Tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm vùng miền

09:34 | 04/10/2017

Trong thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản với các tỉnh, thành phố.

Giao cho doanh nghiệp công cụ đủ mạnh
Giải bài toán tiêu thụ sản phẩm cho nông dân

Để kết nối vào kênh tiêu thụ hiện đại

Hội nghị giao thương kết nối cung cầu được tổ chức thường niên tại Hà Nội từ năm 2014 đến nay và trở thành sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín, thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, năm 2016, Hà Nội đã thực hiện kết nối cung - cầu với hơn 30 tỉnh, thành phố, qua đó 400 DN Hà Nội ký kết 350 biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế khai thác sản phẩm của các tỉnh, thành tiêu thụ tại thị trường Hà Nội; Hỗ trợ xây dựng phát triển chuỗi thực phẩm.

tao dau ra on dinh cho san pham vung mien
Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tổ chức tại siêu thị Big C Thăng Long 2017 thu hút nhiều người tiêu dùng Thủ đô

Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội đã tổ chức 3 hội nghị kết nối cung - cầu với TP. Đà Nẵng, tỉnh Lâm Đồng, Sơn La, qua đó đã ký nhiều biên bản hợp tác, kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa. Hội nghị giao thương kết nối cung cầu năm 2017 giữa Hà Nội với các tỉnh thành phố được tổ chức mới đây cũng đã thu hút sự tham gia của 25 tỉnh thành trong cả nước cùng hơn 100 DN.

Các DN và đại diện các sở, ban ngành đều đánh giá cao hiệu quả của chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, bởi hoạt động này đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN các địa phương, đẩy mạnh tăng trưởng lưu chuyển hàng hóa trên thị trường, đáp ứng nguồn cung của thị trường Hà Nội.

Với thế mạnh như cam Vinh, lạc nhân, sữa, rau, củ quả các loại, bà Võ Thị An - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, chúng tôi rất mong muốn thông qua Hội nghị kết nối giao thương các DN, nhà phân phối tại Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước tạo điều kiện, dành cho các sản phẩm của Nghệ An được tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại, để sản phẩm hàng hóa của Nghệ An có cơ hội đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, TP. Hà Nội là địa bàn rất tiềm năng trong việc kết nối cung cầu hàng hóa. Vì vậy, hàng hóa của Đồng Tháp đưa ra cũng được nhiều người quan tâm. Hội nghị kết nối cung cầu là điều kiện rất thuận lợi cho các tỉnh đưa hàng hóa đến để giới thiệu, chào hàng cho DN và người dân trên địa bàn Thủ đô.

Liên kết vẫn còn lỏng lẻo

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Trần Thị Phương Lan, tại các tỉnh có rất ít các DN lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất dẫn đến khi các DN của Hà Nội cần lượng hàng lớn với chất lượng đảm bảo, đồng nhất gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, các hộ, hợp tác xã vẫn sản xuất nông sản theo hướng tập quán, truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, thu gom, bảo quản, vận chuyển... chất lượng không đồng đều. Ngoài ra, sự liên kết, kết nối giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp phân phối chưa khăng khít nên khó khăn trong công tác triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn cho biết, việc xây dựng chuỗi chăn nuôi ở nước ta còn yếu, chỉ khi hình thành được những chuỗi liên kết từ người chăn nuôi, cơ sở giết mổ đến hệ thống, phân phối, bao tiêu hàng hóa thì mới giảm thiểu được rủi ro trong chăn nuôi.

Hội Chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn hiện tại chỉ đáp ứng được 6.000 con/tháng, đây là một số lượng rất nhỏ đối với nhu cầu của TP. Hà Nội. Và mặc dù sản lượng có thể tăng lên, nhưng hệ thống phân phối vẫn còn hạn chế khiến người dân không thể mở rộng quy mô, tốn kém chi phí và lợi nhuận không đảm bảo. Mặc dù đã có những sự kết nối nhưng còn rất lỏng lẻo, các bộ phận dường như đang tách rời với nhau.

Chính vì thế dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá. “Chúng ta đang trong một vòng luẩn quẩn, người nông dân bán hàng không đảm bảo an toàn, giảm chất lượng khiến nhà phân phối gặp khó khăn trong khi người tiêu dùng chỉ muốn giá sản phẩm xuống mức thấp nhất. Vô hình trung, chúng ta đang gây ảnh hưởng đến cả thị trường”, ông Đông chia sẻ.

Ông Mai Văn Sướng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Giang nhận xét, với rất nhiều sản phẩm nông sản có lợi thế như cam sành Hà Giang, chè Shan Tuyết, mật ong Bắc Hà, các sản phẩm nông sản của Hà Giang đã được tiêu thụ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ chưa ổn định và giá trị chưa cao, chưa tương xứng với lợi thế của sản phẩm. Hiện nay, các DN lớn, tổ chức đầu tư, thu mua các sản phẩm nông sản tại địa phương vẫn còn yếu và thiếu.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, để nông sản không gặp phải tình trạng được mùa rớt giá thì quan trọng là phải xây dựng được kênh phân phối. Ví dụ, khi kết nối được với các hệ thống siêu thị lớn như BigC chẳng hạn, trái cây Việt Nam sẽ có mặt tại hệ thống siêu thị này trên toàn quốc và cả ở Thái Lan.

Theo các chuyên gia, chương trình kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành tạo sự gắn kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối – người tiêu dùng, tạo đầu ra cho sản phẩm địa phương tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và tiến tới xuất khẩu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần ngọn để chắp nối sản xuất đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối. Để chương trình đạt được hiệu quả thiết thực, cần sự nỗ lực từ hai phía.

Theo đó, về phía các tỉnh, thành cần chủ động xây dựng kế hoạch kết nối cung - cầu hàng hóa; Các DN phân phối của Hà Nội quan tâm, tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ giúp các DN, hợp tác xã, hộ sản xuất tiêu thụ sản phẩm thông qua kênh phân phối. Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại để bảo đảm có các kênh tiêu thụ bền vững.

Hà Sơn

Tin đọc nhiều