Đến năm 2030, nâng mức lương khu vực công phù hợp với CPI | |
Tiền lương và bài toán năng suất lao động |
Những điểm sửa đổi, bổ sung mới của Nghị định 121/2018 NĐ-CP, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, thay đổi một số điều của Nghị định 49/2013 NĐ-CP, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương, đang được cộng đồng DN quan tâm.
DN Việt giới thiệu nông sản cho các nhà phân phối Nga |
Theo đó, những sửa đổi bổ sung của Nghị định 121/2018 tháo gỡ được những khó khăn mà lâu nay DN, nhất là DNNVV, DN siêu nhỏ gặp phải. Bên cạnh đó, một số điều mới của nghị định tăng thêm ưu đãi để DN hoạt động và phát triển bền vững.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nghị định 121 có điểm mới đáng lưu ý là những quy định về nguyên tắc xây dựng thang bảng lương trong DN làm tăng thêm ưu đãi cho DN sử dụng lao động.
Cụ thể, bổ sung Điều 8 Chương III về nguyên tắc xây dựng định mức lao động là, DN xây dựng định mức lao động làm cơ sở để trả lương cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, đảm bảo định mức lao động được thực hiện cho từng bước công việc, từng công đoạn và toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tổ chức lao động khoa học, tổ chức sản xuất hợp lý.
Mức lao động được xây dựng trên cơ sở cấp bậc của công việc hoặc chức danh, phù hợp với cấp bậc, trình độ đào tạo của người lao động, quy trình công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc thiết bị và bảo đảm các tiêu chuẩn lao động. Mức lao động phải là mức trung bình tiên tiến, bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời gian làm việc tiêu chuẩn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trường hợp trong thời gian làm việc tiêu chuẩn, mức thực tế thực hiện tính theo sản lượng thấp hơn 5% hoặc cao hơn 10% so với mức được giao, hoặc mức thực tế thực hiện tính theo thời gian cao hơn 5% hoặc thấp hơn 10% so với mức được giao thì DN phải điều chỉnh lại mức lao động. Mức lao động phải được định kỳ rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp…
Sửa đổi này đã tạo cho DN chủ động hơn trong việc xây dựng định mức lao động. Người lao động cũng được xét trả lương, thưởng công bằng hơn.
Đối với DN siêu nhỏ (DN có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người, tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng) hiện nay tại Việt Nam có số lượng khá đông, thì những sửa đổi bổ sung của Nghị định 121 rất thiết thực: Nghị định 121 quy định (bổ sung Điểm a, Khoản 2, Điều 10, Chương IV), đối với DN sử dụng dưới 10 lao động, được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện, nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của DN.
Đây được coi như một bước đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện để DN giảm thời gian đi lại thực hiện các thủ tục về thang bảng lương đối với cơ quan quản lý nhà nước địa phương.
Tuy vậy, việc đơn giản thủ tục không có nghĩa là quyền lợi của người lao động bị bỏ qua. Bởi Nghị định 121 đã quy định rõ, mức lao động phải được định kỳ rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh mức lao động, DN phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại DN và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của DN.
Thanh Trà