Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Việt Nam có tiềm năng thủy điện khá lớn (về lý thuyết khoảng 35.000 MW với điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm) và có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (NLTT) khác như gió, mặt trời, sinh khối,... Đây là những tài nguyên quý giá, nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác một cách hợp lý.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Hội thảo |
Đại diện lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2030 với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm, đến năm 2020, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của Việt Nam cần đạt 265-278 tỷ kWh và đạt 572-632 tỷ kWh vào năm 2030. Như vậy đến 2020, tổng công suất các nhà máy điện đạt khoảng 60.000 MW. Năm 2030 phải đạt khoảng 129.500 MW.
Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, tổng công suất các nguồn thủy điện sẽ đạt khoảng 21.600MW; khoảng 24.600MW vào năm 2025 và 27.800MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng tương ứng là 29,5-20,5% và 15,5%. Về năng lượng tái tạo, phấn đấu đến 2020, điện mặt trời đạt 850MW, điện gió đạt 800 MW; đến 2030 điện mặt trời đạt 12.000 MW.
Các chuyên gia cho rằng, để đáp ứng yêu cầu trên trong bối cảnh đất nước hạn chế về nguồn lực tài chính, nguồn tài nguyên hóa thạch dần cạn kiệt, nguồn điện hạt nhân đã dừng… thì năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện vừa và nhỏ là giải pháp quan trọng.
Các chuyên gia cũng đề xuất Bộ Công thương cần nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch các công trình thủy điện đang vận hành khai thác; tăng cường hơn nữa nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành
Để phát triển năng lượng tái tạo, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề xuất Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện, tạo lập các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn điện và lưới điện. Các địa phương cân đối, bố trí quỹ đất cho các dự án điện theo quy hoạch. Bên cạnh đó, cần có Quy hoạch về phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo cấp tỉnh, cấp quốc gia và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan đến công tác thiết kế, vận hành… các nguồn điện NLTT và tiêu chuẩn đấu nối lưới điện của các nguồn NLTT…
Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển NLTT; các chính sách ưu đãi về đầu tư (vốn, thuế, đất đai…); các cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải, phân phối điện và các công cụ đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống điện. Đồng thời nghiên cứu phát triển các nguồn tích trữ năng lượng, thủy điện tích năng, song song đồng bộ với phát triển NLTT.
Dương Công Chiến