VietinBank, Vietcombank, BIDV tiếp tục nằm trong Top 10 Bảng xếp hạng V1000 | |
Môi trường kinh doanh Việt Nam: Trước áp lực cải cách thuế |
DNNN vẫn là chủ lực
Ngày 13/10/2016, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng V1000 - 1000 DN nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam năm 2016.
Theo đó, tổng số thuế mà các DN V1000 đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt hơn 90 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 11,87% so với tổng số thuế của bảng xếp hạng năm 2015 và chiếm khoảng 10,41% tổng thu ngân sách của Nhà nước năm 2015... Trong đó, Top 100 DN đứng đầu (10% số DN trong Bảng xếp hạng) đã đóng góp gần 75% tổng số thuế thu nhập DN toàn Bảng xếp hạng.
Nguồn: Bảng xếp hạng V1000 năm 2016 của Vietnam Report |
NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nằm trong Top 10 DN nộp thuế thu nhập lớn nhất. Bảng xếp hạng cũng lần đầu tiên ghi nhận một DN tư nhân là Vinamilk (đứng thứ 5 trong Top 10).
Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Khí Việt Nam, công ty Honda Vietnam… tiếp tục duy trì được vị trí trong Top 10. Báo cáo cũng cho thấy, Khối DNNN vẫn luôn là nguồn lực chủ yếu được ghi nhận đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia, tới gần 60% tổng số thuế thu nhập DN của toàn Bảng xếp hạng, tăng đáng kể so với tỉ lệ 45% của năm trước.
Các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, BĐS mặc dù có số DN chiếm nhiều nhất, nhưng tỷ trọng đóng góp chỉ ở mức 8% tổng số thuế các DN trong Bảng xếp hạng đóng góp. Trong khi đó, số DN ngành khoáng sản, xăng dầu không nhiều nhưng lại đóng góp đến 30%. Đứng vị trí thứ hai là ngành viễn thông, tin học, công nghệ thông tin với tỷ trọng đạt 15%, và tiếp theo là ngành tài chính với 11%.
Chính sách thuế có nhiều cải cách
Khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của đại diện các DN V1000 trong 5 năm trở lại đây của Vietnam Report cũng cho thấy, DN đã có cái nhìn tích cực đối với sự chuyển biến trong chính sách cải cách thuế giai đoạn từ đầu năm 2015 đến nay. Có đến 88% DN phản hồi đánh giá từ tích cực đến khá tích cực về sự chuyển biến của pháp luật thuế, và chỉ có 1% DN phản hồi có phần tiêu cực.
Đồng thời, đánh giá của các DN đối với hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam đã có phần khả quan hơn trước. Nếu như trong năm 2015, có tới 61% số DN mong muốn sửa đổi thêm nhiều điểm trong quy định của hệ thống thuế, thì đến nay, tình hình đã đảo ngược khi 65% DN phản hồi rằng hệ thống thuế đã đạt tới mức tương đối ổn, không cần điều chỉnh nhiều.
Chất lượng thông tin của các văn bản liên quan đến thuế đã tiếp cận trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016 vừa qua cũng được 75% DN đánh giá là sẵn có, dễ tìm, hỗ trợ cho DN hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Tuy nhiên, các DN vẫn mong muốn ngành thuế tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Có tới 91% số DN được khảo sát nêu yêu cầu này như một mong muốn ngành thuế góp phần hơn nữa vào việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Đồng thời, có đến 62% DN quan tâm và mong muốn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, vì lợi ích của hệ thống kê khai thuế điện tử.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp một số DN phản hồi rằng do có nhiều thay đổi liên tục trong một số chính sách nên gặp khó khăn trong việc cập nhật và thực hiện, nhất là đối với các DN thuộc vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, nhiều DN cũng có nguyện vọng được hướng dẫn cụ thể và phổ cập phần mềm kê khai cho phù hợp với hệ thống công nghệ thông tin tại địa phương…
Hà Sơn