Ảnh minh họa |
Để đáp ứng các yêu cầu của lĩnh vực đặc thù này trong bối cảnh hội nhập, thể chế pháp luật và kinh tế trong nước sẽ phải điều chỉnh như thế nào? Câu chuyện này đã được bàn luận tại hội thảo “Rà soát Pháp luật đấu thầu Việt Nam với các cam kết về mua sắm công trong EVFTA”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức này 27/1.
Đã có nền tảng tuân thủ
Cho đến nay, Việt Nam chưa từng đưa ra cam kết quốc tế có hiệu lực nào về mua sắm công, vì vậy pháp luật nội địa của Việt Nam về đấu thầu chưa từng chịu bất kỳ sự ràng buộc hay giới hạn nào về vấn đề này.
Do đó, theo các chuyên gia của VCCI, cần nhanh chóng rà soát pháp luật đấu thầu Việt Nam với những cam kết mới trong EVFTA về mua sắm công để xác định các nội dung khác biệt và từ đó có sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) cho biết, kết quả rà soát cho thấy những phát hiện khá thú vị và đáng mừng. Đó là khá nhiều các nghĩa vụ cam kết về mua sắm công của Hiệp định đã được quy định trong pháp luật Việt Nam.
Bà Trang giải thích, đó là vì Việt Nam đã là quan sát viên của Hiệp định về Mua sắm công của WTO (GPA) từ tháng 12/2012, song chưa bị buộc phải tuân thủ bất kỳ nghĩa vụ nào trong Hiệp định này. Tuy nhiên, trong quá trình làm quan sát viên thì các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng đã rất chủ động học hỏi và sửa đổi dần pháp luật để tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Đặc biệt hơn, trong những năm trước đó, hoạt động đấu thầu của Việt Nam gặp khá nhiều vướng mắc, bất cập mà phần nhiều nguyên nhân nằm ở các quy định chưa hợp lý, thiếu minh bạch của pháp luật đấu thầu. Đây cũng là lý do chủ yếu thúc đẩy Việt Nam sửa đổi hệ thống pháp luật này một cách tổng thể và cơ bản nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu nội tại cũng như phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Đánh giá một cách tổng thể, các quy định mà Việt Nam đã tuân thủ chủ yếu là các nghĩa vụ mang tính nền tảng đã trở thành thông lệ quốc tế trong đấu thầu. Đơn cử như các khái niệm, nguyên tắc cơ bản liên quan tới hồ sơ mời thầu, hoặc các nghĩa vụ chung về minh bạch, cạnh tranh trong trình tự, thủ tục đấu thầu.
Tuy nhiên, rà soát của VCCI cũng chỉ ra nhiều cam kết trong Hiệp định này có quy định khác biệt so với pháp luật Việt Nam, và vì vậy cần được đưa vào hệ thống pháp luật theo cách thức thích hợp. Bà Trang cho biết, nhóm các quy định mà Việt Nam chưa tuân thủ chiếm khoảng 2/3 các nghĩa vụ cam kết. Tuy nhiên rất may là chỉ có một số ít quy định là hoàn toàn chưa tuân thủ, đa số đã được tuân thủ một phần.
Song mới đủ điểm “vượt rào”
“Chúng ta nên mừng hay lo?”, bà Trang tự đặt câu hỏi về kết quả khảo sát này. Theo bà, chúng ta nên mừng vì hoá ra vấn đề được xem là khó khăn nhất, dự báo là phức tạp nhất liên quan đến sửa đổi pháp luật cho phù hợp với EVFTA thì đã đượcViệt Nam tuân thủ.
Việc pháp luật đấu thầu mới sửa đổi năm 2013 đã có các quy định phù hợp về những nội dung này cho thấy, pháp luật nội địa đã có những bước tiế́n phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó nhấn mạnh các nguyên tắc về minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận các gói thầu mua sắm công.
“Nhưng cũng còn nhiều điều đáng lo”, bà tiếp lời. Vì đánh giá sâu hơn vào các nghĩa vụ mà Việt Nam đã đáp ứng thì đó mới là các nghĩa vụ dễ thực thi. Bên cạnh đó, có nhiều quy định dù được xét là đã tuân thủ rồi, nhưng thực chất mới là không trái với thông lệ quốc tế chứ chưa hoàn toàn đáp ứng một cách đầy đủ. Nói tóm lại, nếu chấm theo thang điểm 10 thì các quy định pháp luật về đấu thầu mới đạt điểm 5, đủ để “vượt rào”.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đồng tình rằng, về cơ bản phần cam kết trong nội dung mua sắm Chính phủ của EVFTA và pháp luật đấu thầu Việt Nam nói chung là khá đồng nhất. Song cũng có các điểm khác biệt như nhóm nghiên cứu đã nêu ra. Ông Tuấn lý giải, EU đã đi trước chúng ta nhiều chục năm trong lĩnh vực đấu thầu, do đó khu vực này sẵn sàng mở cửa mạnh trong chính sách mua sắm công của mình.
Ông Ninh Viết Định, chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cũng khuyến nghị, để đáp ứng yêu cầu về mua sắm công của EVFTA, trước mắt chỉ cần có một văn bản hướng dẫn nội dung đặc thù riêng, không cần sửa đổi ngay các luật pháp Việt Nam về đấu thầu.
Ông giải thích, song song với đáp ứng yêu cầu quốc tế, thì cũng cần chú ý tới việc bảo hộ đối với DN trong nước bằng các bước chuyển tiếp dần dần, do đó không nên áp dụng đại trà bằng một quy định pháp luật chung theo đúng chuẩn quốc tế. Như vậy DN trong nước mới có thời gian học hỏi và đáp ứng dần.
Ngọc Khanh