Sức mua trên thị trường không tăng

12:15 | 02/10/2015

Đến thời điểm sản xuất hàng cuối năm, nhưng sức mua yếu, hàng tồn kho tăng khiến DN gặp khó.

suc mua tren thi truong khong tang
Ảnh minh họa

Nỗi buồn ra đường gặp hàng… ế

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, chủ cửa hàng tiện lợi Vy Oanh (đường Cách mạng Tháng Tám, Q.10, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, với diện tích gần 100m2, cửa hàng kinh doanh khoảng 150 nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đúng nghĩa một siêu thị mini.

Trước đây, doanh số bán khoảng 10 triệu – 12 triệu đồng/ngày, những dịp lễ, Tết tăng thêm 30%. Nhưng từ 6 tháng trở lại đây, thì sức mua giảm sút gần 50%, thậm chí có ngày chỉ thu được 3 triệu – 4 triệu đồng. Do bán chậm, shop còn tăng cường thêm nhóm hàng thực phẩm dùng trong ngày như trái cây, rau xanh, bún tươi…

Rất nhiều nhãn hàng của các công ty sản xuất (bột giặt, bánh kẹo, thịt cá hộp, dầu gội đầu…) luôn tặng kèm quà khuyến mãi, nhưng shop vẫn không tăng doanh số được quá 10 triệu đồng/ngày. Nhiều loại hàng bán quá chậm (trà, cà phê, đồ hộp, bánh) đến gần hết hạn sử dụng.

Không riêng cửa hàng tiện lợi, chợ, shop thời trang, hàng điện máy cũng chung tình trạng bán chậm và phải tiêu thụ hàng tồn kho quanh năm. Một nhân viên của siêu thị điện máy lớn nằm đường Cách mạng Tháng Tám (Q.10) cho biết, khu vực bán hàng khuyến mãi giảm giá của siêu thị luôn có gần 300 mặt hàng bán với giá rẻ từ vài chục nghìn/sản phẩm.

Thoạt nhìn, đây là khu vực bán hàng ưu đãi, nhưng quan sát kỹ hàng hóa từ tivi, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện…. đều là hàng đời cũ, một số có xuất xứ từ Trung Quốc, chất lượng tương xứng với giá giảm. Khu vực hàng đồ gỗ nội, ngoại thất cũng lâm vào tình trạng bán chậm, ế ẩm.

Nhiều cửa hàng đồ gỗ khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) tuyển tiếp thị, chuyển hướng kinh doanh bằng việc chào hàng với nhà thầu xây dựng những dự án căn hộ, khu đô thị…

Ông Nguyễn Thành Công, chủ cửa hàng đồ gỗ trang trí nội thất Hoàng Công (đường Cộng Hòa, quận Tân Bình) cho biết, sức mua đồ gỗ nội ngoại thất tại cửa hàng hiện nay giảm gần 40% so với thời kỳ thịnh vượng ba năm trước. Mặc dù thị trường xây dựng đang tốt lên, song tập trung nhiều vào xây dựng dự án nhà ở lớn hay cơ sở hạ tầng. Khách hàng lẻ chỉ còn trên đầu ngón tay.

DN chưa thoát khó

Ông David Anjoubault, Tổng giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết, khảo sát mới nhất trong quý III/2015 thị trường Việt Nam cho thấy, về dài hạn tốc độ tăng trưởng tiêu dùng vẫn yếu hơn so với năm 2014.

Trong ngắn hạn, tính từ quý III/2014 đến nay, thị trường thành thị tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng, nhưng không cao. Các DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước hiện nay vừa có cơ hội, vừa thách thức. Cơ hội từ chương trình Người Việt dùng hàng Việt tạo dấu ấn tốt với người tiêu dùng Việt và họ đang có khuynh hướng ưu tiên dùng hàng Việt nhiều hơn.

Đặc biệt, hàng Việt giờ đây không còn đồng nghĩa với chất lượng kém và giá thấp nữa, bởi các DN Việt đã nỗ lực rất nhiều để chứng minh chất lượng hàng Việt không thua kém hàng ngoại, lại hợp túi tiền của người tiêu dùng. Thách thức của DN nội là sức mua trên thị trường đứng yên, thậm chí còn giảm sút.

Cụ thể, thời gian vừa qua có nhiều chương trình khuyến mãi nhân dịp Lễ 2/9, mua sắm cho năm học mới, mùa bánh Trung thu. Nhưng sức mua sắm hàng hóa và các dịch vụ cũng chỉ tăng nhẹ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng/2015 tăng 11% (so cùng kỳ năm 2014). Các mặt hàng phục vụ nhu cầu hàng ngày như lương thực, thực phẩm, may mặc, hàng tiêu dùng… có mức tăng thấp hơn mức tăng chung.

Theo bà Nguyễn Thị Báu, Giám đốc Công ty Thời trang Nguyên Tâm (thương hiệu Foci), chưa bao giờ DN sản xuất kinh doanh khó khăn ở thị trường nội như hiện nay. Mặc dù nhìn thấy mức sống của người dân thành phố như đã giàu lên, nhưng sức mua lại sụt giảm, thêm sự cạnh tranh gay gắt với hàng nhập từ các nước láng giềng (Trung Quốc, Thái Lan…) khiến DN trong nước ngày càng khó khăn.

Điều không thể tránh là hàng sản xuất, tiêu thụ chậm, tồn kho ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Thạnh, chủ shop thời trang (quần áo, giày, túi xách…) tại chung cư Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận cho biết, rất nhiều công ty sản xuất hàng may mặc, giày dép, túi xách có tiếng cũng chào bán giá rẻ hàng tồn kho của họ. Có công ty còn chịu đứng sau để các cửa hàng nhỏ, lẻ đủ sức duy trì quầy hàng giảm giá quanh năm.

Từ thực tế này cho thấy, mặc dù Bộ Công Thương đánh giá chung, tình hình tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tiêu thụ khá, tồn kho thấp hơn so với cùng kỳ 2014. Nhưng đối với DN, nhất là DNNVV thì vẫn là khó khăn chồng chất.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều