Phát huy lợi thế con tôm Việt

08:58 | 08/02/2017

Hiện tại, kim ngạch XK tôm nước lợ luôn dẫn đầu toàn ngành thủy sản với tỷ lệ khoảng 45%/ tổng giá trị. Trước diễn biến của tình trạng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, tôm nước lợ đã nổi lên như một sản phẩm đầy tiềm năng và lợi thế để phát triển.

Úc nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu tôm
Vực dậy ngành tôm

Tăng cả lượng và chất

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chỉ sau 10 năm thực hiện chương trình 224 (chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999-2010) và thực hiện Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, diện tích nuôi tôm đã tăng từ 228.610 ha lên 639.115 ha (gấp 2,8 lần), sản lượng tôm tăng từ 97,628 tấn lên 443,714 tấn (gấp 4,5 lần).

Từ năm 2010, kim ngạch xuất khẩu (XK) tôm đã vượt qua con số 2,1 tỷ USD và con tôm thật sự đã trở thành động lực thu hút đầu tư cho hoạt động nuôi, chế biến và XK.

phat huy loi the con tom viet
Ngành tôm Việt Nam đang có nhiều tiềm năng lợi thế

Bên cạnh hoạt động nuôi tôm thương phẩm với những kết quả nổi bật về diện tích, sản lượng và giá trị, các ngành công nghiệp phụ trợ cũng đã có bước phát triển mạnh.

Cụ thể, về sản xuất tôm giống: cả nước đã hình thành vùng sản xuất tôm giống tập trung tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nam bộ như Cà Mau, Bạc Liêu. Hiện số lượng cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ là 2.422 cơ sở, trong đó 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, sản xuất được hơn 100 tỷ con tôm giống.

Đã xuất hiện DN đầu tư vào nghiên cứu chọn tạo giống; Về thức ăn, thuốc, chế phẩm dùng trong nuôi tôm: hiện nay, cả nước có khoảng 400 cơ sở sản xuất, nhập khẩu thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản. Nhiều DN lớn đã đầu tư sản xuất thức ăn nuôi tôm.

Lượng thức ăn sản xuất trong nước cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động nuôi tôm; Về chế biến, XK: cả nước có trên 350 cơ sở chuyên và không chuyên chế biến tôm với công suất trên 1,4 triệu tấn sản phẩm/năm, vượt so với nhu cầu chế biến nguyên liệu trong nước....

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2016 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành nông nghiệp và nuôi tôm do tình hình hạn, mặn diễn ra khốc liệt tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khiến tôm chậm lớn, dễ bị dịch bệnh và chết hàng loạt. Chỉ riêng 3 tỉnh trọng điểm, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khoảng trên 188.000 ha.

Tính đến ngày 30/6, sản lượng tôm cả nước chỉ đạt 191.560 tấn (bằng 28,2% so với kế hoạch năm 2016). Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT cùng với sự vào cuộc của các địa phương và các DN, người nuôi với các giải pháp phù hợp, ngành tôm đã đạt được những kết quả rất ngoạn mục: Tổng diện tích thả nuôi tôm là 694.645 ha (100,1% cùng kỳ 2015).

Tổng sản lượng thu hoạch đạt 657.282 tấn, bằng 109,5% so với năm 2015. Năm 2016, Việt Nam đã XK tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch 3.150.723 USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 62,1%, tôm sú chiếm gần 29,5%, tôm biển khác chiếm 8,3%.

Hướng tới mốc 10 tỷ USD

Bộ NN&PTNT xác định, ngành tôm đặc biệt có tiềm năng lợi thế, cần phát triển thành ngành hàng sản xuất công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững và thân thiện với môi trường theo 2 hướng: Phát triển nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành trung tâm công nghiệp tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp;

Phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững như: Tôm rừng, tôm lúa... tại Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương khác có lợi thế về điều kiện sinh thái. Ngành NN&PTNT phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch XK tôm đạt trên 4,5 tỷ USD; phấn đấu đến năm 2030 kim ngạch XK tôm đạt 8-10 tỷ USD.

Để ngành tôm phát huy được tiềm năng, lợi thế và tăng sức cạnh tranh, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo: Sớm phê duyệt và triển khai Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030 vào quý II/2017; Đưa con tôm vào danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia và có chương trình khoa học công nghệ dành riêng cho con tôm;

Rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có quy hoạch lại diện tích có khả năng chuyển đổi sang nuôi tôm; Rà soát, ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích nuôi tôm công nghệ cao thân thiện với môi trường và phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững; chính sách khuyến khích liên kết chuỗi; chính sách chuyển đổi sang nuôi tôm tại các vùng có lợi thế...

Phát biểu tại hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam diễn ra ngày 6/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đưa ra cho ngành tôm là xuất khẩu đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2030 là quá thấp. Thủ tướng yêu cầu, trước năm 2025 hoặc đến năm 2025 phải đạt 10 tỷ USD xuất khẩu tôm, trở thành ngành chủ lực trong nông nghiệp Việt Nam.

Ngọc Hải

Tags: #tôm
Tin đọc nhiều