Tháo chính sách, gỡ cách làm

08:00 | 28/04/2017

Để DN yên tâm đầu tư lâu dài vào nông nghiệp cần có sự ổn định về quy hoạch, có cơ chế chia sẻ lợi ích hợp lý và xây dựng niềm tin lẫn nhau giữa DN và người nông dân.

Phối hợp thúc đẩy tín dụng tam nông
Chật vật vào chuỗi liên kết
Nối dài những chuỗi liên kết

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.

Theo ông có phải những lúng túng trong triển khai chủ trương tích tụ ruộng đất và chính sách dồn điền đổi thửa là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ DN đầu tư vào nông nghiệp đang ở mức rất thấp?

thao chinh sach go cach lam
GS. Đặng Hùng Võ

Vấn đề tích tụ ruộng đất hay hạn điền đúng là một vướng mắc nhưng không phải là nguyên nhân chính. Số DN đầu tư vào nông nghiệp thấp vì phần lớn DN muốn thu được lợi ích hơn, thu lợi nhuận nhanh hơn và nhiều hơn nên họ hướng đầu tư vào công nghiệp và dịch vụ và bất động sản...

Đầu tư vào nông nghiệp cần vốn lớn, đầu tư cho nông sản sạch, nông nghiệp công nghệ cao thì lại càng cần vốn lớn nhưng rủi ro cao lợi nhuận thấp và được hay mất phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nhiều yếu tố khách quan khác.

Những vướng mắc về đất đai, về hạn điền là có, và đang là cái khó cho sản xuất quy mô lớn ở một số địa phương, nhưng trong khi cái khó đó vẫn còn thì đã có những cách làm mới để vẫn có được mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp sạch. Đó là mô hình cánh đồng lớn ở An Giang, mô hình DN liên kết với nông dân đầu tư giống, vật tư và công nghệ để người dân vẫn canh tác trên mảnh đất của mình nhưng theo một quy trình thống nhất và DN sẽ đảm bảo bao tiêu sản phẩm ở Lâm Đồng hay mô hình góp vốn ở Công ty Cao su Lai Châu...

Với những vấn đề ông vừa nói, liệu có phải chúng ta chưa có một chính sách thu hút đầu tư đúng và phù hợp?

Câu chuyện đặt ra ở đây là chúng ta phải tạo được một lớp DN tiên phong xác định nông nghiệp là sở trường, thì mới hy vọng có nhiều hơn những DN đầu tư cho nông nghiệp.

Trong một thời gian dài, tuy chủ trương vẫn xác định CNH, HĐH phải thực hiện đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng trên thực tế, chúng ta không có một chương trình cụ thể nào để phát triển nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH mà chủ yếu tập trung các chính sách ưu đãi cho các DN phát triển công nghiệp và dịch vụ, phát triển đô thị.

Còn trong nông nghiệp, cơ bản là ưu đãi cho các hộ nông dân đang làm ruộng nhiều hơn là những ưu đãi cho các DN đi vào phát triển nông nghiệp. Tức là về chính sách chúng ta đã bị lệch trong một thời gian khá dài. Cho đến gần đây, chúng ta đã nhận ra và bắt đầu có các chính sách tập trung ưu đãi, khuyến khích DN tham gia vào nông nghiệp.

Vậy cần làm gì để DN đầu tư vào nông nghiệp nhiều hơn?

Theo tôi, cần tạo ra những ưu đãi nhiều hơn cho DN như về thuế, lãi suất tín dụng, công nghệ, hạ tầng, kỹ thuật… Mức độ ưu đãi xác định trên mức độ gắn kết, công nghệ, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh ưu đãi là những giải pháp kiểm soát của Nhà nước, chứ không phải chỉ đưa ra ưu đãi rồi buông ở đó thì sẽ không tạo được hiệu quả và nhiều khi có thể bị lợi dụng.

Bên cạnh đó, cần có quy hoạch rõ ràng và ổn định, chấp nhận DN đầu tư theo quy hoạch và khi DN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đừng có động đến dự án của họ nữa, không được thay đổi quy hoạch. Ngược lại cũng cần có cơ chế ràng buộc người nông dân góp đất, cho thuê đất không đòi lại đất giữa chừng. Không nên để xảy ra những trường hợp như trường hợp Công ty cao su Sơn La, vì giá cao su trên thị trường thế giới giảm, một số hộ nông dân đã bắt đầu đòi lại đất đã góp vốn, để quay về trồng ngô, trồng sắn.

thao chinh sach go cach lam
Cần gây dựng được lòng tin thật sự giữa DN và người nông dân

Vậy, cách nào để giải được bài toán lợi ích hài hòa giữa DN, người nông dân để người nông dân sẵn sàng hợp tác còn DN sẵn sàng đầu tư?

Chúng ta cần những DN đầu tư vào nông nghiệp lâu dài với những cam kết rõ ràng, tạo mối liên kết bền vững lấy người nông dân làm trung tâm sao cho người dân cảm thấy là khi hợp tác với DN sản xuất quy mô lớn có lợi hơn so với tự làm. Khi DN tạo được lợi ích thật thì người nông dân sẽ đón nhận và hợp tác.

Quan trọng hiện nay là cần gây dựng được lòng tin thật sự giữa DN và người nông dân. DN phát triển kinh tế, kinh doanh nhưng cũng vừa phải đảm bảo nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội của mình. Khi mùa màng thất bát, bị thiệt hại do thiên tai thì phải ưu tiên cho lợi ích của người nông dân, để đảm bảo người nông dân trong trường hợp xấu nhất, cũng không bị rơi vào cảnh đói nghèo, mất thu nhập.

Nhà nước cũng nên có một số quỹ, ví dụ như quỹ về phát triển nông nghiệp, để có thể trong những hoàn cảnh xấu đó thì sẽ trích ra một phần để trợ giúp cho người nông dân. Nói cách khác, khi cuộc sống của người nông dân được đảm bảo trong quá trình chúng ta thay đổi phương thức canh tác của nông nghiệp, thì lúc đó tôi tin người nông dân sẽ vững tâm. Cần có quy định pháp luật để ngăn chặn tình trạng DN tiếp cận được một diện tích đất khá lớn, sau đó chiếm giữ thành đất trở thành một tầng lớp địa chủ mới.

Xin cảm ơn ông!

Bộ KH&ĐT đã soạn thảo và đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị định nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nghị định mới kỳ vọng sẽ tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc mà Nghị định số 210 gặp phải, đặc biệt coi trọng đến các vấn đề về tạo thuận lợi thương mại, mở rộng đối tượng điều chỉnh, công bố công khai quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, các chính sách liên quan tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…

Đỗ Phạm thực hiện

Tin đọc nhiều