Thành công của doanh nghiệp thương mại điện tử

13:19 | 18/10/2018

Tính năng chia sẻ, bình luận của các nền tảng mạng xã hội góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, đa chiều, tạo không gian thương mại lành mạnh. Chính những yếu tố đó đã tạo cho thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam ngày càng sôi nổi, kéo theo sự lớn mạnh không ngừng của các doanh nghiệp. 

Để thương mại điện tử tăng tốc bền vững
Thương mại điện tử: Quản lý tốt hơn để phát triển
Sàn thương mại điện tử: Trông chờ vào ý thức người bán

Theo Công ty Tư vấn Chiến lược phát triển Quốc tế (Ipsos Business Consulting), thương mại điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng giá trị thị trường bán lẻ ở Việt Nam, dự kiến đạt 5,4% trong năm 2020, với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ nay đến 2020 sẽ đạt 24,1%. Ngành bán lẻ Việt Nam hiện có 3 kênh chính là truyền thống, hiện đại và kênh trực tuyến. Trong đó, các kênh truyền thống và hiện đại vẫn chiếm ưu thế trên thị trường, dưới nhiều hình thức như chợ, cửa hàng tạp hoá, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi.

thanh cong cua doanh nghiep thuong mai dien tu
Ảnh minh họa

Kênh trực tuyến hiện cũng đang phát triển ngày càng mạnh mẽ bởi những yếu tố thuận lợi như gia tăng dân số trẻ (thế hệ sinh ra trong giai đoạn 1997 - 2010), chiếm đến 16% tổng dân số, là thế hệ có sự tiếp cận rất sớm với công nghệ. Bên cạnh đó, thế hệ 8X, 9X (sinh từ năm 1981 đến 1996) cũng chiếm đến 30% dân số, tương đương 29 triệu người vào năm 2018-là nhóm mua sắm trực tuyến lớn nhất Việt Nam.

Xếp về quy mô thị trường, đến thời điểm này khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp hạng thứ 2 sau Malaysia, điều này cho thấy thị trường bán lẻ của Việt Nam đầy tiềm năng với điểm bão hoà thấp. Các giao dịch trên nền tảng mạng xã hội là hình thức thương mại điện tử phổ biến nhất, thống lĩnh thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam. Như Facebook chiếm đến 66% số giao dịch trực tuyến, bởi mạng xã hội này mang đến một số lợi ích thiết thực cho cả người bán và người mua.

Cụ thể, người bán tận dụng công nghệ lưu trữ và phân tích dữ liệu khách hàng và thị trường mà không phải tốn chi phí duy trì tài khoản, hay nâng cấp tính năng, đồng thời cũng giảm chi phí kinh doanh (mặt bằng, nhân viên…). Người mua thì dễ dàng chia sẻ trải nghiệm và đưa phản hồi về sản phẩm trực tiếp bằng tài khoản cá nhân. Họ cũng có thể liên lạc trực tiếp với người bán và nhiều thông tin khác về sản phẩm từ mạng xã hội…

Tính năng chia sẻ, bình luận của các nền tảng mạng xã hội góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, đa chiều, tạo không gian thương mại lành mạnh. Chính những yếu tố đó đã tạo cho thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam ngày càng sôi nổi, kéo theo sự lớn mạnh không ngừng của các doanh nghiệp.

Ghi nhận trong top 10 DN thương mại điện tử thành công hàng đầu Việt Nam hiện nay, số lượng doanh nghiệp trong và ngoài nước đang song song phát triển. Nếu doanh nghiệp nội nhờ ưu thế hiểu rõ thị trường, thì DN ngoại có lợi thế về nguồn vốn, quản trị DN hiện đại.

Trong tháng 10/2018 này, bản đồ thương mại điện tử Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận một trang thương mại điện tử khác đã vượt qua Lazada (vốn luôn đứng vị trí đầu thị trường trực tuyến Việt Nam) là Shopee, số lượt truy cập website trung bình tại Việt Nam là 34,5 triệu lượt/tháng, trong 3 tháng liên tiếp. Việc lần đầu tiên Shopee vượt mặt Lazada trở thành website mua sắm trực tuyến được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam cho thấy, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang rất hấp dẫn, khiến các “đại gia” trong lĩnh vực này không ngừng cạnh tranh nhau để giành thị phần, trong thị trường có quy mô lên đến 10 tỷ USD vào năm 2022.

Chưa hết, thị trường cũng đang chứng kiến sự đổ bộ của những tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam. Bên cạnh Alibaba, những tên tuổi lớn trong thương mại điện tử toàn cầu khác như Tencent, JD.com cũng đã đầu tư lớn vào Shopee và Tiki, nhằm chiếm phần trong thị trường Việt Nam. Hay Amazon, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới, vừa công bố kế hoạch tiến vào Việt Nam thông qua việc cung cấp dịch vụ E-commerce cho Cục Thương mại điện tử (thuộc Bộ Công thương Việt Nam). Điều này khẳng định, sự thành công của DN cũng như tiềm năng rất lớn của thị trường thương mại điện tử Việt Nam thời gian tới.

Thanh Thanh

Tin đọc nhiều