc khu vực kinh tế tư nhân tập hợp đủ nguồn lực và sức mạnh cạnh tranh, đúng như tinh thần trong mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt – Mỹ dù có nhiều sự khác biệt nhưng cùng hướng đến một mục đích phát triển chung.

Thanh Tuyết

Tin đọc nhiều