Sôi động phát hành thẻ tín dụng

13:15 | 24/09/2018

TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần tiếp tục hiện đại hoá các sản phẩm thẻ bằng cách ứng dụng công nghệ không chạm, thẻ phi vật lý để đáp ứng thói quen tiêu dùng của khách hàng khi đi mua sắm tại các điểm bán hàng offline.

Kinh nghiệm sử dụng thẻ tín dụng ở nước ngoài
Chi tiêu thông minh với thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng ngày càng trở thành công cụ hiệu quả trong quản lý tài chính cá nhân, không chỉ giúp giao dịch thuận tiện mà còn hỗ trợ nhiều cho việc mua sắm, thanh toán chi phí tiêu dùng... Chính vì thế, đây là sản phẩm mà nhiều ngân hàng Việt đang tích cực chú trọng phát triển tới khách hàng. Đầu tư phát triển thẻ tín dụng cũng mang lại lợi nhuận tương đối cho nhà băng khi lãi suất thường cao hơn so với cho vay thông thường.

soi dong phat hanh the tin dung
Ảnh minh họa

Số liệu mới nhất của NHNN ghi nhận đến cuối quý II/2018, tổng số lượng thẻ đã phát hành luỹ kế đạt 141,59 triệu thẻ (tăng 7,3% so với đầu năm). Theo chuyên gia nhận định, chủ yếu hiện nay chiếm phần lớn vẫn là thẻ ghi nợ, đồng nghĩa với việc dư địa của thị trường thẻ tín dụng vẫn còn lớn và cuộc đua cạnh tranh thị phần trên thị trường này mới chỉ bắt đầu.

Còn theo thống kê của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, số lượng thẻ phát hành mới trong năm 2017 chiếm 1/5 lượng thẻ đang lưu hành, đặc biệt thẻ tín dụng phát hành mới chiếm tới 1/3 lượng thẻ tín dụng đang lưu hành. Tuy nhiên năm 2017 cũng ghi nhận doanh số sử dụng thẻ nội địa giảm tốc độ tăng trưởng từ 22% (năm 2016) xuống mức 12% (năm 2017). Thẻ nội địa vẫn được sử dụng chủ yếu để rút tiền mặt (94%) nhưng tỷ trọng tính trên toàn bộ doanh số sử dụng thẻ nội địa đã giảm và ghi nhận thêm sự tăng trưởng của tỷ trọng doanh số sử dụng thẻ nội địa chi tiêu tại POS. Doanh số sử dụng thẻ quốc tế tiếp tục tăng trưởng, đạt 30% trong năm 2017, cơ cấu về tỷ trọng doanh số sử dụng của thẻ quốc tế so với tổng doanh số sử dụng thẻ tăng từ 11% (năm 2016) lên 13% (năm 2017).

“Với xu hướng du lịch và mua hàng online ngày càng tăng, tính năng và ưu đãi của thẻ quốc tế cũng phong phú, đa dạng, người tiêu dùng đang dần sử dụng thẻ quốc tế để thanh toán (trong nước/nước ngoài) nhiều hơn”, lãnh đạo một NHTM chia sẻ.

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây các ngân hàng liên tục kết hợp với các nhà hợp tác phát triển thẻ quốc tế. Mới đây nhất, SCB đã có ký kết hợp tác toàn diện với Tổ chức thẻ quốc tế Visa. Chính thức hợp tác từ tháng 1/2016, SCB là một trong những đối tác chiến lược của Visa, luôn nằm trong top ngân hàng có số lượng phát hành và doanh số chi tiêu thẻ Visa lớn nhất Việt Nam. Trước đó, OCB đã có lễ ra mắt thẻ tín dụng quốc tế OCB - JCB, JCB cũng là đơn vị được Kienlongbank kết hợp ra mắt thẻ tín dụng quốc tế Kienlongbank JCB. Hay như VinID MB Visa là dòng thẻ đầu tiên tích hợp cả thẻ cứng và ứng dụng app NH MB, khách hàng có thẻ sử dụng đầy đủ tính năng của thẻ, mua sắm hay thanh toán trên app mà không cần mang theo thẻ...

Cùng với đó, các nhà băng cũng triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi đối với khách hàng sử dụng thẻ tín dụng. Đơn cử như SeABank với chương trình “Tiêu phong cách - Thoả đam mê” áp dụng từ nay tới 31/12/2018 cho khách hàng mở mới thẻ tín dụng quốc tế Visa, MasterCard sử dụng để thanh toán hoá đơn mua hàng. Sacombank cũng đã tung ra hàng loạt ưu đãi, khuyến mại: miễn phí trả góp lãi suất 0% với giao dịch thanh toán, mua sắm từ 10 triệu đồng; chủ thẻ tín dụng Sacombank UnionPay nhận ưu đãi khi mua tour du lịch, hoàn tiền 10% trên tổng giá trị các giao dịch thanh toán ở nước ngoài từ nay tới hết năm 2018; nhận thưởng khi giới thiệu mở thẻ tín dụng...

Các nhà băng cũng cạnh tranh về biểu phí thẻ tín dụng với nhiều sản phẩm ưu đãi, đối tượng khác nhau. Khách hàng cũng thường hấp dẫn với những ưu đãi ở các ngân hàng này khi sử dụng thẻ tín dụng như: tỷ lệ hoàn tiền tại các điểm mua sắm, tặng tiền mặt khi chi tiêu nhiều, tặng quà khi mở thẻ, miễn thêm phí thường niên ở năm tiếp theo nếu chi tiêu đạt mức ngân hàng đưa ra...

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đang dần đơn giản hoá thủ tục mở thẻ để thu hút khách hàng như cho phép đăng ký mở thẻ trực tuyến, nộp hồ sơ trực tuyến, thời gian từ lúc đăng ký tới khi có thể sử dụng cũng được rút ngắn. Đối tượng và hạn mức của thẻ tín dụng hiện nay cũng được mở rộng hơn, không chỉ còn là “đặc quyền” của những người thu nhập cao như trước, mà hiện nay một cá nhân với thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng đã có thể sở hữu thẻ tín dụng ngân hàng với hạn mức chi tiêu lên tới vài chục triệu mỗi tháng.

Mặc dù các ngân hàng cũng tích cực đẩy mạnh thanh toán, chi tiêu qua thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi, song thực tế việc sử dụng thẻ của người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần tiếp tục hiện đại hoá các sản phẩm thẻ bằng cách ứng dụng công nghệ không chạm, thẻ phi vật lý để đáp ứng thói quen tiêu dùng của khách hàng khi đi mua sắm tại các điểm bán hàng offline.

Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo Vietcombank cũng nhận thấy, phải đồng bộ áp dụng các công nghệ, giải pháp hỗ trợ thanh toán mới để tăng tiện ích trong sử dụng thẻ cho người dùng. Đi cùng với đó là nâng cao bảo mật thanh toán giúp khuyến khích người dùng thanh toán sử dụng thẻ nhiều hơn như: áp dụng giải pháp Tokenization trong thanh toán trực tuyến và thanh toán tại POS; liên kết với các đối tác phát triển ứng dụng thanh toán trên di động để mở rộng phạm vi thanh toán cho người dùng; cùng tập trung triển khai phát hành và thanh toán contactless một cách đồng bộ để khuyến khích người dùng...

“Triển khai áp dụng thanh toán QR code để dần nâng cao thói quen chi tiêu sử dụng thẻ cho người tiêu dùng. Đối với cơ quan quản lý, rất cần thiết phải nghiên cứu triển khai thanh toán giao thông công cộng sử dụng thẻ”, ông này chia sẻ.

Khuê Nguyễn

Tin đọc nhiều