Tài sản Nhà nước đã bị bán rẻ

08:44 | 13/09/2017

Việc định giá DNNN để tiến hành CPH còn nhiều bất cập, nhất là giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền được thuê đất ở những vị trí đắc địa thương hiệu, lợi thế kinh doanh và xác định giá bán cổ phiếu lần đầu...

CPH: Thành tích thật mà không thật
Tái cơ cấu DNNN và CPH: Cần thay đổi tư duy tiếp cận
Định giá đúng để tránh mất vốn nhà nước

CPH sôi động vì trục lợi tài sản Nhà nước

“Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tiến hành kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi CPH của 7 DN năm 2016, đã xác định vốn nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ đồng”, TS. Hồ Đức Phớc, Ủy viên TW Đảng, Tổng KTNN cho biết. Và ông Hà Quang Hàm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nói rằng: Trong thực tế, quá trình CPH có tình trạng định giá thấp hơn giá trị DN, bán rẻ tài sản của Nhà nước. Việc thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình CPH đã xảy ra rồi, như Điện Quang bán tài sản với giá rất thấp. Các chuyên gia của Anh đã chỉ cho chúng ta thấy có DN vừa đưa cổ phiếu ra thị trường, ngay phiên đầu tiên đã tăng giá 72% so với giá trị.

tai san nha nuoc da bi ban re
Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ IPO vào cuối năm 2017

Và theo kết quả KTNN năm 2016, kiểm toán ở 8 DN CPH đều thấy giá trị DN và giá trị vốn Nhà nước ở DN đã báo cáo thấp hơn giá trị KTNN xác định. Trong đó, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn có giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN theo báo cáo là hơn 40.342 tỷ đồng nhưng kết quả kiểm toán xác định vốn Nhà nước tại DN là 44.900 tỷ đồng, cao hơn báo cáo 4.600 tỷ đồng, và tổng giá trị tài sản của DN cao hơn báo cáo 5.400 tỷ đồng. Sau khi kiểm toán Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, kiểm toán xác định vốn Nhà nước tại DN là 33.500 tỷ đồng cao hơn số báo cáo hơn 2.000 tỷ đồng và tổng giá trị tài sản của DN cũng cao hơn báo cáo 2.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng, KTNN chuyên ngành 6 (KTNN) cho biết, trong quá trình xác định giá trị DN khi CPH, còn tình trạng kiểm kê sót tài sản hoặc phân loại tài sản để xử lý chưa đầy đủ, xác định thiếu giá trị lợi thế kinh doanh, giá trị thương hiệu và tiềm năng phát triển, định giá quyền sử dụng đất và nhượng bán đất và tài sản trên đất còn nhiều bất cập.

Khi phát biểu về kết quả CPH nhà nước, TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng chỉ ra rằng: “Mặt bằng, đất đai”, gắn với nó là lợi thế địa điểm (lợi thế địa – kinh tế) của DNNN luôn là thứ tài sản được đánh giá cao nhất trong tất cả các loại tài sản của các DNNN được CPH. Tuy nhiên, trong quá trình CPH thực tế, loại tài sản này về nguyên tắc, không được mang ra định giá và bán. Chính đây là điểm làm cho quá trình CPH DNNN luôn dễ dàng biến thành một quá trình trục lợi mà phần thiệt luôn luôn ở phía người chủ sở hữu tài sản đó (nhà nước), còn lực lượng luôn bị cản trở tiếp cận đến tài sản đó chính là cộng đồng DN tư nhân.

Từ những ý kiến đã nêu, dễ hiểu tại sao việc định giá DNNN để tiến hành CPH còn nhiều bất cập, nhất là giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền được thuê đất ở những vị trí đắc địa thương hiệu, lợi thế kinh doanh và xác định giá bán cổ phiếu lần đầu... “Sự sôi động của quá trình CPH trong thời gian qua, nếu có, thực chất chỉ là các hoạt động đầu cơ mang tính trục lợi đối với tài sản DNNN được bán ra do cách thức và quy trình CPH, quy trình cung cấp thông tin và định giá lỏng lẻo một cách có chủ đích”, Viện trưởng Thiên thẳng thắn nói.

Đất vàng không được định giá, giao dịch ngầm khó kiểm soát

Về vấn đề đất đai trong thực hiện CPH DNNN cũng còn nhiều bất cập, tiêu cực, thất thoát. Mặc dù pháp luật đã quy định xác định giá đất cụ thể đối với trường hợp tính giá trị quyền sử dụng đất khi CPH DNNN, nhưng trên thực tế vẫn còn những trường hợp xác định giá đất còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường, chưa công khai giá một cách minh bạch dẫn đến gây thất thoát cho ngân sách.

Vẫn còn tình trạng DN cổ phần sử dụng quyền sử dụng đất (phần vốn của Nhà nước là quyền sử dụng đất trong DN cổ phần) để góp vốn sản xuất kinh doanh với nhà đầu tư khác nhưng thỏa thuận giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn thấp hơn giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá thị trường. Có những trường hợp thực hiện việc bán tài sản, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước không tuân theo quy định, gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Có trường hợp sau khi CPH, DN cổ phần đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định.

Bên cạnh đó, việc khó kiểm soát giao dịch ngầm hay thỏa thuận của các nhà thầu, nhà đầu tư trong công tác đấu thầu, đấu giá và đa số chỉ phát hiện được những việc này khi các giao dịch này đã xong. Đặc biệt quy định về kiểm soát, năng lực, điều kiện của các nhà đầu tư khi tham gia mua bán DN đã âm vốn chủ sở hữu nhưng còn tài sản, công nợ (mua giá tượng trưng, giá không đồng) còn chưa cụ thể.

Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN, đặc biệt là số các DN còn lại ở giai đoạn này đa phần là các DN có quy mô về tài sản rất lớn, nguy cơ của việc thất thoát tiền và tài sản Nhà nước trong quá trình xác định giá trị DN càng trở lên hiện hữu.

Để đảm bảo cho quá trình CPH DNNN diễn ra một cách minh bạch, công bằng, tránh thất thoát nguồn lực Nhà nước “Cần thiết phải có sự vào cuộc của KTNN. Ta đang phát triển theo kinh tế thị trường thì vấn đề định giá tài sản đúng chuẩn cần phải hết sức lưu ý để không làm thất thoát tài sản Nhà nước”, ông Hàm nhấn mạnh.

Kết quả kiểm toán xác định giá trị DN trước khi CPH đã tạo niềm tin cho công chúng, Quốc hội và Chính phủ trong thực hiện các chủ trương lớn về CPH DNNN và tái cơ cấu DNNN. Theo quy định mới, DN có vốn trên 1.800 tỷ đồng (quy định cũ là 5.000 tỷ đồng) phải thực hiện kiểm toán kết quả xác định giá trị DN và hiện có 80 DN lên đến quy mô này, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho biết.

Kiểm toán kết quả định giá DNNN có ý nghĩa rất lớn không chỉ dừng lại ở việc xác định tăng giá trị thực tế vốn Nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính mà quan trọng hơn là KTNN đánh giá thực trạng công tác định giá DN, các tồn tại bất cập đang diễn ra trong quá trình CPH để kịp thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế chính sách hiện hành nhằm minh bạch hóa, góp phần phòng chống tham nhũng, thất thoát tài sản công trong quá trình thực hiện CPH DNNN, đẩy nhanh tiến trình CPH DN, ông Hồ Đức Phớc cho biết.

Tri Nhân

Tin đọc nhiều