Phòng vệ thương mại: Con dao hai lưỡi

13:00 | 03/01/2019

Chủ động đối mặt với các vụ kiện thương mại vì đây là xu hướng không thể tránh.

Phòng vệ thương mại: Điều tra với hàng xuất khẩu Việt Nam gia tăng
Giải pháp giúp doanh nghiệp giữ “sân nhà”

Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2017 chỉ có 13 vụ thì đến tháng 10/2018 đã tăng thêm 16 vụ việc. Đặc biệt, có tới 80% sản phẩm thép do Việt Nam sản xuất bị kiện. Bên cạnh đó, nhiều hàng xuất khẩu khác cũng bị điều tra PVTM như thủy sản khoảng 1% kim ngạch xuất khẩu; săm lốp 2%; giày dép 6%; sợi 9%…

phong ve thuong mai con dao hai luoi
Nhiều sản phẩm thép nội đang bị kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài

Tình trạng hàng hoá xuất khẩu dính vào các vụ kiện PVTM chắc chắn sẽ gia tăng thời gian tới trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn. Đặc biệt Việt Nam hiện đã trở thành cứ điểm sản xuất của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như đồ điện tử, điện thoại, dệt may, thuỷ sản… Đây sẽ là một trong những rủi ro đối với nền kinh tế trong giai đoạn 2019 – 2020 và lâu dài hơn.

Các chuyên gia cảnh báo, sở dĩ việc bị kiện tụng về thương mại gây ra nhiều rủi ro đối với kinh tế vĩ mô bởi một vụ kiện không chỉ gây thiệt hại cho một số DN mà còn tác động trực tiếp tới toàn ngành hàng, từ đó tác động tới cả chuỗi sản xuất.

Bên cạnh đó, các hình thức PVTM cũng ngày càng mở rộng, gây tác động lan toả tiêu cực hơn và lớn hơn đối với cả nền kinh tế. Bà Nguyễn Hằng Nga - Phó trưởng Phòng xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM cho biết, các vụ kiện đang phát sinh nhiều xu hướng mới như kiện chùm (kiện đồng thời nhiều nước); kiện chống lẩn tránh thuế (kiện một nước để ngăn chặn khả năng lẩn tránh một biện pháp thuế đã áp cho nước khác); kiện domino (nước này kiện được thì nước khác cũng kiện theo); kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp)… làm gia tăng số lượng các vụ kiện PVTM.

Cũng theo bà Nga, điều đáng lo ngại khác là bất cứ hàng hóa xuất khẩu nào cũng có khả năng là đối tượng bị điều tra áp dụng PVTM, từ nông, thủy sản đến các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, các mặt hàng chịu nhiều biện pháp PVTM nhất là thủy sản (tôm, cá ba sa), sắt, thép… hiện nay đều là sản phẩm xuất khẩu lớn của Việt Nam.

TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia lưu ý thêm rằng, với các FTA thế hệ mới, các biện pháp PVTM không chỉ xoay quanh các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm hay việc gây thiệt hại cho nền sản xuất của nước nhập khẩu. Các nhà sản xuất ở nước nhập khẩu hoàn toàn có thể khởi kiện DN xuất khẩu về các vấn đề trong suốt cả quy trình sản xuất, ví dụ lao động trẻ em, đóng gói bao bì sản phẩm, môi trường…

Bên cạnh đó, ông Thắng cho rằng biện pháp mà các nhà xuất khẩu trong nước trang bị vẫn chưa đầy đủ và chưa lường hết các vấn đề rủi ro phía sau. Chẳng hạn phân tán hay chia nhỏ thị trường không phải là giải pháp tốt. Bởi thực tế cho thấy một vài sản phẩm cụ thể chỉ có thể thâm nhập vào một vài thị trường trọng điểm. Vì vậy, theo vị này nếu tính tới đa dạng thị trường thì đó phải là đa dạng về thị trường nhập khẩu, đặc biệt là tăng nhập khẩu đầu vào từ các nước có tên trong các FTA thì các nhà sản xuất Việt Nam vừa đảm bảo được tỷ lệ xuất xứ, đồng thời vừa dễ dàng tránh được các biện pháp PVTM của các nước.

Thực tế cho thấy, sau nhiều năm tìm đường vào các thị trường trên thế giới, DN Việt Nam đã tương đối quen thuộc với các biện pháp PVTM, tuy nhiên để đối phó thì vẫn còn khá nhiều lúng túng. Các chuyên gia cho rằng, điểm quan trọng vẫn là câu chuyện trợ giúp pháp lý của Chính phủ đối với DN như thế nào. Hiện nay các DN đều kêu là chi phí cho pháp lý rất lớn, đặc biệt nếu thuê các luật sư nước ngoài. Trong khi đó từ phía cơ quan quản lý, ngoài việc phổ biến thông tin về thị trường, hiện vẫn chưa có nhiều biện pháp thiết thực đối với DN trong việc đứng ra giải quyết tại các toà án nước ngoài về PVTM. “Tốt nhất là thời gian tới nên có đề án hoặc chương trình trợ giúp pháp lý cho DN. Đó là trợ giúp quan trọng cốt lõi. Còn để tìm cách tránh thì không thể được, bởi kể cả là có FTA hay không thì trong khuôn khổ WTO chắc chắn các DN xuất khẩu vẫn sẽ phải dính vào các vụ kiện PVTM”, một chuyên gia bày tỏ.

Trong xu thế chung là không thể tránh khỏi các vụ kiện PVTM, các DN cùng ngành nghề cần liên kết chặt chẽ với nhau để phát huy thế mạnh trong việc tận dụng cơ hội thị trường cũng như ứng phó với các sự cố về thương mại. Riêng với các DN xuất khẩu sản phẩm có thế mạnh như nông sản, lâm, thủy sản... cần tăng cường các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để vượt qua các hàng rào về kỹ thuật.

Lan Hương

Tin đọc nhiều