Sóng đầu tư nước ngoài lại nổi

10:05 | 10/04/2017

Làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư ngoại góp phần mang đến một cú hích về mặt tâm lý, thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng ấn tượng từ mức 680 điểm lên 720 điểm chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm 2017. 

Việt Nam rất tiềm năng với NĐT Hoa Kỳ
Việt Nam tiếp tục tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Tăng tính hấp dẫn của nền kinh tế

Trái ngược với dự đoán của nhiều người, các nhà đầu tư ngoại tiếp tục đổ vốn rất mạnh vào thị trường Việt Nam ngay trong các tháng đầu năm 2017.

Nhất là thông qua hình thức mua bán sáp nhập (M&A) khi nhắm đến các tài sản có tiềm năng sinh lợi khả quan trong trung và dài hạn. Điều này giúp xóa đi phần nào nỗi lo từ việc Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua sẽ giảm sức hút của Việt Nam trong cuộc chạy đua với các quốc gia mới nổi trong khu vực như Myanmar hay Campuchia.

Mua lại công ty nở rộ

Điển hình, trên thị trường thực phẩm F&B, chỉ hơn một năm tạm thời nói lời tạm biệt với Việt Nam, quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới KKR đã quay trở lại với thương vụ M&A trị giá tới 250 triệu USD vào Tập đoàn Masan. Nhớ lại thời điểm thoái vốn khỏi Masan Consumer (thuộc Masan Group) đầu năm 2016, KKR thu được tỷ lệ hoàn vốn lên đến gần 67%.

song dau tu nuoc ngoai lai noi
Ảnh minh họa

Ngành F&B quả thật là một trong những ngành nóng nhất hiện nay khi thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Với mục tiêu tấn công vào thị trường thịt trị giá gần 18 tỷ USD của Việt Nam, sau khi thâu tóm không thành công chuỗi bán thực phẩm tươi sống Vissan, Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã tiếp tục đầu tư vào Cầu Tre và mới đây là chi ra 306 tỷ đồng để thâu tóm Công ty Thực phẩm Minh Đạt - đơn vị tập trung sản xuất cá viên, bò viên. Thậm chí, tập đoàn này còn có ý định mua lại DN thức ăn chăn nuôi Việt Thắng từ tay của thủy sản Hùng Vương để hoàn thiện chuỗi 3F (feed-farm-food), mặc dù cho đến nay thương vụ M&A này vẫn chưa diễn ra do bất đồng về giá cả.

Hướng đến các DN chưa niêm yết cũng là cách mà một số nhà đầu tư khác lựa chọn. Mới đây, Tập đoàn hóa chất Nhật Bản là Earch Chemical chi ra gần 1.800 tỷ đồng để thâu tóm một DN trong ngành hóa mỹ phẩm là Á Mỹ Gia. Tập đoàn SCG của Thái Lan tiếp tục giấc mơ bành trướng khắp Việt Nam khi chi ra 150 triệu USD để thâu tóm Công ty xi măng ở miền Trung là VCM. Trước đó SCG đã thâu tóm thành công Holcim Việt Nam để trở thành một trong những DN xi măng dẫn đầu thị trường miền Nam.

Nâng đỡ tâm lý thị trường

Với dân số trẻ, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá so với các quốc gia khác trong khu vực đã thúc đẩy các nhà đầu tư nhòm ngó thị trường Việt Nam, trong đó có bán lẻ và bất động sản. Theo khảo sát 2017 của hãng tư vấn bất động sản CBRE thì bên cạnh hai thị trường phát triển Úc và Nhật Bản được giới đầu tư ưa thích nhất ở châu Á, Việt Nam đang nhận được sự quan tâm ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Do tính đặc thù, rủi ro khi đầu tư vào Việt Nam là không hề nhỏ bởi thị trường kém minh bạch và hệ thống luật lệ phức tạp, bên cạnh công cụ M&A, một lựa chọn mà một số nhà đầu tư ngoại thích triển khai là hợp tác, liên doanh với các DN trong nước để tận dụng được kinh nghiệm về thị trường nội địa của các đối tác này.

Ví dụ như hãng máy bay giá rẻ của Malaysia (Air Asia) đã ký hợp tác với Tập đoàn Thiên Minh để thành lập hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam hay nhà đầu tư bất động sản Keppel Land (Singapore) tiếp tục liên doanh với Tiến Phước, Trần Thái để phát triển các dự án bất động sản khá lớn tại khu Đông Sài Gòn trong năm nay.

Làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư ngoại góp phần mang đến một cú hích về mặt tâm lý, thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng ấn tượng từ mức 680 điểm lên 720 điểm chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm 2017. Tính từ đầu năm đến ngày 10/3, tổng vốn mua ròng của các nhà đầu tư ngoại bất ngờ lên tới 1.502 tỷ đồng, ngược lại hoàn toàn với con số bán ròng 744 tỷ đồng của quý I/2016. Có vẻ như, thách thức từ việc Fed nâng lãi suất không còn như bóng ma ám ảnh quá lớn đến hành vi của khối ngoại nữa.

“Khối ngoại đã trở lại mua ròng tốt và tôi kỳ vọng xu thế này sẽ được duy trì trong năm nay, cho dù áp lực bán ròng tại một số thời điểm hoàn toàn có thể xảy ra do ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất. Lý do là nền tảng vĩ mô cải thiện như tăng trưởng kinh tế khởi sắc hơn, lạm phát và tỷ giá sẽ được kiểm soát tốt. Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường tài chính theo hướng tự do hơn và tiếp tục nới room cho khối ngân hàng”, ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán KIS Việt Nam lạc quan nhận định về viễn cảnh dòng vốn ngoại.

Nam Minh

Tin đọc nhiều