Sản xuất công nghiệp đang thuận lợi

16:00 | 05/04/2018

Quý I/2018 là giai đoạn ngành công nghiệp hiện thực khả năng bứt tốc tăng trưởng, sau nhiều năm Việt Nam thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Các con số thống kê cho thấy điều đó.

Sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ
Khai khoáng giảm mạnh kéo tụt sản xuất công nghiệp

Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng trưởng GDP 7,38% của quý vừa qua là mức cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây, thì riêng ngành công nghiệp đóng góp 3,01 điểm phần trăm. Bóc tách thêm thì công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp 2,46 điểm phần trăm và ngành này cũng ghi nhận mức tăng trưởng tới 13,56% trong quý vừa qua, cao nhất trong 7 năm trở lại đây.

san xuat cong nghiep dang thuan loi
Ảnh minh họa

Có được những bước phát triển nổi trội, khu vực sản xuất công nghiệp, bao gồm cả xây dựng, đang tăng tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế. Quý I/2018, khu vực này chiếm tỷ trọng 35,26% trong nền kinh tế, mức cao hơn so với 34,14% của quý I/2017. Đáng chú ý hơn nữa, đây cũng là lĩnh vực đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, chủ yếu là từ lực cầu cải thiện.

Ở trong nước, tiêu dùng đang là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất. Trong quý I năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng loại trừ yếu tố giá tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu tiếp tục thuận lợi, tăng trưởng kim ngạch trong quý I/2018 lên tới 22% so với cùng kỳ năm trước.

Các điều tra về nhu cầu thị trường nước ngoài với hàng hóa Việt Nam tiếp tục cho thấy xu hướng cải thiện tích cực. Theo khảo sát Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của Nikkei, số lượng đơn đặt hàng mới vẫn tăng mạnh, đạt 51,6 điểm trong tháng 3/2018.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt trong một bản tin mới công bố có lưu ý điểm này: Nhìn chung, báo cáo chỉ số PMI của Việt Nam, tương đồng với các chỉ số vĩ mô quý I được công bố mới đây, cho thấy lĩnh vực công nghiệp đang ở trạng thái “khỏe mạnh”.

Tuy nhiên, hai lực cầu hỗ trợ sản xuất công nghiệp bứt tốc trong quý I vừa qua có sự trái chiều ở giai đoạn cuối. Về tiêu dùng trong nước, giai đoạn sau Tết Nguyên đán tổng mức bán lẻ có xu hướng “giảm nhiệt”. Nhưng ngược lại, xuất khẩu tăng mạnh vào tháng 3 vừa qua, tiếp tục đà đi lên.

Trong bối cảnh cầu thị trường nội và ngoại trái chiều như vậy, nhiều DN lên chiến lược thận trọng hơn, nhất là trong việc lưu kho hàng hóa, đồng thời tập trung vào xử lý các vấn đề còn tồn đọng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân quý I/2018 là 68,2%, thấp hơn tỷ lệ 71,9% của cùng kỳ năm 2017.

Nhưng ở khía cạnh khác, với quá trình hội nhập đang trở nên mạnh mẽ hơn, cùng lượng đơn hàng từ nước ngoài tăng nhanh, các nhà sản xuất cũng tỏ ra rất lạc quan trước triển vọng tăng sản lượng. Andrew Harker, Phó giám đốc IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát PMI nhìn nhận số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh nhờ lĩnh vực xuất khẩu, từ đó dẫn đến tình trạng lạc quan về triển vọng tăng sản lượng trong tương lai gần.

Như vậy, hiện có nhiều chỉ báo xu hướng mới cho thấy ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều nhân tố hỗ trợ trong thời gian tới. Ở trong nước, tiêu dùng giảm sau Tết thực tế là quy luật lâu nay, theo đó sẽ nhanh chóng tăng trở lại khi lạm phát cũng đã hạ nhiệt và tồn kho đang ở mức thấp hơn năm ngoái. Phía cầu ngoại, đơn đặt hàng mới nhiều hơn là một “cam kết” khá chắc chắn cho triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.

Chính vì vậy, có thể nói ngành công nghiệp, trong đó đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, đang ở điều kiện tốt để phát triển. Nhưng, chính ở thời điểm này cũng cần lưu ý đến các vấn đề về năng lực cạnh tranh, rào cản thương mại và đặc biệt là bên cạnh một khu vực FDI đang hoạt động khởi sắc thì vẫn còn nhiều vấn đề ở khu vực DN trong nước… bởi đó là những thách thức dài hạn hơn.

Anh Quân

Tin đọc nhiều