Siết chặt vòng tay hợp tác

11:22 | 05/05/2016

Sự thành công của DN luôn gắn liền với sự đồng hành và hỗ trợ của hệ thống NH. Tuy nhiên, sự hỗ trợ cần phải được chuẩn hóa và có một hành lang pháp lý bảo vệ. Đó là quan điểm của ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam khi trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng.

TPHCM: Đẩy mạnh “bơm vốn” cho DN nhỏ và vừa
Nguồn vốn giá rẻ, tiếp sức cho DNNVV
DNNVV tiếp tục là người vay quan trọng
siet chat vong tay hop tac
Ông Tô Hoài Nam

Thực trạng tiếp cận nguồn vốn NH của các DN, nhất là các DNNVV hiện nay như thế nào, thưa ông?

Thực tế cho thấy, những năm qua, các DNNVV phát triển khá nhanh về mặt số lượng, song chất lượng còn nhiều hạn chế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng của NH còn nhiều khó khăn.

Hiện nay, các DNNVV chiếm tỷ lệ tiếp cận vốn vay còn thấp, khoảng 32,38%. Rào cản nằm ở chỗ các DNNVV thường khó đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo về điều kiện, thủ tục tín dụng liên quan đến tài sản đảm bảo, tính chuẩn mực hệ thống báo cáo tài chính… Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu khá cao, hiện khoảng 5%. Việc xử lý nợ xấu chậm trễ và điều chỉnh lãi vay chưa hợp lý cũng là trở ngại lớn đối với DNNVV trong tiếp cận các nguồn tín dụng.

Trong khi đó, tỷ lệ DNNVV tiếp cận và được các Quỹ Bảo lãnh tín dụng để vay vốn NH cũng rất thấp, tỷ lệ rủi ro về bảo lãnh cao (gần 27%). Các Quỹ này cũng không muốn đóng vai trò “nâng đỡ”, mở rộng tín dụng tới các DNNVV.

Như ông thấy, các chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn liên tục được ban hành, nhưng vì sao số lượng DN rời bỏ thị trường vẫn rất lớn?

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, trong những năm gần đây Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP và năm 2013 ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều DNNVV vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng, từ đó giảm nhanh giá trị tài sản, nợ xấu cao và rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn hoặc phá sản.

Còn trước đó, các Quyết định số 15/2004/QĐ-TTg ngày 25/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ hỗ trợ DNNVV… được ban hành, song đến nay các cơ quan liên quan chưa có sự hỗ trợ trực tiếp nào đến DN.

Kết quả là trong những năm gần đây, có một lượng lớn DN đã bị phá sản và thua lỗ, khó khăn tiếp tục kéo dài.

siet chat vong tay hop tac
Tỷ lệ DNNVV tiếp cận vốn vay còn thấp

Với ngành NH, cộng đồng DN có đề xuất, hay kiến nghị giải pháp gì không?

Theo quy định của NHNN, từ 13/5/2013 mức trần chung cho các khoản vay cũ đối với DNNVV tối đa không quá 13% lãi suất cho vay. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều DN vay vốn với lãi suất trên 13%. Vì vậy, NHNN cần phối hợp với Hiệp hội DN làm việc cụ thể với từng NH để giúp cho DN thực hiện vay vốn đúng theo quy định dưới 13%, các trường hợp đặc biệt có thể đối thoại tìm hướng tháo gỡ cho từng DN.

Trong quan hệ tín dụng, tài sản thế chấp mang tính chất rất quan trọng trong việc giải quyết nợ cho vay, là trở ngại lớn khi các DNNVV tiếp cận nguồn vốn từ NH. Về lâu dài, để giảm bớt khó khăn trong tiếp cận vốn của DNNVV thì việc đảm bảo bằng tài sản không quan trọng mà chính là hiệu quả của các phương án kinh doanh.

Đồng thời, để đảm bảo an toàn trong cấp tín dụng cho các DNNVV, NH phải xác định được DN nào có đủ điều kiện phát triển, khai thác các thông tin về DN từ các nguồn như cơ quan thuế, kế hoạch và đầu tư…

Bên cạnh đó, cần khách quan và tích cực trong công tác thẩm định, đánh giá tình hình hoạt động và tài chính của DN khi xét duyệt cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN tìm đến nguồn vốn tín dụng. Các NHTM cũng cần nâng cao việc quản lý vốn vay, trợ giúp các DNNVV có được một sổ sách đúng chuẩn mực theo quy định và biết cách lập các dự án kinh doanh có hiệu quả.

Ngành NH nên duy trì và áp dụng việc đánh giá và phân loại khách hàng một cách chính xác. Đồng thời, cung cấp thông tin một cách công khai các thủ tục vay vốn, lượng vốn còn có thể cho vay, các sản phẩm NH dành cho DN và thời gian tối đa khi thẩm định cấp tín dụng cho một DN… Thiết kế các khoản tín dụng quy mô nhỏ cho các DNNVV, thông qua việc NH cung cấp khoản tín dụng có giá trị nhỏ và cố định với các quy trình và điều kiện được đơn giản và chuẩn hóa ở mức độ tối đa.

Xin cảm ơn ông!

siet chat vong tay hop tac

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng: Góp sức cho khởi nghiệp

Thực tế chứng minh, địa phương nào có cộng đồng DN phát triển mạnh mẽ chắc chắn địa phương đó hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Do đó, vai trò đầu tư của các NHTM đối với khu vực DN là rất quan trọng.

Thời gian qua, ngành NH Đà Nẵng nói riêng và ngành NH nói chung đã làm khá tốt vai trò này; qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn để DN duy trì ổn định hoạt động sản xuất trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Hiện nay, việc tập trung phát triển cộng đồng DN là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền TP. Đà Nẵng.

Với quan điểm đó, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hỗ trợ tối đa cho các DN, chúng tôi rất cần sự vào cuộc kịp thời của các NH để tài trợ vốn, hỗ trợ tư vấn, đồng hành cùng với sự phát triển của từng DN ngay từ khi hình thành.

Điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng khởi nghiệp của Đà Nẵng, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố; đồng thời thực hiện chức năng hỗ trợ các DN khởi nghiệp có các dự án kinh doanh nhiều tiềm năng; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo trong cộng đồng, gắn nghiên cứu với thực tiễn.

Có thể khẳng định, nếu NH cùng vào cuộc ngay từ đầu đối với các dự án của DN thì chắc chắn tỷ lệ thành công của dự án mới sẽ cao hơn nhiều. Hơn nữa, những DN này sẽ là những khách hàng tiềm năng của các NHTM trong tương lai.

siet chat vong tay hop tac

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh: Cùng đồng hành, tăng kết nối

Chương trình kết nối NH - DN góp phần duy trì và thúc đẩy kinh tế thành phố luôn tăng trưởng ở mức cao so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Từ việc DN tìm đến NH, thì nay NH đã đi tìm DN. Những vấn đề về vốn, lãi suất, tiếp cận tín dụng NH… không còn là khó khăn, vướng mắc, mà yếu tố chính thuộc về DN, về hiệu quả hoạt động để tăng trưởng và phát triển.

Do đã có kinh nghiệm thực hiện chương trình kết nối bốn năm qua nên các NHTM, các quận, huyện và sở, ngành của thành phố phối hợp với nhau tốt hơn trong việc hỗ trợ DN về trình tự, thủ tục vay vốn cũng như thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Đến nay, đã có 24/24 quận, huyện của thành phố tham gia chương trình theo mô hình ba bên (NH - chính quyền địa phương - DN), đã hỗ trợ tích cực các tổ chức, cá nhân duy trì, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong bốn năm qua, chương trình đã có 88 đợt ký kết cho hơn 9.200 khách hàng vay với số dư nợ 240.679 tỷ đồng.

Các DN tham gia vay từ chương trình này đều được hưởng lãi suất ưu đãi bằng hoặc thấp hơn lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của thành phố gồm: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DNNVV; DN ứng dụng công nghệ cao…

Chỉ trong tuần đầu của năm mới 2016, đã có 18 NHTM đăng ký gói tín dụng hỗ trợ lãi suất theo chương trình kết nối năm 2016 với tổng giá trị cam kết 211.500 tỷ đồng và 15 triệu USD. Lãi suất cho vay của gói này đối với VND là không quá 7%/năm với vốn ngắn hạn và 8 - 10%/năm trung và dài hạn.

Hiện tại, các DNNVV vẫn gặp khó khăn liên quan đến thế chấp vay vốn. Do đó, nếu không có tính toán để giải quyết, hiện tượng này vẫn sẽ kéo dài. Sắp tới, phải có cách làm mới hơn, sáng tạo hơn trên cơ sở lấy phát triển của thành phố, lấy lợi ích của DN làm mục tiêu để thực hiện.

Thông qua chương trình kết nối, quan hệ giữa các NHTM với DN đã trở nên gắn bó, hợp tác theo chiều hướng bình đẳng và bền vững hơn. Các NHTM cần chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng để triển khai các chỉ tiêu kết nối của mình, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng để cho vay hiệu quả.

Để chương trình này tiếp tục được triển khai hiệu quả trong năm 2016 và các năm tiếp theo, các NHTM đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ DN về pháp lý cũng như các thủ tục vay vốn. Cùng với đó, các NHTM cần phải xem xét cụ thể từng trường hợp, phải giúp cho DNNVV minh bạch hơn trong tài chính, sổ sách, kinh doanh để có điều kiện tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

siet chat vong tay hop tac

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng: Khơi vốn gỡ khó cho DN

Những năm qua, ngành NH đã đóng vai trò chủ lực trong việc cung ứng vốn cho cộng đồng DN để đầu tư, phát triển, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Sự thành công và phát triển của DNNVV TP. Đà Nẵng luôn cần sự hỗ trợ tích cực từ phía các NHTM.

Đơn cử, giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV. Trước tình hình đó, các NHTM từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN trong vấn đề tiếp cận vốn vay như: tìm hiểu, tư vấn, gặp gỡ, trao đổi để cùng nhau tìm hướng đi tích cực cho từng DN.

Các thủ tục vay vốn được đơn giản hóa, các NH chịu khó ngồi lại với DN, nghe DN nói, bắt tay với DN trong tháo gỡ vướng mắc… để từ đó khơi thông tín dụng, giúp DN tiếp cận vốn. Trên cơ sở đó, các DN mạnh dạn tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất. Từ đầu năm 2014 đến nay, lãi suất cho vay của các NHTM cũng liên tục giảm, tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhất là khu vực DNNVV…

Ngành NH đã triển khai quyết liệt các giải pháp về tín dụng, lãi suất; đồng thời trên cơ sở đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay và khả năng tài chính, các NH cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay cho khách hàng, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN về chi phí vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh...

Có thể khẳng định, sự nỗ lực của ngành NH trong việc triển khai các giải pháp đưa vốn đến tay DN, giúp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã được toàn xã hội ghi nhận và đáng trân trọng. Tuy nhiên, theo tôi, thời gian tới các NHTM cần triển khai ngay chương trình hành động cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng tín dụng; đẩy mạnh cung ứng vốn, tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, chú trọng hỗ trợ khu vực DNNVV, bởi đây là khối DN dân doanh… Nếu khu vực này phát triển tốt sẽ góp phần lớn vào giải quyết việc làm cho người lao động. Cộng thêm, các NHTM cần đẩy mạnh cho vay vốn phục vụ sản xuất của các DN theo hình thức tín chấp… như Chính phủ và NHNN đã có chỉ đạo trong thời gian gần đây.

Nhóm PV thực hiện

Thế Hiển thực hiện

Tin đọc nhiều