Tận dụng ngoại lực để thúc đẩy kinh tế | |
Tạo thuận lợi thu hút FDI |
Ông Nicolas Audier |
Gần đây mọi người nói nhiều về xu hướng chuyển dịch của các DN FDI khỏi Trung Quốc nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại (CTTM) Mỹ - Trung, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
CTTM Mỹ - Trung là điều không tốt, cho cả các bên khác như EU, Nhật Bản hay Việt Nam. Các DN dù là DN lớn hay các DN nhỏ đều không vui vì điều này. Đúng là chúng ta đang thấy có xu hướng các DN FDI chuyển khỏi Trung Quốc sang Việt Nam; nhưng tôi không nghĩ xu hướng này là lớn hay CTTM là yếu tố quyết định.
Một trong những lý do là vì Mỹ cũng đang có thâm hụt thương mại lớn với Việt Nam và nếu thâm hụt tiếp tục tăng lên thì Mỹ có thể đưa ra một số quy định khiến cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ khó khăn hơn. Hơn nữa, giả sử nếu FDI chuyển hết từ Trung Quốc sang Việt Nam (như trong các ngành may mặc, da giày) thì Việt Nam cũng không đủ khả năng để hấp thụ được, như họ có thể cần thêm tới hàng triệu lao động có tay nghề và như thế thì nền kinh tế này không thể đáp ứng được.
Thế nên tôi cho rằng xu hướng chuyển dịch như vậy là có nhưng sẽ không phải là quá lớn hay đột biến trong ngắn hạn.
Ông có thấy dấu hiệu các DN của EU đang hoạt động tại Trung Quốc chuyển hoặc muốn chuyển sang Việt Nam không?
Điều đó thì chắc chắn có. Điều dễ thấy là với giao dịch thương mại không ngừng gia tăng giữa Việt Nam và EU thì chắc chắn dòng vốn FDI vào Việt Nam và sản xuất từ Việt Nam để xuất khẩu sang EU cũng tăng lên theo. Chúng tôi thấy có rất nhiều đoàn công tác của các DN châu Âu từ Trung Quốc đã sang tìm hiểu thị trường Việt Nam và điều này diễn ra thường xuyên và đây có thể khẳng định là một xu hướng.
Một dẫn chứng khác là 3-4 năm trước, số DN thành viên của EuroCham chúng tôi chỉ khoảng 600, đến nay thì con số này đã lên tới hơn 1 nghìn DN, nó cho thấy sự gia tăng nhanh chóng. Tôi nghĩ vì nhiều lý do mà Việt Nam thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư châu Âu.
Trong đó, nổi lên là môi trường chính trị ổn định, nhân khẩu học thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thân thiện hơn, nền kinh tế rất mở với bên ngoài và hội nhập của Việt Nam ngày càng tốt hơn với chuỗi giá trị toàn cầu. Có thể nói trong các nước ASEAN thì Việt Nam thực sự đang là nền kinh tế bùng nổ.
Lao động có tay nghề cao sẽ là yếu tố quyết định để thu hút FDI |
Vậy điều gì khiến các DN châu Âu tìm đến Việt Nam?
Các DN châu Âu vào Việt Nam không phải vì để tránh CTTM Mỹ - Trung mà họ vào vì tin tưởng rằng một khi EVFTA có hiệu lực sẽ tạo thuận lợi cho họ trong kinh doanh. Tức là họ nhận thấy Việt Nam có tiềm năng và ngày càng hội nhập tốt vào chuỗi sản xuất toàn cầu của EU. Đơn cử chỉ Việt Nam và EU đã tạo ra thị trường 600 triệu người tiêu dùng. Nó lớn hơn so với thị trường Mỹ rất nhiều. Nên tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy ngày càng có nhiều vốn FDI từ châu Âu đổ vào Việt Nam hơn và điều đó sẽ giúp tiếp tục thúc đẩy thương mại giữa hai bên.
Nhưng chênh lệch thương mại (EU đang có thâm hụt thương mại lớn từ Việt Nam) thì sẽ khó xóa bỏ được. Bởi vì có những ngành công nghiệp hiện đã không còn ở EU như giày da, dệt may hay thậm chí cả điện tử, điện thoại. Như Tập đoàn Samsung hiện nay xuất khẩu vào EU khoảng 15 tỷ USD các mặt hàng mà EU cũng không sản xuất nữa. Nên tôi nghĩ FDI của EU vào Việt Nam sẽ ngày càng tăng lên nhưng khoảng cách chênh lệch thương mại sẽ vẫn tiếp tục.
Để giảm bớt khoảng cách thương mại đó thì phía EU sẽ làm gì, như có khuyến khích Việt Nam mua các công nghệ của EU không?
Như chúng ta đang bàn rất nhiều về CMCN 4.0 ở Việt Nam thì tôi nghĩ là đầu tư của phía EU vào công nghiệp số ở Việt Nam sẽ gia tăng. Tuy nhiên, chúng tôi cần Việt Nam có một khung khổ pháp lý đầy đủ và thân thiện hơn, hay chúng tôi cũng kỳ vọng kết nối thương mại tốt hơn, như hiện nay thì rất khó để bán xe ô tô tại Việt Nam hay bán các công nghệ dược phẩm… Và chúng tôi hy vọng với EVFTA thì sẽ giúp tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại hơn và do đó vốn FDI từ EU cũng vào Việt Nam nhiều hơn.
Ông có thể cập nhật các thông tin mới nhất liên quan đến EVFTA?
Nội dung của EVFTA thì đến nay gần như không còn vấn đề gì. Vấn đề chỉ liên quan đến phía châu Âu. Theo hệ thống thể chế của châu Âu thì một hiệp định như EVFTA sẽ trải qua 3 cấp chấp thuận: Thứ nhất là Ủy ban châu Âu, thì Ủy ban đã thông qua EVFTA vào tháng 10/2018 rồi.
Tiếp đó, Ủy ban châu Âu trình EVFTA lên Hội đồng châu Âu xem xét và cuối cùng là xin phê chuẩn từ Nghị viện châu Âu. Hiện giờ thì EVFTA đang nằm ở Hội đồng châu Âu và kỳ vọng là vào khoảng tháng 6 đến tháng 8 tới đây thì hai bên sẽ ký. Sau khi ký thì EVFTA sẽ được chuyển tới Nghị viện châu Âu để đánh giá và xem xét phê chuẩn. Chúng tôi kỳ vọng là trong kịch bản tốt nhất thì vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới thì hiệp định sẽ được phê chuẩn.
Nghị viện châu Âu mới (sau bầu cử vào tháng 5 tới) sẽ có rất nhiều việc phải làm, vậy liệu họ có thể phê chuẩn EVFTA như kỳ vọng trên?
Tôi nghĩ thời điểm này Nghị viện châu Âu đang tập trung vào vấn đề rất lớn là Brexit. Và có thể quan chức trong Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu đang phải tập trung vào xác định các viễn cảnh của Brexit. Vì nguồn lực đang được tập trung vào đó nên vấn đề phê chuẩn EVFTA có thể sẽ chậm hơn. Chính vì vậy chúng tôi kỳ vọng là sau khi Hội đồng châu Âu chấp thuận và hai bên Việt Nam - EU ký vào khoảng tháng 6 đến tháng 8, Nghị viện châu Âu mới sẽ phê chuẩn vào khoảng tháng 10 tới.
Chúng tôi kỳ vọng như vậy và mong muốn thúc đẩy nhanh quá trình phê chuẩn EVFTA, bởi các DN và nhà đầu tư châu Âu lo ngại nếu chậm trễ họ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ các bên thứ ba – vốn đã và đang được hưởng lợi từ các FTA mà Việt Nam là thành viên hiện nay như CPTPP.
Xin cảm ơn ông!
LC thực hiện