Gỗ Đồng Kỵ lên sàn điện tử | |
Phát triển TMĐT: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía |
Ảnh minh họa |
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó, 198 làng nghề truyền thống được công nhận. Năm 2015, giá trị sản xuất của khu vực làng nghề đạt trên 7.658 tỷ đồng, chiếm 8,4% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, trong đó, giá trị sản xuất của 274 làng nghề được công nhận đạt trên 6.077 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Đàm Tiến Thắng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, làng nghề Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong việc tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều làng nghề truyền thống đã có xuất khẩu ra một số thị trường trên thế giới và được đánh giá cao như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, gỗ Đồng Kỵ... nhưng sản lượng vẫn còn ở mức thấp.
Vì vậy trong xu thế hội nhập quốc tế, thì việc ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) cho các sản phẩm làng nghề sẽ trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao để đưa các mặt hàng này vươn xa hơn ra thị trường.
Th.s Nguyễn Hoàng Thắng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ TMĐT (VCCI) cho biết, hiện nay mô hình TMĐT đang phát triển nhanh. Trong xu thế hội nhập thì các giao dịch TMĐT ngày càng phát triển trên thế giới và cả Việt Nam.
Các DN, cơ sở làng nghề khi ứng dụng TMĐT sẽ đem lại nhiều hiệu quả thiết thực như tăng doanh thu, giảm chi phí, đem đến dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, có thể làm marketing toàn cầu và đem lại lợi thế cạnh tranh lớn.
Vì vậy các DN, cơ sở làng nghề cần có ưu tiên phát triển TMĐT. Tuy nhiên việc này cần có những chính sách khuyến khích cũng như hỗ trợ phù hợp.
Sự kiện làng nghề Đồng Kỵ ra mắt sàn TMĐT mới đây được xem là bước đột phá giúp các sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường thế giới. Hiện Đồng Kỵ là làng nghề có khoảng 300 DN và 2.500 hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ với nhiều sản phẩm sơ chế, gia công.
Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cho biết, sự ra đời của sàn TMĐT làng nghề Đồng Kỵ tại địa chỉ http://dongkyfuniter.com đã đánh dấu một bước đi mới trong thời kỳ công nghệ của một làng nghề truyền thống.
Theo ông Vương, việc ra mắt sàn giao dịch này nhằm cung cấp một kênh mua sắm an toàn, uy tín, với chất lượng đảm bảo. Tất cả sản phẩm được dán tem nhãn thương hiệu "Gỗ Đồng Kỵ" và được bảo hộ độc quyền tới người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế. Các sản phẩm mang thương hiệu “Gỗ Đồng Kỵ” đang ngày một được quan tâm trên cả thị trường trong và ngoài nước.
Tương tự, nhiều DN tại Bát Tràng cũng đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, xây dựng TMĐT nhằm xúc tiến tìm kiếm đơn đặt hàng nước ngoài, mở rộng thị trường cho gốm Việt nói chung, gốm Bát Tràng nói riêng. Gốm sứ Bát Tràng nhiều năm qua đã xuất khẩu mạnh sang không ít nước trên thế giới.
Nhu cầu của thị trường quốc tế đối với các sản phẩm gốm nổi tiếng như Bát Tràng là rất có triển vọng. Nhưng để tiếp cận được thì rất cần có những chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác đầu tư, mà kênh TMĐT đang có nhiều ưu thế.
Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh (Làng gốm Bát Tràng), Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Hà Nội về du lịch làng nghề cho biết, những năm gần đây, nhiều sản phẩm gốm Bát Tràng đã bắt đầu vươn ra thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU...
Tuy nhiên, vì những hạn chế về quảng bá, giới thiệu sản phẩm nên việc cạnh tranh với nhiều sản phẩm thủ công của các nước khác gặp khó khăn. Vì vậy việc các DN làng nghề đẩy mạnh phát triển TMĐT là sự cần thiết để giới thiệu cũng như tìm kiếm khách hàng cả trong nước và quốc tế.
Theo bà Vinh, hiện các làng nghề đang còn gặp nhiều khó khăn về ứng dụng công nghệ thông tin do chủ yếu là mô hình sản xuất hộ còn nhỏ lẻ. Vì vậy cần có thêm các hỗ trợ kịp thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN, cơ sở sản xuất làng nghề tham gia TMĐT.
Theo đó, việc quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn DN, cơ sở làng nghề ứng dụng internet để khai thác thông tin thị trường, cập nhật chính sách, luật pháp thương mại trong nước và quốc tế; Tuyên truyền cho DN về chính sách, giải pháp liên quan đến việc triển khai TMĐT, nâng cao năng lực cạnh tranh và xuất khẩu, đồng thời cung cấp thông tin cho các DN về các giải pháp TMĐT mới nhất, giúp DN kinh doanh hiệu quả và giảm chi phí.
Th.s Nguyễn Hoàng Thắng khẳng định, TMĐT tại Việt Nam đã đem lại nhiều hiệu quả trong những năm qua, doanh số TMĐT ở Việt Nam chiếm 2,8% tổng doanh số bán lẻ.
Vì vậy các DN, cơ sở làng nghề cần chủ động tham gia TMĐT về mọi mặt, từ cơ sở vật chất đến nguồn lực. VCCI sẽ hỗ trợ mở các lớp đào tạo tập huấn, tổ chức các hội thảo, hội nghị để tuyên truyền cũng như giải đáp các thắc mắc của DN về xây dựng TMĐT...
Nguyễn Minh