Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp

13:00 | 11/01/2019

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư cho phát triển DN. Đặc biệt Luật Hỗ trợ DNNVV được triển khai đã hỗ trợ tích cực cho các DN, nhất là các DN mới thành lập...

Cần tháo gỡ những nút thắt
Cùng giải bài toán vốn cho doanh nghiệp nhỏ

Vì vậy số lượng các DN thành lập mới đã có những con số tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu thống kê, năm 2018, cả nước có 131.275 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số DN và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017.

thao go vuong mac cho doanh nghiep
Các DNNVV rất cần có hỗ trợ từ chính sách

Có thể thấy, Luật Hỗ trợ DNNVV sau hơn 1 năm triển khai đã được cộng đồng DN đánh giá cao. TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, Luật Hỗ trợ DNNVV đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động hỗ trợ DNNVV.

Các chính sách tại Luật được quy định theo phương thức đổi mới hơn so với trước đây. Chính sách hỗ trợ chung, cơ bản như: thông tin, đào tạo, tư vấn, mặt bằng sản xuất được thiết kế theo hướng là các dịch vụ công Nhà nước cung cấp cho DN… Các chính sách hỗ trợ trọng tâm tập trung cho 3 nhóm DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và nhóm các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…

Kể từ ngày luật có hiệu lực, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan đã kịp thời ban hành các nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành, đến thời hiện nay chúng ta đã có một ''công cụ pháp lý'' tương đối đầy đủ để triển khai các hoạt động hỗ trợ DNNVV.

Tuy nhiên, với những kỳ vọng của DN thì luật vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập khiến nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các chính sách hỗ trợ vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của cộng đồng DNNVV. Một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, mặt bằng sản xuất đã được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV nhưng chưa thể áp dụng ngay trên thực tế vì cần phải được quy định hướng dẫn cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan đến thuế, tín dụng và đất đai...

PGS.TS. Nguyễn Thị Thuận - Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị DNNVV cho biết, mặc dù luật ban hành và đã có hiệu lực 1 năm, nhưng cho đến nay việc triển khai các quy định hỗ trợ cho các DNNVV còn hết sức hạn chế. Nguyên nhân do các cơ quan quản lý nhà nước triển khai còn chưa kịp thời. Bên cạnh đó, các DN chúng ta và Hiệp hội/hội các địa phương cần nắm chắc luật, bám sát thực tiễn và có tiếng nói, đề xuất rất cụ thể với địa phương của mình.

Ông Võ Việt Dũng, Công ty Nam Hà Nội cho biết, trên thực tế các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn từ các hoạt động về thành lập DN đến các vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai, thuế…

Đơn cử như công ty đang triển khai dự án nhà máy chế biến khép kín thân thiện với môi trường ở địa bàn huyện Thường Tín với kinh phí khoảng 1 nghìn tỷ đồng, nhưng hiện DN đang vướng vào các thủ tục về đất đai, hành chính. Các hỗ trợ từ những quy định chính phủ thực tế vẫn chưa tới các DN, vì vậy DN vẫn phải tự lực, tự tìm nguồn hỗ trợ khác theo nhu cầu phát triển của mình.

Theo đó, Luật Hỗ trợ DNNVV cần quy định rõ hơn để các cấp, các ngành coi việc hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống, hỗ trợ trực tiếp đến DN chứ không phải đưa ra rồi việc thực thi không hiệu quả.

Hiện nay ở Việt Nam, DNNVV chiếm đến trên 97% tổng số DN. Việc triển khai Luật DNNVV sẽ có những tác động rất lớn đến cộng đồng DN. Luật Hỗ trợ DNNVV cùng các văn bản hướng dẫn thi hành sau một năm thực hiện đã bước đầu đem lại sức sống mới cho khu vực DNNVV. Tuy nhiên thực tiễn triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết...

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong quá trình triển khai luật còn tồn tại một vài khó khăn như một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, mặt bằng sản xuất… đã được quy định tại luật nhưng chưa thể áp dụng ngay trên thực tế vì cần phải được quy định, hướng dẫn cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan về thuế, tín dụng và đất đai...

Bên cạnh đó, chỉ một số tỉnh đã chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai ngay trong năm 2018 vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó nhiều bộ, ngành và địa phương còn lúng túng trong xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV.

TS. Nguyễn Văn Thân cũng nhấn mạnh, Nhà nước cần thực thi Luật Hỗ trợ DNNVV, giao trách nhiệm một cách cụ thể để thực thi luật cho hiệu quả. Có những thay đổi để các hộ kinh doanh nhận thấy những lợi ích mà luật mang lại để sẵn sàng chuyển đổi thành DN.

Trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 của hiệp hội mới đây cũng đưa kế hoạch thực hiện tốt việc triển khai tuyên truyền phổ biến Luật Hỗ trợ DNNVV, thực hiện vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, tăng cường hỗ trợ pháp lý cho DN, hỗ trợ DN ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thích ứng nhanh với những thay đổi của cuộc CMCN 4.0.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều