Tăng liên kết, thêm tiện ích cho di động

16:33 | 04/01/2018

Công nghệ đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, dần loại bỏ những thủ tục, cách thức rườm rà, thay thế bằng những phương thức hiện đại, linh hoạt, tiết kiệm thời gian...

Ngành ngân hàng không nằm ngoài xu hướng này. Đặc biệt ngân hàng số đã trở thành xu thế phát triển được phần đông ngân hàng thương mại, cơ quan quản lý của nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận và chủ tâm đầu tư. Tại Việt Nam, chú trọng đầu tư phát triển lĩnh vực này được nhiều ngân hàng chú trọng và đạt được những thành quả lớn lao.

tang lien ket them tien ich cho di dong
MyVIB vừa cập nhật công nghệ bảo mật sinh trắc học qua nhận diện khuôn mặt

Việt Nam có nhiều điều kiện và thuận lợi để phát triển ngân hàng số khi tốc độ tăng trưởng internet, tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh, máy tính… hàng năm thuộc hàng cao trên thế giới. Cũng bởi ngân hàng số hoạt động chủ yếu dựa vào các nền tảng và dữ liệu điện tử để kinh doanh sản phẩm, dịch vụ nên cần sự đầu tư lớn về tài chính.

Đóng góp quyết định vào thành quả này phải kể tới sự thúc đẩy mạnh mẽ bởi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, hỗ trợ thay đổi nhanh chóng thực tiễn sản xuất – kinh doanh tại mọi lĩnh vực. Đó còn là quá trình góp sức đáng kể vào tiến trình này của các công ty tài chính công nghệ (Fintech).

Không chỉ mang tới sự đổi mới, sáng tạo không ngừng với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại giúp thay đổi quy trình nghiệp vụ truyền thống của ngành tài chính - ngân hàng, trong đó bao gồm các nghiệp vụ như nhận gửi, cho vay, thanh toán, quan trọng nhất vẫn là đem đến nhiều trải nghiệm mới mẻ hơn, đầy hứng thú hơn cho người tiêu dùng dịch vụ tài chính với chi phí thấp.

Việt Nam đặt mục tiêu về nền kinh tế hạn chế dùng tiền mặt không còn trên giấy, khi nhiều đơn vị cùng hợp tác với nhau, trong đó nổi lên vai trò đặc biệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc đưa ra khung chính sách về thuế theo hướng hạn chế lưu thông tiền mặt và hồ sơ, tờ khai in giấy, khuyến khích giao dịch qua môi trường số.

Đơn giản hóa thủ tục giấy phép cho các dịch vụ liên quan đến ngân hàng số. Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, pháp quy nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng, chuẩn kết nối mở, chia sẻ dữ liệu (qua open API), nhận biết khách hàng điện tử (eKYC)… làm “đòn bẩy” cho sự phát triển của ngân hàng số. Được như vậy sẽ ngày càng có nhiều công ty cùng hợp sức với nhau khiến hiệu quả truyền thông tới khách hàng càng lan tỏa tốt hơn.

Một đất nước đông dân như Ấn Độ năm ngoái đã quyết định ngưng sử dụng tiền mặt cho các hoạt động giao thương. Điều đó càng chứng tỏ khi Nhà nước quyết liệt thực hiện các chính sách giảm bớt tiền mặt, doanh nghiệp nhìn nhận đây là điều nên làm, còn người dân cũng nhận ra rằng, thay vì phải mang theo tiền mặt trong người, họ có nhiều lựa chọn tốt hơn và an toàn hơn. Một vòng tròn khép kín dần được hoàn thiện, khởi đầu cho một xã hội phi tiền mặt: Nhà nước đẩy mạnh thực hiện, người dân chấp nhận, doanh nghiệp ủng hộ…

Những nỗ lực không ngừng của các công ty fintech, lại học hỏi được kinh nghiệm của các nước, “đi tắt đón đầu”, vì vậy thanh toán di động đang dần trở thành đối tượng được các ngân hàng đưa vào khai thác với kỳ vọng mang dịch vụ tài chính đến gần nhất cho người dân với chi phí thấp nhờ công nghệ.

“Gia nhập” vào thị trường thanh toán di động thông qua ứng dụng Samsung Pay từ giữa tháng 9/2017, Sacombank trở thành một trong các đối tác quan trọng của Samsung trong triển khai ứng dụng này đến các chủ thẻ của mình với ứng dụng mCard. Không dừng lại ở ứng dụng: cho phép người dùng điện thoại Samsung thanh toán thẻ ngân hàng chỉ bằng thao tác đơn giản chạm điện thoại vào máy POS mà từ tháng 12/2017, ứng dụng mCard của Sacombank sẽ cho phép người dùng thanh toán các hóa đơn dịch vụ hoặc trả nợ thẻ tín dụng; chuyển tiền; nạp tiền điện thoại...

Dự kiến, năm 2018 Sacombank tiếp tục tung ra các ứng dụng công nghệ mới để tiết kiệm thời gian giao dịch cho khách hàng. Với dự án eKYC - khách hàng không cần phải mang bất kỳ chứng từ nào đến các chi nhánh, phòng giao dịch để làm thủ tục, mà có thể thao tác ngay trên thiết bị di động cá nhân.

So với Sacombank, NHTMCP Quốc Tế (VIB) được coi là có bề dày lịch sử hơn trong lĩnh vực thanh toán di động. Tiên phong trong đưa thanh toán di động tới khách hàng Việt Nam từ khá sớm, VIB gây được tiếng vang nhờ Giải thưởng "Ngân hàng có sản phẩm và dịch vụ sáng tạo tiêu biểu tại Việt Nam 2015" với ứng dụng ngân hàng điện tử MyVIB dành cho điện thoại thông minh, trong khuôn khổ giải thưởng "Ngân hàng tiêu biểu Việt Nam" do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế - IDG tổ chức.

Giao diện thân thiện, sử dụng được trên các hệ điều hành iOs, Andorid và Windows Phone, MyVIB đáp ứng tốt nhất có thể nhu cầu và trải nghiệm thực tế của khách hàng. Chẳng những thế, VIB liên tục cập nhật, nâng cấp tiện ích cho MyVIB.

Cụ thể, nếu chủ thẻ thường phải đi lại bằng máy bay sẽ có thêm cơ hội tìm kiếm, so sánh thông tin, đặt mua vé của các hãng máy bay nội địa trực tiếp trên ứng dụng MyVIB: chọn lộ trình, thời gian cất cánh phù hợp, lượng vé… giúp dễ dàng quản lý hành trình và tiện lợi khi làm thủ tục check-in tại sân bay. Hay với những người dùng ưa thích thanh toán online thì VIB tính năng “MyVIB Social Keyboard” cũng thật hữu ích cho những người có nhu cầu mua sắm và chuyển tiền trên mạng xã hội ngay khi đang chat.

Nhằm gia tăng về tính bảo mật và sự an toàn, VIB vừa cập nhật cho phiên bản MyVIB trên AppStore công nghệ bảo mật sinh trắc học (Biometric login) thông qua tính năng nhận diện khuôn mặt (FaceID) và quét vân tay (FingerPrint). Tại Việt Nam, VIB là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai công nghệ FaceID, ngay sau khi iPhoneX vừa chính thức có mặt trên thị trường.

Trước đó, Ngân hàng CBA (Úc) - đối tác chiến lược của VIB là ngân hàng đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ FaceID. Chỉ cần kích hoạt Biometric login một lần duy nhất, ứng dụng sẽ tự động nhận diện khách hàng cho lần đăng nhập tiếp theo.

Thực chất, cạnh tranh giữa các ngân hàng hiện nay là cuộc đua về ứng dụng dịch vụ thanh toán qua smartphone càng khiến mỗi ngân hàng càng phải đẩy mạnh phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, đồng thời mở rộng mạng lưới đối tác liên kết với các công ty cũng như các công ty trung gian thanh toán. Với xu hướng tiêu dùng bán lẻ cùng sự kết nối nhanh nhạy với công nghệ, VIB, Sacombank, Vietcombank, BIDV… sẽ tiếp tục trình làng nhiều ứng dụng mới, độc – lạ hơn nữa.

Về lâu dài, ngân hàng nào chiếm được thị phần ở sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử không những có được lượng khách hàng cơ sở ổn định mà còn có thêm cơ hội để bán chéo nhiều sản phẩm khác nữa.

Hà Nguyễn

Tags: #VIB
Tin đọc nhiều