Tăng kiểm soát, xử lý thực phẩm nhập khẩu
Thị trường Việt Nam nói chung và thị trường hàng nông - thủy sản, thực phẩm nhập khẩu nói riêng đang bước đầu giai đoạn mở cửa. Từ năm 2016, hàng hóa của các nước khối ASEAN và thế giới sẽ tiếp cận người tiêu dùng trong nước ngày càng nhiều.
Vì vậy từ cuối năm 2015, Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức thực hiện kiểm soát ATTP nông - thủy sản nhập khẩu theo chuẩn mực quốc tế. Các cơ quan thuộc bộ đã đánh giá, chỉ định 116 phòng kiểm nghiệm ATTP.
Trong đó, có 54 phòng kiểm nghiệm thuộc bộ và 62 phòng kiểm nghiệm ngoài ngành, kể cả các phòng kiểm nghiệm tư nhân (như SGS của Hà Lan, Tuv của Đức, Intertek, Burau Veritas của Anh...). Năng lực tổng hợp của các phòng kiểm nghiệm cơ bản đáp ứng được nhu cầu phân tích các chỉ tiêu chất lượng, ATTP theo yêu cầu quản lý cũng như phục vụ nhập, xuất khẩu.
Các trường hợp nông - thủy sản, thực phẩm nhập khẩu không đạt yêu cầu sẽ ngay lập tức bị tịch thu, tiêu hủy (trong năm 2015 đã tiêu hủy trên 10 lô sản phẩm nguồn gốc động vật không đảm bảo ATTP).
Các mặt hàng nông sản ngoại vào chợ chưa được kiểm soát chất lượng chặt chẽ |
Theo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản, tại các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương liên tục tổ chức điều tra, xác minh thông tin gạo giả, mực (khô mực ăn liền) giả trên thị trường; Kiểm tra nguồn hóa chất sử dụng để dấm chuối, bảo quản hành tím tại Hà Nội, Sóc Trăng; hay thông tin sầu riêng bị nhúng hóa chất làm chín...
Minh bạch thông tin
Mới đây nhất, Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Vĩnh Long đã kiểm tra và thu giữ trên 5 tấn bong bóng cá sấy khô đang vận chuyển từ cửa khẩu Tịnh Biên (tỉnh An Giang) về TP. Hồ Chí Minh. Loạt hàng này không có chứng nhận của cơ quan kiểm tra ATTP, không nhãn tiếng Việt...
Tương tự, Đội Quản lý Thị trường 12B TP. Hồ Chí Minh cũng vừa kiểm tra một kho hàng tại quận 12, phát hiện trên 2 tấn các loại bánh kẹo, thực phẩm, thực phẩm chức năng có xuất xứ từ Thái Lan, không chứng từ hóa đơn, không nhãn phụ tiếng Việt, không hạn sử dụng... Thông tin về kết quả kiểm tra đều được cung cấp chính xác để doanh nghiệp nhập khẩu, nhà sản xuất, người tiêu dùng có thể yên tâm.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung đầu tư nâng cấp các phòng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế về phòng kiểm nghiệm kiểm chứng chất lượng ATTP nông - lâm thủy sản. Đồng thời hỗ trợ các địa phương tăng cường năng lực kiểm nghiệm, kiểm tra nhanh ATTP và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm nghiệm, tư vấn, chứng nhận chất lượng ATTP nông-lâm thủy sản, thực phẩm nhập khẩu.
Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội Xuân 2016 đang đến gần. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, trong đó rất nhiều sản phẩm do ngành nông nghiệp trực tiếp quản lý và phối hợp với các bộ, ngành khác. Ở thị trường bán lẻ TP. Hồ Chí Minh, ghi nhận thực tế thị trường thực phẩm nhập khẩu cho thấy, tuy chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 15% thị phần, nhưng nông - thủy sản, thực phẩm nhập khẩu đang ngày càng đa dạng, được người tiêu dùng Việt Nam biết đến và ưa chuộng.
Cụ thể, tại một số chợ chuyên biệt như chợ hàng Campuchia Hồ Thị Kỷ (Q.10, TP. Hồ Chí Minh) chuyên kinh doanh cá khô, khô thịt bò, thịt trâu từ Campuchia, Thái Lan, Mayanmar... Chợ đầu mối nông sản Bình Điền với rất nhiều mặt hàng như đường kính trắng, đậu các loại (xanh, đen, đỏ...), gạo, cá khô, mực khô... Các mặt hàng nông sản ngoại kể trên vào chợ qua đặt hàng của tiểu thương, việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng chưa hẳn đã chặt chẽ.
Theo bà Nguyễn Thu Dung, chủ quầy thực phẩm Dung, chợ Hồ Thị Kỷ, hàng Tết từ Campuchia chỉ loại nào bán được (như cá khô, khô bò) tiểu thương mới gọi điện đặt bạn hàng từ Campuchia đóng gói gửi sang (đường bộ tuyến cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh). Hiện nay, hầu hết hàng Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc về chợ theo cách này. Và cũng ít thấy hàng bị kiểm tra chất lượng tại chợ.
Thanh Hồng