Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển

11:56 | 23/11/2018

Theo các chuyên gia, để tháo gỡ những vướng mắc mà các DN đang gặp phải thì trước hết cần phải hoàn thiện về thể chế chính sách. 

Nên khuyến khích doanh nghiệp tư nhân xây dựng hạ tầng
Tạo môi trường đầu tư để kinh tế tư nhân phát triển

Hiện nay, cả nước đã có hơn 600 nghìn DN và chúng ta đang đặt mục tiêu có được 1 triệu DN vào năm 2020. Trong đó khối DN tư nhân đang đóng vai trò quan trọng trong xu thế phát triển của nền kinh tế.

tao da cho doanh nghiep tu nhan phat trien
Các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm

Tuy nhiên trong quá trình phát triển, khối kinh tế tư nhân vẫn đang gặp phải những khó khăn nhất định từ những rào cản cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thuế, vốn… khiến không ít DN khó phát triển. Để tìm ra những giải pháp thúc đẩy phát triển DN tư nhân, ngày 22/11/2018, báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tạo đà cho DN tư nhân phát triển”.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ, DN tư nhân đã tạo ra gần 40% GDP. Trong năm 2017, số DN mới đăng ký là 137.000, tăng 15,2% và tăng 45,5% vốn đăng ký mới so với năm 2016. Từ năm 2015 - 2017, số DN đăng ký mới tăng mỗi năm là 15,5%, vốn đăng ký mới tăng 46,5%. Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng vốn khu vực kinh tế ngoài nhà nước vẫn là 17,7%, tăng 1% so với cùng kỳ của năm 2017.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, khu vực tư nhân chiếm khoảng 40,8% tổng vốn của các DN so với giai đoạn 2011 - 2015 là 38,3%. Như thế rõ ràng, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang tiếp tục phát huy ngày càng nhiều hơn ảnh hưởng của mình, ngày càng quan trọng hơn đối với nền kinh tế.

Thời gian qua, có nhiều DN tư nhân đã từng bước tự xây dựng thương hiệu, phát triển bằng chính những sản phẩm của mình, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế và hội nhập với bên ngoài. Có thể kể ra những cái tên như Vingroup, FLC, Trường Hải, TH TrueMilk, Hòa Phát hay Tân Hiệp Phát. Ông Nguyễn Văn Thân, ĐBQH, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhấn mạnh, để phát triển, cần phải có các DN đầu đàn để cộng đồng DNNVV noi theo.

Ngoài ra, các DN đầu đàn cũng đóng vai trò tạo ra việc làm cho DNNVV, tức là thúc đẩy nền kinh tế phụ trợ. Ví dụ như DN Tân Hiệp Phát đã giải quyết được 4.000 lao động trả lương trực tiếp, cùng với đó là 10.000 lao động gián tiếp. Đây cũng là một trong những DN nộp thuế nhiều nhất cho nhà nước.

Trên thực tế, hiện số lượng các DN lớn vẫn chỉ rất ít ỏi, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực kinh tế tư nhân có hơn 98% DN là quy mô nhỏ và vừa, còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Đặc biệt vấn đề đang được đặt ra là DN tư nhân hiện nay không muốn lớn hay không thể lớn? Theo các chuyên gia, hiện rất nhiều DNNVV hạn chế về cả quy mô, công nghệ, năng lực nên không đủ sức phát triển lớn mạnh.

Bên cạnh đó có nhiều DN mặc dù có hoài bão lớn muốn phát triển nhưng gặp khó khăn về thể chế nên cũng khó vươn lên. Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, tính hiệu quả sẽ quyết định quy mô của DN như thế nào là hợp lý. Bên cạnh đó, các yếu tố ảnh hưởng đến việc DN có phát triển được hay không là nguồn nhân lực, công nghệ, nguồn vốn và năng lực người lãnh đạo…

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhận, đặc biệt là mới đây Quốc hội đã thông qua Luật DNNVV. Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện - UBTVQH, Luật DNNVV đã được Quốc hội thông qua thể hiện sự quan tâm của Nhà nước về mặt chính sách đối với DN; hỗ trợ DN tư nhân được coi là nòng cốt và được đưa vào Nghị quyết số 10-NQ/TW. Đây là thành công lớn về mặt quan điểm cũng như chính sách.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, để tháo gỡ những vướng mắc mà các DN đang gặp phải thì trước hết cần phải hoàn thiện về thể chế chính sách. Ông Tô Hoài Nam khẳng định, việc xây dựng thể chế, chính sách cho DN tư nhân đã có bước tiến rất lớn. Tuy vậy, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, hiện chỉ khoảng 54% DNNVV hoạt động hiệu quả.

TS. Lưu Bích Hồ cho biết, yêu cầu của Chính phủ là phải giảm 50% điều kiện kinh doanh. Do đó, ở tầm vĩ mô, vẫn phải tiếp tục thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế, loại bỏ những gì ngăn cản về mặt thể chế đối với các DN, đây là điều quan trọng nhất. Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng khẳng định, chính sách đã rất tích cực đóng góp cho sự phát triển của DN tư nhân, nhưng chưa thực sự toàn diện. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ có nhiều cải tiến hơn nữa trong xây dựng pháp luật, động viên các DN phát triển.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều