Thép Hòa Phát: Lợi thế giá rẻ sẽ được phát huy

16:00 | 18/09/2019

Khi dự án Dung Quất Hòa Phát đi vào hoạt động, lợi thế giá rẻ của thép Hoà Phát sẽ càng được phát huy mạnh mẽ, tạo tiền đề giúp cho Hòa Phát chiếm thị phần dễ dàng hơn

Công suất sản xuất sẽ tăng gấp 3 lần

Được thành lập từ năm 1992, tuy nhiên ngành nghề đầu tiên mà Hòa Phát tham gia là kinh doanh phụ tùng. Đến năm 1996, Hòa Phát mới bắt đầu bước chân vào sản xuất ống thép và năm 2001 là sản xuất thép xây dựng. Sau gần 20 năm liên tục phát triển, Hòa Phát đã vươn lên trở thành nhà sản xuất thép xây dựng và ống thép có thị phần số 1 Việt Nam. Đến cuối năm 2018, doanh thu và lợi nhuận từ mảng kinh doanh thép chiếm 83% và 89%.

thep hoa phat loi the gia re se duoc phat huy
Khu liên hiệp Dung Quất Hòa Phát sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào giữa năm 2020

Hiện nay, Hòa Phát kinh doanh hầu hết các sản phẩm thép bao gồm: thép thanh, thép cuộn, thép dự ứng lực, ống thép và tôn... 6 tháng đầu năm, Hòa Phát là doanh nghiệp có thị phần tiêu thụ nội địa thép xây dựng và ống thép lớn nhất Việt Nam, lần lượt đạt 27% và 33%. Với kết quả này, Hòa Phát tiếp tục gia tăng 2% thị phần ở cả thị trường thép xây dựng và ống thép so với năm 2018.

Hòa Phát hiện đang vận hành 3 khu Liên hiệp sản xuất thép xây dựng, bao gồm: Khu liên hiệp gang thép Hưng Yên có công suất 400.000 tấn/năm; Khu liên hiệp gang thép Hải Dương công suất 2 triệu tấn/năm; Khu liên hiệp gang thép Dung Quất Hòa Phát công suất 2 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, Hòa Phát còn có 3 nhà máy sản xuất ống thép và 1 nhà máy tôn mạ đang chạy thử nghiệm, dự kiến đến cuối năm mới đưa vào vận hành chính thức là Nhà máy ống thép Hưng Yên (công suất 250.000 tấn/năm); Nhà máy ống thép Đà Nẵng (200.000 tấn/năm); Nhà máy ống thép Bình Dương (200.000 tấn/năm) và Nhà máy tôn mạ Hưng Yên (400.000 tấn/năm).

Kể từ khi Khu liên hiệp gang thép Hải Dương hoàn thành giai đoạn 1 vào khoảng đầu năm 2010, Hòa Phát đã liên tục tăng công suất, sản lượng tiêu thụ và giành được thêm thị phần. Trong gần 10 năm vừa qua, doanh nghiệp hầu như lúc nào cũng chạy hết công suất và tiêu thụ hết sản phẩm mình sản xuất ra.

Đặc biệt, hiện Hòa Phát đang triển khai dự án Khu liên hiệp Dung Quất Hòa Phát với công suất 2 triệu tấn thép xây dựng và 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC. Dự án có tổng mức đầu tư gần 3 tỷ USD và được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, bắt đầu khởi công từ 2/2017 với tổng công suất 2 triệu tấn thép xây dựng bằng công nghệ lò cao BOF. Giai đoạn 2, bắt đầu khởi công từ tháng 10/2017 với công suất 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) cũng với công nghệ lò cao BOF. Đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành 75%; nhà máy cán thép số 1 với công suất 600.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động vào tháng 8/2018; lò cao số 1 đã đang bước vào giai đoạn chạy thử nghiệm; nhà máy cán thép số 2 với công suất 1,2 triệu tấn/năm dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2019 này.

Theo Công ty Chứng khoán KB, dự kiến toàn bộ giai đoạn 1 dự án sẽ hoàn thành vào khoảng giữa năm 2020 và toàn bộ giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào nửa cuối năm 2021. Nhờ đó, đến cuối năm 2021, công suất sản xuất thép của Hòa Phát sẽ đạt 6,5 triệu tấn, cao gấp gần 3 lần so với thời điểm dự án Dung Quất Hòa Phát chưa được triển khai.

Phát huy lợi thế giá rẻ

Hòa Phát đang nổi lên nhờ lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với đa phần các nhà sản xuất thép trong nước khác và ngang bằng với một nhà sản xuất thép tầm trung của Trung Quốc. “Đây là lợi thế cạnh tranh cực kỳ lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa cơ bản”, ông Lê Thành Công - Chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán KB nhận định.

Có được lợi thế này là nhờ Hòa Phát sản xuất bằng công nghệ lò cao BOF, với nguyên liệu đầu vào chủ yếu bao gồm quặng sắt và than cốc cho chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với sản xuất bằng công nghệ lò điện EAF với nguyên liệu đầu vào là thép phế và điện. Bên cạnh đó, lợi thế quy mô lớn hơn hẳn các nhà sản xuất thép khác đã giúp Hòa Phát tiết giảm được chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và tỷ trọng chi phí cố định trên từng đơn vị sản phẩm.

“Đặc biệt, khi dự án Dung Quất Hòa Phát ra đời, lợi thế này sẽ càng được phát huy mạnh mẽ. Thực tế là, giá thép của Hòa Phát luôn thuộc nhóm rẻ nhất thị trường, tạo tiền đề giúp cho Hòa Phát chiếm thị phần dễ dàng hơn”, ông Công nhấn thêm.

Quả vậy, hiện Hòa Phát mới chỉ tập trung tiêu thụ thép xây dựng tại thị trường miền Bắc, khi doanh thu tại thị trường miền Bắc chiếm gần 70% doanh thu thép của doanh nghiệp, chiếm thị phần 34% tại đây. Trong khi tại thị trường tiêu thụ thép xây dựng phía Nam, năm 2018, thép Hòa Phát chỉ chiếm thị phần khoảng 9%.

Nguyên nhân do mặc dù, giá thép của Hòa Phát luôn thấp hơn hầu hết các nhà sản xuất thép khác, tuy nhiên, do khoảng cách vận chuyển từ Bắc vào Nam quá xa và tốn kém nên việc tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn. Theo như phản ánh của một số nhà phân phối thép phía Nam, nguồn cung thép Hòa Phát nhiều khi bị gián đoạn, họ không có hàng để tiêu thụ.

Tuy nhiên, khi nhà máy thép Dung Quất Hòa Phát ra đời, vấn đề trên sẽ giải quyết. Vị trí địa lý của nhà máy rất thuận lợi khi nằm ở ven biển miền Trung và có cảng nước sâu cho phép tàu 200.000 tấn có thể cập bến, sẽ giúp Hòa Phát dễ dàng vận chuyển thép đến các thị trường tiêu thụ ở cả miền Bắc, miền Nam và xuất khẩu. Cùng với đó, chi phí vận chuyển cũng được tiết giảm ở khâu nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than mỡ luyện cốc…

“Với những lợi thế cạnh tranh như đã nói ở trên, chúng tôi cho rằng Hòa Phát sẽ từng bước chiếm lĩnh thị phần thép tại khu vực phía Nam, đặc biệt, bằng chiến lược cạnh tranh về giá”, Công ty chứng khoán KB kết luận.

Tính đến cuối tháng 6/20198, doanh thu của Hòa Phát đạt 30.061 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; biên lợi nhuận gộp đạt 18,8% giảm 2,7% so với cùng kỳ 2018 do ảnh hưởng của việc giá thép đầu ra giảm cùng giá quặng sắt đầu vào tăng mạnh. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.836 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản tính đến thời điểm 30/6/2019 đạt 93.019 tỷ đồng, tăng 19% so với thời điểm 31/12/2018, và 75% so với thời điểm 31/12/2017, nguyên nhân do xây dựng dở dang dự án Dung Quất Hòa Phát tăng mạnh.

Mai Ngọc

Tin đọc nhiều