Phát triển dịch vụ hỗ trợ hút kiều hối

09:11 | 06/07/2017

Từ đầu năm 2017 đến nay, lượng kiều hối chuyển về nước đã đều đặn trở lại nhưng các NH không chủ quan mà vẫn tăng cường cải tiến dịch vụ để thu hút nguồn vốn này.

Vietcombank ưu đãi khách hàng chuyển tiền kiều hối
Đa dạng các kênh thanh toán kiều hối
Cẩn trọng với kinh doanh kiều hối

Kiều hối khởi sắc

6 tháng đầu năm 2017, lượng kiều hối về TP.HCM đạt 2,1 tỷ USD, tăng 50 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đắc cử, trong tháng 11 và tháng 12, kiều hối về chậm nhưng đầu năm 2017, lượng kiều hối chuyển về nước đã đều đặn trở lại. Hiện nay cũng có một số lo ngại trước 3 lần tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có tác động đến nguồn kiều hối chuyển về nước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, FED tăng lãi suất USD là xu hướng đã được dự báo trước trong năm 2017 và theo đánh giá chung, vấn đề này không ảnh hưởng lớn đến thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối Việt Nam cũng như lượng kiều hối chuyển từ nước ngoài về.

phat trien dich vu ho tro hut kieu hoi
Lựa chọn dịch vụ tốt để nhận kiều hối có lợi nhất

Đối với kinh tế Việt Nam, nguồn kiều hối không chỉ hỗ trợ cân bằng cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế tổng thể, tăng lượng cung ngoại tệ trên thị trường ngoại hối, từ đó giúp ổn định thị trường ngoại hối và thị trường tiền tệ, mà còn là nguồn vốn bổ sung cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, xét về cơ cấu, lượng kiều hối của cả nước trong 3 năm gần đây phân bổ đến 30% đầu tư sản xuất kinh doanh, 30% gửi tiết kiệm, 20% mua vàng, đầu tư bất động sản khoảng 16%, tiêu dùng chiếm 4%. Tại TP. HCM, cơ cấu phân bổ khoảng 71,8-72% dành cho sản xuất kinh doanh, khoảng 21% dành cho lĩnh vực bất động sản, còn lại dành cho lĩnh vực tiêu dùng.

Theo đánh giá chung của kiều bào cũng như người nhận kiều hối, hiện chính sách áp dụng đối với hoạt động nhận kiều hối tại Việt Nam cũng đã rất thông thoáng. Chẳng hạn như người nhận có thể nhận tiền mặt, chuyển khoản hoặc gửi tiết kiệm trên tài khoản thanh toán, được lựa chọn nhận bằng VND hoặc ngoại tệ. Một số NH còn áp dụng hình thức chi trả tại bất kỳ địa điểm nào do khách hàng chỉ định phù hợp với các điều kiện của NH. Các TCTD cũng chỉ thu phí từ người gửi, người nhận kiều hối không phải chịu bất kỳ khoản thuế hay phí nào.

Cạnh tranh dịch vụ

Mặc dù hiện nay lãi suất áp dụng đối với tiền gửi USD tại VND bằng 0% trong khi lãi suất USD tại Hoa Kỳ ở mức 1-1,25% nhưng đa số ý kiến cho rằng, điều này sẽ không có ảnh hưởng quá lớn đối với lượng kiều hối chuyển về Việt Nam. Bởi theo một chuyên gia tài chính chia sẻ, với lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn 12 tháng ở mức 7,5-8%/năm mà nhiều NH đang áp dụng, nếu gửi USD về Việt Nam và quy đổi sang VND gửi tiết kiệm, sau khi trừ đi biến động tỷ giá khoảng 2% vẫn còn lãi 5,5-6%/năm, cao hơn so với gửi USD tại Mỹ. Hơn nữa, thống kê về cơ cấu phân bổ nguồn vốn cũng cho thấy dòng vốn kiều hối đang được đầu tư vào các kênh sản xuất kinh doanh và bất động sản, đây là những kênh có khả năng sinh lợi cao.

phat trien dich vu ho tro hut kieu hoi
Các NH đã đưa ra nhiều dịch vụ mới để thu hút khách hàng

Đối với các NH, kiều hối cũng là một kênh dịch vụ mang lại lợi nhuận tốt. Năm 2016, dịch vụ chuyển tiền kiều hối của Vietcombank đạt 1,64 tỷ USD, tăng 8,5% so cùng kỳ. Còn theo báo cáo của Sacombank, công ty kiều hối của NH này đạt lợi nhuận trước thuế lần lượt là 3,6 tỷ đồng năm 2015 và 2,4 tỷ đồng trong năm 2016. Nhưng để đạt được kết quả này cũng kèm theo những nỗ lực cải tiến dịch vụ đáng kể, tạo ra tiện ích tối đa cho khách hàng.

Thậm chí mới đây, Agribank hợp tác với Lithuania Post cung cấp dịch vụ nhận kiều hối và chuyển ngoại tệ cá nhân ra nước ngoài đầu tiên liên kết với bưu điện, cho phép chuyển tiền đi các quốc gia trong khu vực thanh toán đồng tiền chung châu Âu (SEPA). Theo đó, các khách hàng tại Việt Nam dùng tài khoản Agribank để nhận kiều hối từ Lithuania Post, trường hợp chuyển tiền vào tài khoản VND, Agribank sẽ tự động quy đổi theo tỷ giá niêm yết của Agribank tại thời điểm thực hiện quy đổi. Còn Công ty kiều hối BACABANK thành lập sau, nhưng định hướng phát triển giao dịch trực tuyến để tạo khác biệt so với mô hình hoạt động truyền thống nhằm giảm chi phí dịch vụ cho khách hàng, cạnh tranh với các công ty nước ngoài.

Lãnh đạo một NHTMCP cũng cho biết, hiện nay, các NH cũng cạnh tranh phí khá gay gắt để giành thị phần. Mức phí áp dụng đối với người gửi của các NH được tính theo từng châu lục, vùng lãnh thổ và rất cạnh tranh. Hiện phí áp dụng đối với thị trường Hoa Kỳ (thị trường chiếm đến 60% lượng kiều hối gửi về) của các NH cạnh tranh từ 0,2-2% thay vì áp dụng phí bằng nhau như trước đây.

Đối với việc FED tăng lãi suất, thị trường trong nước cũng đã dự báo được nên cũng không có nhiều biến động trên thị trường ngoại hối Việt Nam, tạo ra tính ổn định cho VND và vẫn thu hút được kiều hối. Tuy nhiên, các NH cũng không chủ quan mà vẫn tăng cường “làm mới” dịch vụ bằng cách tung ra các chương trình khuyến mãi, các dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu của từng nhóm đối tượng khách hàng để gia tăng lợi ích cho cả người gửi và người nhận để thu hút kiều hối cho nền kinh tế.

Thiên Minh

Tin đọc nhiều