Tái cơ cấu DNNN và CPH: Cần thay đổi tư duy tiếp cận

08:51 | 01/09/2017

Doanh nghiệp Nhà nước làm chưa tròn vai, chưa hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt và tạo động lực phát triển.

Thêm một giải pháp thúc đẩy cổ phần hoá, bán vốn tại DNNN
Cơ cấu lại DNNN: Lấy hiệu quả kinh tế làm trọng
Tái cơ cấu DNNN: Vì lợi ích hay do “cưỡng bức”?

Thế lớn nhưng lực không mạnh

Qua 15 năm sắp xếp, cơ cấu lại, đến nay, số lượng DNNN đã giảm mạnh, từ hơn 6.000 (năm 2001) chỉ còn khoảng 700 DN vào năm 2016, nghĩa là 88% số DNNN đã chuyển đổi hình thái tồn tại, hoặc không còn là DNNN, hoặc không tồn tại nữa.

Việc giảm số lượng DNNN và giảm lĩnh vực nắm giữ đã thu hẹp địa bàn hoạt động của DNNN, tăng không gian cho khu vực tư nhân. Năm 2001, DNNN còn nắm giữ 60 ngành, lĩnh vực then chốt thì nay chỉ còn 19. DNNN giảm về số lượng nhưng quy mô vốn bình quân tăng khá mạnh và tỷ trọng đóng góp trong GDP vẫn có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước.

tai co cau dnnn va cph can thay doi tu duy tiep can
Cần đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn thị trường vào công tác CPH một cách triệt để

Tuy nhiên, thành tích CPH không phản ánh chân thực bức tranh CPH nhìn từ góc độ tái cơ cấu nền kinh tế. Kết quả CPH đang cho thấy những vấn đề “đối nghịch”, hay một nghịch lý phát triển. Tuy giảm mạnh về số lượng nhưng DNNN vẫn duy trì tỷ trọng trong GDP ở mức 30%, hiệu quả hoạt động vẫn thấp, thậm chí suy giảm liên tục.

Tuy chúng ta vẫn xác định, kinh tế nhà nước và DNNN vẫn nắm giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng nòng cốt “chốt giữ” những thành phần quan trọng của nền kinh tế, song, thực chất DNNN làm chưa tròn vai, chưa hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt và tạo động lực phát triển.

Chưa kể, hiệu quả sử dụng vốn, tốc độ tăng năng suất lao động giảm là điều đáng lo ngại. Nhiều khi DNNN còn là yếu tố gây mất cân đối, phá vỡ ổn định vĩ mô, gây tổn thất cho nền kinh tế cả trực tiếp (mất vốn, lãng phí lớn) lẫn gián tiếp (làm méo mó môi trường kinh doanh). Tình trạng nhiều dự án đắp chiếu, nhiều DN thua lỗ, gánh nặng nợ - nợ xấu của khu vực DNNN là điều thực sự bức xúc. Nghiêm trọng hơn, DNNN chính là lực lượng “đóng góp” nhiều nhất vào gánh nặng nợ quốc gia - vốn được coi là “cục máu đông” cản trở phát triển kinh tế lớn nhất.

Vì thế, so với nguồn lực được giao, với những ưu đãi, những đặc quyền, những hỗ trợ mà Nhà nước dành cho và đặc biệt là nếu so với “trọng trách” phải gánh vác thì đóng góp của DNNN còn xa mới tương xứng.

Một đặc điểm gây quan ngại là DNNN thường hoạt động trong tình trạng “tay không bắt giặc”: tỷ lệ vốn tự có thấp hoặc rất thấp, tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu cao gấp 3-10 lần. Riêng số nợ của DNNN năm 2016 lên tới 324 tỷ USD, bằng 158% GDP. Tỷ lệ vay vốn ngân hàng lớn và vốn chiếm dụng lẫn nhau cao cho thấy thực lực tài chính yếu kém và thực trạng tài chính đầy nguy cơ của DNNN. Trên thực tế, hoạt động của DNNN không chỉ dẫn đến nguy cơ phá sản của chính mình mà còn làm tăng gánh nặng nợ quốc gia.

Làm ít để an toàn

CPH và thoái vốn với mục tiêu chính là chuyển nguồn lực quốc gia từ khu vực kém hiệu quả là khu vực DNNN sang khu vực sử dụng hiệu quả hơn là khu vực tư nhân. Nhưng như Thủ tướng Chính phủ đã nói: “96,5% số DNNN được CPH, nhưng chỉ có 8% số vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân”. Như vậy là không công bằng khi nguồn lực hầu như vẫn không suy chuyển. Nghịch lý này phản ánh hệ quả tất yếu của cơ chế hoạt động được dẫn dắt bởi động cơ chủ nghĩa thành tích vẫn đang là phổ biến và chi phối hoạt động của hầu như tất cả các lĩnh vực.

tai co cau dnnn va cph can thay doi tu duy tiep can

Mặc dù số lượng DNNN được lên kế hoạch CPH là rất lớn, song tỷ lệ vốn nhà nước được phép bán rất hạn chế. Trên thực tế, là không đủ để thay đổi cấu trúc sở hữu và quản trị DN, nên chủ thể mới không thể tham gia điều hành hoạt động, chưa nói là chi phối hoạt động của DN. Đó cũng là lý do tại sao DN tư nhân ít mặn mà với việc mua DNNN.

Chính phủ đã phê phán mạnh tình trạng CPH kiểu hình thức và yêu cầu thay đổi cách CPH, thay đổi cách tái cơ cấu DNNN, đã thường xuyên thúc đẩy và chỉ đạo “quyết liệt thực hiện”. Nhưng vì sao tái cơ cấu DNNN và CPH, thoái vốn không đạt mục tiêu, không đạt chất lượng?

Trước hết, là từ tư duy vẫn ám ảnh nỗi lo trách nhiệm về “bán” vốn nhà nước. Điều này dẫn đến cách làm bảo đảm an toàn, chỉ vừa đủ đạt kế hoạch về số lượng, không làm vì mục tiêu “hiệu quả”, nhằm phân bổ lại nguồn lực quốc gia để sử dụng hiệu quả hơn.

Thứ hai là tâm lý không muốn CPH, không muốn bán DNNN làm ăn hiệu quả và đang được thị trường định giá cao.

Thứ ba, trách nhiệm cá nhân trong CPH chưa được đề cao, hầu như không có các biện pháp, chế tài đối với các cá nhân chịu trách nhiệm nhưng không hoàn thành nhiệm vụ, cũng không có hệ thống giám sát và đốc thúc.

Thứ tư, chính sách bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cũng còn quá thận trọng, chưa linh hoạt, thiếu hấp dẫn nên chưa thực sự thu hút được các nhà đầu tư chiến lược tham gia…

Và để làm như Chính phủ chỉ đạo, trước hết cần thay đổi quan điểm về cách tiếp cận, cần coi khu vực tư nhân là đồng chủ thể để giải quyết vấn đề CPH chứ không phải là đối thủ cạnh tranh trong quan hệ mua – bán thông thường. Cần đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn thị trường, đặc biệt là hệ thống giá cả thị trường và cơ chế định giá tài sản thị trường vào công tác CPH một cách triệt để. Hệ thống pháp luật gắn với CPH phải được đơn giản hóa, ít xung đột và trói buộc nhau. Sự chậm trễ CPH cũng bắt nguồn từ sự trói buộc này cộng với việc lợi dụng nó để trục lợi.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tin đọc nhiều