Thiếu cơ chế minh bạch khai khoáng: Cơ quan quản lý và DN đều kêu oan

13:57 | 04/12/2015

DN thực hiện đủ nghĩa vụ với ngân sách vẫn bị nhìn với con mắt thiếu thiện cảm.

Minh bạch đang thiếu trầm trọng ở ngành khai thác khoáng sản, khiến việc khai thác dù được tổ chức với quy mô lớn, song đóng góp vào ngân sách của ngành này lại rất hạn chế. Cũng vì thiếu minh bạch mà cả cơ quan quản lý thu ngân sách lẫn DN đều than vãn mình bị oan, trong khi trách nhiệm làm hụt thu không biết thuộc về ai.

Những ý kiến này được ghi nhận tại hội thảo “Quản trị ngành công nghiệp khai thác ở Việt Nam: Thách thức và nhu cầu cải cách”, do Liên minh Khoáng sản tổ chức ngày 3/12.

thieu co che minh bach khai khoang co quan quan ly va dn deu keu oan
Ảnh minh họa

Thất thu thuế cao

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt 0,9-1,1% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011-2013. Ở một số địa phương như Phú Yên, số thu thuế tài nguyên từ khai thác khoáng sản chỉ đạt khoảng 4-5 tỷ đồng dù số lượng giấy phép còn hiệu lực lên đến 200 giấy phép.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh lấy một dẫn chứng rất gần. Đó là số liệu về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giữa cơ quan thống kê của hai nước trong năm 2014 đã bị chênh lệch tới 5 tỷ USD. Theo ông Doanh, sở dĩ cơ quan thống kê của Việt Nam ghi nhận mức xuất khẩu ít hơn nước bạn là do đã có một lượng hàng từ Việt Nam xuất lậu sang Trung Quốc và phần lớn trong số này, theo ông Doanh chính là khoáng sản khai thác lậu. Một nguồn thu thuế không nhỏ đã mất đi theo con đường này.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng đánh giá, thất thu của ngành thuế hiện nay bình quân vào khoảng 3%, nhưng con số này chắc chắn phải cao hơn rất nhiều đối với riêng ngành khoáng sản. Dù biết vậy, nhưng theo bà Cúc, ngành thuế dù có trăm tay nghìn mắt cũng không thể giám sát và truy thu được con số này.

Bởi hàng năm cơ quan thuế chỉ thực hiện quyết toán theo hoá đơn chứng từ nhận được từ phía DN. Trong quy trình này có sự phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường ở các địa phương để xác nhận sản lượng khai thác của DN có đúng với khai báo hay không. Song tinh thần vẫn là DN tự giác kê khai.

Cần cơ chế minh bạch

Ở chiều ngược lại, các DN khoáng sản cũng tỏ ra nản lòng vì cơ chế quản lý thiếu minh bạch hiện nay đang gây ra hậu quả là mặc dù mức thuế suất cộng với các loại chi phí đối với khai thác khoáng sản là cao so với thế giới, song DN dù đã thực hiện đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước mà vẫn bị nhìn với con mắt thiếu thiện cảm.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, quan sát và điều tra qua 10 năm nay cho thấy, các DN khai khoáng có bức tranh riêng rất đặc thù so với cộng đồng DN nói chung. “Chi phí tuân thủ pháp luật của nhóm DN này cao, được các đoàn thanh tra kiểm tra nhiều với đủ kiểu viếng thăm, tỷ lệ chi trả chi phí không chính thức cũng cao hơn hẳn...”, ông Tuấn dẫn chứng và kết luận, tính minh bạch kém là điều các DN trong ngành này đang phải đối mặt và chịu tác động mạnh hơn cả.

Việc cấp phép chưa minh bạch đã tạo ra “không gian tốt” cho tình trạng tham nhũng, thân hữu, nhưng không phải cho DN có khả năng, có công nghệ, trình độ cao được hưởng lợi, mà là cho DN có quen biết tốt. Cho nên so với các ngành khác thì nhu cầu minh bạch hoá của ngành khai khoáng là rất lớn.

Trước thực trạng này, Liên minh Khoáng sản thời gian qua đã liên tục kiến nghị cần sớm áp dụng Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai thác (EITI). Theo bà Trần Thanh Thuỷ, Điều phối viên của Liên minh Khoáng sản, EITI yêu cầu công khai toàn bộ quy trình cấp phép, tiêu chí lựa chọn DN, quá trình chuyển nhượng giấy phép…

Nếu được thực hiện đủ thì quy trình cấp phép đã được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, về vấn đề quản lý nguồn thu, EITI yêu cầu công khai từ sản lượng khai thác, giá bán, nộp ngân sách… đây sẽ là thông tin tốt để hỗ trợ công tác quản lý thu của cơ quan thuế.

Cũng theo bà Thuỷ, Liên minh Khoáng sản đã rà soát kỹ thuật về yêu cầu EITI với khả năng thực thi của Việt Nam. Qua đó thấy việc thực thi EITI không phải trở ngại, đồng thời không làm phát sinh nhiều chi phí tuân thủ.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng đồng tình, các DN làm ăn minh bạch, sòng phẳng sẽ sẵn sàng tham gia thực thi EITI. “Họ cho biết rất bức xúc vì đã thực hiện rất đầy đủ các nghĩa vụ tài chính mà người dân vẫn có ác cảm với họ. Cho nên DN đã làm ăn bài bản thì rất trông chờ vào sáng kiến minh bạch này”, ông Tuấn khẳng định.

Ngọc Khanh

Tags: #minh bạch
Tin đọc nhiều